PNO - 'Mãi mãi một thời thiếu sinh quân' là ký sự tiểu thuyết mới của nhà văn Ma Văn Kháng, vừa được nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Nhân dịp này, ông đã có những chia sẻ riêng với độc giả Báo Phụ Nữ TP.HCM…
1. Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Năm 1949, cục diện chiến tranh đã có nhiều biến đổi. Kháng chiến chuyển từ giai đoạn cầm cự sang chuẩn bị tổng phản công. Các đơn vị nhỏ là các đại đội độc lập tác chiến dần tập trung thành các đơn vị chủ lực lớn, đánh giặc theo lối vận động chiến.
Một vấn đề đặt ra là các thiếu niên theo tiếng gọi yêu nước đang có mặt tại các đơn vị bộ đội, các cơ sở quốc phòng trong các nhiệm vụ trinh sát, liên lạc, văn thư, văn công… cần được tập trung lại, học tập bồi dưỡng để trở thành lớp người kế cận có văn hóa, có khả năng quân sự, phục vụ quân đội trong tương lai.
Theo chỉ thị của Bác Hồ và Tổng Quân ủy, Trường Thiếu sinh quân Trung ương được thành lập tại An toàn khu (ATK), thuộc tỉnh Thái Nguyên, trong Liên khu Việt Bắc. Tôi vinh dự là một thiếu sinh của trường, từ đầu năm 1949. Khoảng thời gian 3 năm không dài, nhưng là kỷ niệm một thời niên thiếu tươi đẹp, hào hùng trong gian khổ. Hơn 70 năm đã qua. Hàng trăm con người của một thời đã tan vào các môi trường sống khác nhau, kẻ mất người còn; đôi khi gặp nhau cũng chỉ còn thấp thoáng những mảnh ký ức đã dần mờ nhòa. Ngoảnh đi ngoảnh lại, niềm mong mỏi có được những trang viết lưu lại hình ảnh của một thời đã qua thấy quạnh vắng quá.
2. Sách được khởi thảo ngày 23/4/2018, hoàn thành cơ bản ngày 18/5/2018. Nghĩa là chỉ trong vòng 28 ngày, với gần 300 trang in. Một tốc độ bất ngờ với chính tôi. Vì sao vậy? Vì sự thúc ép của tuổi tác. Vì sự trỗi dậy giục giã của ký ức. Cơ sở tạo nên cuốn sách là các sự kiện có thật trong lịch sử của Trường Thiếu sinh quân Việt Nam (từ đầu năm 1949 đến giữa năm 1951), như các hoạt động chính yếu của trường, quá trình hình thành trường, tên tuổi một số cán bộ phụ trách và các học viên, sự kiện Bác Hồ đến thăm, trận oanh tạc của máy bay Pháp…
Nhân vật chính trong sách là Trọng Đoan - một thiếu niên sinh ra trong một gia đình tiểu tư sản. Bắt đầu từ việc là đội viên đội truyền bá vệ sinh của Cục Quân y, trải qua bao gian khó trong học tập và rèn luyện, đối mặt với thử thách và mất mát, Đoan đã từng bước lớn lên và trưởng thành trong môi trường thiếu sinh quân. Tôi cũng cố dựng lại chân dung một lớp thiếu niên với nhiều cá tính đặc sắc, như bộ ba tướng - sĩ - tượng Thiết đen, Kim Diểu, Lục hạt mít nghịch ngợm, hồn nhiên; Sáng - chàng Tây lai cùng bạn bè: Huy Anh, Hào, Phìn… và lớp học viên thiếu niên; các cán bộ phụ trách như Đỗ Định, Hà Phương, Phạm Tuyên, Dương Xuân Trinh, Trần Tường… tận tụy, vừa giàu tình thương, vừa có trình độ cao về văn hóa, tiêu biểu cho lớp cán bộ quân sự chính trị của một thời kỳ lịch sử.
Ban đầu tôi chọn viết theo thể loại ký sự, ghi chép những sự kiện có thực của một đối tượng. Tuy nhiên, ngay trong sự tồn tại của đối tượng này cũng có câu chuyện mang ý nghĩa đặc trưng, nên tôi chuyển thành ký sự tiểu thuyết, với những nhân vật hư cấu trong liều lượng cho phép.
Nhà văn Ma Văn Kháng
Kể lại một câu chuyện cách đây đã lâu, trung thành với nó, dựng lại nó sao cho chân thật, tôi chọn viết trong tâm thế của con người hôm nay xem xét lại các sự kiện đã xảy ra trong quá khứ. Hy vọng câu chuyện sẽ không sa vào sự kể lể nôm na, sơ giản như nó vốn có.
3. Tôi vẫn nhớ như in chân dung, đặc điểm những con người thuộc nhiều tầng lớp và gần như toàn bộ cuộc sống sinh hoạt, ngôn ngữ của lớp thiếu niên chúng tôi thời đó và cố dựng lại chúng bằng nghệ thuật tiểu thuyết. Hồi đó không có sách giáo khoa. Các anh giáo - không gọi là thầy - dạy toán bằng sách của Pháp và bản dịch của giáo sư Hoàng Xuân Hãn.
Cách đây 70 năm, người ta dùng bút máy Château d’eau, Wearever, Pilot, Parker…; hút thuốc Bastos, Míc, cao cấp là Cotab, Phillip; hàng hóa buôn bán là nước hoa Soir de Paris, khăn mặt Good Morning, thuốc đánh răng Gibbs, xà phòng thơm Shanghai… Thời đó, che mưa là tấm vải nhựa do nhà tư sản dân tộc Nguyễn Sơn Hà sản xuất. Bộ đội mặc áo có cầu vai, quần gon. Mũ là tre đan, có vải bọc, ngoài cùng giăng lưới; chủ yếu đi dép cao su quai to, đóng đinh vào đế, không có thì đi chân trần. Quần áo rách tự vá, kim khâu là sợi dây thép mài nhọn, đục lỗ ở đuôi; chỉ khâu là vỏ cây sắn rừng tước nhỏ, se lại. Thời đó, các tập thể rất hay hát đồng ca. Tiếng Pháp là ngôn ngữ thông dụng…
Ký ức con người là điều kỳ diệu và văn chương chính là điều kỳ diệu tiếp theo. Đó là nơi ghi lại toàn bộ cuộc sống, từ hình ảnh đến những trạng thái tinh thần vi tế nhất của con người ở mỗi thời đoạn mà không máy móc hay phương tiện nào có thể sánh được. Bằng văn chương, hình ảnh một thời đã được phóng chiếu…