Ma túy là “tội phạm nguồn”, không thể xử lý triệt để trong thời gian ngắn

08/11/2024 - 18:49

PNO - Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Hải Trung khẳng định, vì lợi nhuận khủng, nhiều người sẵn sàng liều mạng để buôn bán ma túy.

Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Hải Trungo
Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Hải Trung chia sẻ, buôn bán ma túy ngày càng phức tạp - ảnh: V.D.

Chiều 8/11, góp ý vào Tờ trình của Chính phủ đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, Giám đốc Công an TP Hà Nội – ĐBQH đoàn TP Hà Nội Nguyễn Hải Trung nhấn mạnh, ma túy không chỉ là tệ nạn, vấn nạn mà là hiểm họa.

Ma túy hiện nay đi vào mọi ngõ ngách của đời sống, không trừ bất cứ một ai nếu chúng ta không cảnh giác, từ trí thức, văn nghệ sĩ, công nhân, nông dân…

“Vừa qua tôi có đi Campuchia. Hiện Campuchia đang có một chiến dịch phòng chống ma túy ngay trong bộ máy nhà nước. Như vậy, nguy cơ ngay trong chính bộ máy nhà nước cũng không phải không có”, ông nói.

Ma túy hủy hoại về tinh thần, thể xác, sức lao động, băng hoại cả quốc gia, dân tộc. Ma túy sinh ra nhiều thứ khác, mà như cách gọi của ông Nguyễn Hải Trung – đó là “tội phạm nguồn”.

“Từ ma túy sinh ra cướp, giết, trộm cắp, lừa đảo. 40% đối tượng nghiện ma túy là không nghề nghiệp hoặc không nghề nghiệp ổn định, không có thu nhập, nên để có tiền hút ma túy thì phải trộm cướp, giết người, thậm chí ngáo đá thì giết cả bố mẹ, vợ chồng, con cái, khi lên cơn thì họ mù quáng. Rồi các đối tượng thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng ma túy để chi phối, gây bạo loạn, mất an ninh trật tự…”, ông phân tích.

Hiện nay Bộ Công an đang chỉ đạo triển khai các giải pháp giảm cầu, tức lấy người nghiện làm trung tâm, từ giảm cầu thì sẽ giúp giảm cung. Tuy nhiên, Trung tướng Nguyễn Hải Trung phân tích, buôn bán ma túy lợi nhuận rất lớn, những kẻ buôn bán không bao giờ từ bỏ, sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng.

Ông cũng thông tin, tình hình buôn bán ma túy ngày càng phức tạp. Trước kia các vụ mua bán ma túy tính theo bánh, theo cân, thì giờ tính bằng tấn, bằng tạ. Trước kia buôn bán ma túy theo đường bộ, giờ đi bằng cả đường biển, đường sông, đường hàng không. Trước kia kẻ mua người bán phải gặp nhau, giờ mua bán họ còn không cần gặp nhau. Trước kia ma túy là heroin, cocain, giờ là ma túy tổng hợp, có khi là kết hợp các tiền chất để tạo ảo giác…

Do đó, bên cạnh quyết tâm chính trị cao, theo ông phải có giải pháp mạnh, đổi mới cách thức, phương tiện, phân cấp, phân nhiệm vụ... để nâng cao hiệu quả. Đó là lý do cần thiết có Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy.

Giám đốc CATP Hà Nội nói thêm, xử lý, giải quyết triệt để vấn đề ma túy trong thời gian ngắn là không thể. Đây là cuộc chiến phải kiên trì, kiên định.

Liên quan tới đề xuất tổng vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy là hơn 22.450 tỉ đồng, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đánh giá, con số này so với mặt bằng chung của các chương trình mục tiêu quốc gia là “khả thi, hợp lý và khiêm nhường”. Đây là mức khả thi, khiêm tốn trong bối cảnh chúng ta thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đối với nhận định của Báo cáo thẩm tra về vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy tương đối thấp, có ý kiến đề xuất tăng thêm, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai cho rằng nên giữ như Tờ trình của Chính phủ, bởi khi đề xuất con số đó thì Chính phủ và Bộ Công an đã có căn cứ, tính toán nhiều yếu tố. Mặt khác, giai đoạn 2026 – 2030, một loạt dự án quan trọng quốc gia được đưa vào chương trình, như đường sắt cao tốc với số vốn khổng lồ, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hoá...

Trong bối cảnh ngân sách có hạn, chúng ta không thể "dàn hàng ngang", mà cần thứ tự ưu tiên", ĐBQH đề xuất Chính phủ cần rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới để có trật tự ưu tiên, "liệu cơm gắp mắm" trong bối cảnh ngân sách hạn chế.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI