|
Hiện tại, mỗi ngày dì Lan bán được khoảng 100 ổ bánh mì, thu nhập đủ sống và gửi về quê lo cho gia đình |
Qua Phú Nhuận, mỗi lần nghe mùi thịt nướng thơm thơm một góc đường Nguyễn Kiệm trước siêu thị Co.opmart Nguyễn Kiệm là biết ngay dì Lan đang đứng bán bánh mì thịt nướng.
Khách quen của bánh mì dì Lan là cánh giao hàng, xe ôm, đám nhỏ học trò hay sinh viên, thợ công trình… vì giá dễ chịu: 15.000 đồng/ổ. Có bữa khách lúng túng móc hết túi ra chỉ còn tờ 10.000 đồng, dì vẫn vui vẻ bán, ổ bánh vẫn có đủ rau, ớt, thịt đàng hoàng. Dì cười nhẹ: “Không ai muốn ăn bánh mì dưới giá bán đâu nếu họ không kẹt gì đó”.
Dì Lan ở huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi, ngoài 60 tuổi có “thâm niên” 21 năm làm dân nhập cư TPHCM. Năm xưa ở quê, dì nuôi heo. Vì dịch mà trắng tay, dì đành vô TPHCM kiếm sống bằng nghề bán bánh mì dạo. Lần hồi làm lụng tích cóp rồi cuộc sống cũng dễ thở hơn, dì đã có thể xây lại nhà cửa, dù không nhà cao cửa rộng nhưng cũng “có tiền ốp gạch men lên tường cho sạch đẹp”.
Dì kể: “Ở quê nhà có nuôi bò, dì bán rẻ bò cho con trai giá 6 triệu đồng, so với giá thị trường là 10 triệu đồng. Sau 1 năm nuôi, bán được 15 triệu đồng thì sinh sống làm sao đây…”. Vậy là dì kéo luôn con dâu vào TPHCM ở với mình để làm ăn, chấp nhận để con trai và cháu nội ở lại quê. Cùng với 2 con gái và con dâu, dì đi bán duy nhất món bánh mì thịt nướng.
Nếu bạn thấy mấy cái xe đẩy bán bánh mì y chang nhau, lúc này lúc kia ở những con đường Nguyễn Kiệm, Phan Xích Long, Hồ Văn Huê, Nguyễn Đình Chiểu, Thích Quảng Đức… thuộc phường 2, 3, 4, 9 quận Phú Nhuận (TPHCM) thì biết là chúng đều chung một nhà.
Làm “đồng nghiệp” với mẹ chồng hơn 2 năm, con dâu dì Lan đã bán tầm 150-200 ổ/ngày, trong đó cũng một phần nhờ dì Lan mách nước, nhường cho con những chỗ bán đông đúc người qua lại, thuận tiện giao thông hơn. Vậy nhưng “tân binh con dâu” vẫn chưa thể bằng 2 cô con gái của dì. Nhất là cô con gái thứ hai kiếm được 20 triệu đồng/tháng và luôn là người kiếm được nhiều tiền nhất trong số 4 phụ nữ trong nhà.
Phần dì, thu nhập bây giờ ít hơn trước do vị trí đứng bán không đẹp bằng và do “tụi nhỏ bây giờ có nhiều thứ để chọn lựa hơn 15-20 năm trước - cái thời mà tan trường, học trò đứng vòng trong vòng ngoài đợi mua bánh mì”. Dì Lan vừa cười vừa liên tục trở miếng thịt nướng: “Lúc trước, tui bán 1 ngày 250 ổ bánh là bình thường, bây giờ bán 100 ổ, kiếm mỗi tháng tầm 12 triệu đồng.
Thuê căn nhà nhỏ ở con hẻm gần đường ray xe lửa, giá 6 triệu đồng/tháng cho 5 người ở chung, tui vẫn đủ sống thong thả. Mà tui không ăn uống cực khổ như người ta hay nghĩ về người bán dạo nha, bữa cơm của mấy mẹ con tui vẫn có đủ rau, thịt, cá”.
Có dịp tiếp xúc với những người bán hàng rong nhập cư, tôi đã chuẩn bị tinh thần để nghe về một mức thu nhập ít hơn bởi lâu nay, câu chuyện truyền thông về người lao động nhập cư, nhất là người bán hàng rong, luôn là bức tranh có nhiều gam trầm, nhiều câu chuyện gợi sự thương cảm về sự nghèo khó vất vả cùng mức thu nhập khiêm tốn.
Dì Lan bán hết tuần này là về quê cúng ông Táo, ăn tết. “Tui chỉ mua cho cha mẹ sữa và mấy vật dụng cần thiết cho người già, người thân trong nhà thôi. Người miền khác có khi bị áp lực đi làm ăn xa phải mua quà tết cho cả họ cả hàng chứ chỗ tui, chuyện quà tết gọn gàng lắm, không phải lo sĩ diện chi.
Có lo năm tới khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng gì không hả?” - dì cười qua làn khói của chiếc vỉ nướng rồi nói tiếp: “Lo chi! Kiếm ít lại thì thu vén vẫn đủ sống mà. Năm mới tui chỉ mong khỏe mạnh thôi cậu ơi. Sức khỏe ổn thì đi bán, kiếm tiền mới ổn”.
Ngẫm lại cũng đúng. Hơn 20 năm mưu sinh ở thành phố này nghĩa là dì Lan cũng đã trải qua mấy cuộc khủng hoảng kinh tế dù có khi dì không biết và cũng chẳng quan tâm.
Mà vẫn ổn đó thôi!
Bài và ảnh: Lê Minh Hạ