Sáng hôm ấy, trước cửa văn phòng công chứng bất ngờ tụ tập cả một nhóm người: những thanh niên xăm trổ, những người đàn bà hung hăng văng tục. Họ là chủ nợ của anh Hoàng Khánh - người đang ở trong văn phòng nhận tiền bán nhà, chia với người vợ đang trong thời gian làm thủ tục ly hôn.
Trưa muộn, vừa ra cổng là Khánh bị đám chủ nợ vây chặt, chen nhau chìa giấy nợ, đòi tiền; náo loạn đến mức bảo vệ phòng công chứng phải nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu giải tán. Tả tơi sau “bão”, anh thở dài đếm lại, 700 triệu bán nhà giờ chỉ còn 90 triệu. Vợ con thì đã không thèm nhìn mặt anh, ôm cọc tiền lên chiếc taxi chờ sẵn, đi mất. Sau khi bắt tay, cảm ơn vị luật sư đã đồng hành suốt chặng đường vừa qua với mình, anh bỏ mớ tiền xẹp lép vào cốp xe, lầm lũi dắt ra cổng.
Vợ chồng anh Khánh vốn rất đẹp đôi, cùng sinh năm 1970, cùng lớn lên trong một khu phố ở Phú Nhuận, TP.HCM. Gia đình hai bên là hàng xóm thân thiết, đều khá giả. Hôn nhân của anh chị cứ ngỡ sẽ vô cùng êm xuôi vì có khởi đầu quá thuận lợi. Nào ngờ một ngày, sau cuộc xung đột, họ kéo nhau ra tòa ly hôn. Nhờ tư vấn “nhiều kỳ” của luật sư, hai người thỏa thuận tự chia tài sản chứ không nhờ tòa án để khỏi tốn án phí. Họ chỉ có chung căn nhà , bán được 2,3 tỷ đồng; trả nợ chung 500 triệu đồng, còn 1,8 tỷ, anh 700 triệu, chị 1,1 tỷ đồng (vì con trai 16 tuổi sống với mẹ, không yêu cầu anh Khánh cấp dưỡng).
Dù hôn nhân của anh chị kéo dài đến 20 năm nhưng hạnh phúc lại ngắn chẳng tày gang. Nguyên nhân, theo chia sẻ của anh, là do chị quá ghen, thường chửi mắng chồng, không tròn trách nhiệm làm vợ, suốt ngày “tám” với hàng xóm và chị em ruột cạnh nhà.
Chị thì tố: “Do hắn chơi ma túy đá. Hắn chối nhưng tui chắc chắn là vậy. Gần đây hắn có những biểu hiện kỳ lạ lắm, lại giao du với đám người không đàng hoàng, tiền thì xài bao nhiêu cũng không đủ. Hắn còn có vợ bé, con rơi. Tui khuyên tu tỉnh làm ăn, quay về với vợ con mà hắn không nghe. Đã vậy, hắn còn thường xuyên kiếm chuyện gây sự, rồi đánh nhau không từ một ai.
Người cha phải sống thế nào thì các con mới xui mẹ ly hôn chứ! Vợ chồng là tình là nghĩa, tui đâu muốn bỏ hắn, nhưng biết làm sao khi chính hắn còn không biết thương lấy thân mình. Đã bao nhiêu lần tui phải lạy lục giang hồ đừng xử hắn, phải chạy quanh mượn tiền trả nợ vay nóng cho hắn. Chán lắm rồi!”.
Trước mặt vợ, anh Khánh thừa nhận chuyện có con ngoài giá thú, có nợ ngân hàng và nợ thêm xã hội đen một khoản tương đương, nhưng phủ nhận việc chơi ma túy đá. Nợ nần là do anh làm ăn thua lỗ chứ không phải do chơi bời. Thế nhưng, khi gặp riêng luật sư, anh Khánh thú thật là có dùng ma túy đá vài năm gần đây: “Nhưng tui không ghiền, chỉ chơi khoảng ba bốn lần/tháng. Chơi loại này không phải “chích choác”, không sợ lây HIV, chỉ có điều là ham muốn quan hệ tình dục tăng mạnh, mà vợ tui thì già rồi không đáp ứng được.
Một số người sử dụng ma túy đá bị ảo giác, đánh nhau, quậy phá, nhưng tui chỉ ham quan hệ tình dục thôi. Đứa nhỏ mới tòi ra là vì vậy…”. Trước những phân tích, khuyên nhủ của luật sư, anh khoát tay: “Chuyện chơi ma túy đá kệ tui, tui chơi chứ có mua bán gì đâu, luật sư đừng động tới. Tui không rảnh ngồi nghe giảng, chỉ muốn ly hôn, chia tài sản. Luật sư cứ tư vấn chuyện này, tui trả phí đầy đủ”.
Vài tuần sau ngày chia tiền, anh Khánh lại gọi cho luật sư, than: “Luật sư có cách nào giúp tui với. Tui không có chỗ trọ, cũng không còn tiền. Tiền chia hôm trước tui chơi ma túy đá nhiều lần nợ dồn, người ta bắt phải trả hết; lại còn thua độ bóng đá và phải chuộc lại chiếc xe máy để làm chân nên giờ hết sạch. Rồi anh xa xả trách đời, mắng người; đổ thừa giá mà đám bạn không rủ rê, giá mà vợ đồng ý cùng đi trốn nợ, giá mà các con đừng ngoảnh mặt… thì anh đã có động lực để tu tỉnh. Anh càng rối thêm vì cô nhân tình ép anh làm thủ tục xác nhận cha cho con, dọa nếu anh không thực hiện trách nhiệm cấp dưỡng hàng tháng sẽ kiện ra tòa.
Nghe chuyện của anh mà ngao ngán, luật sư góp ý: “Không ai có thể giúp được nếu chính anh không cố gắng, quyết tâm vượt qua bản thân. Nguyên nhân lớn nhất là anh chơi ma túy đá, dẫn đến hậu quả là tự đá đổ tổ ấm bao năm mình gầy dựng. Anh nên cai nghiện, bỏ cờ bạc, làm ăn lương thiện, lo nuôi dạy con”.
Giọng anh Khánh như “đổ hột”, có lẽ đang khóc nghẹn: “Tui cũng thương con, muốn lo cho chúng và cũng thương vợ. Buông ra rồi mới hiểu không ai bằng vợ mình, chịu thương chịu khó, kiên trì kéo chồng về với gia đình. Tui sẽ ráng. Chắc là khó, nhưng tui sẽ ráng. Khi cần, tôi sẽ nhờ luật sư giúp đỡ”. Rồi không thấy anh liên lạc với vị luật sư nữa, gọi cho anh chỉ nghe điện thoại ò í e. Địa chỉ của anh mà vị luật sư biết lại là căn nhà đã bán và phòng trọ anh cũng đã dọn đi. Mong anh dời chỗ trọ không phải vì… trốn nợ, mà vì đã tìm được con đường hàn gắn lại những gì chính anh đã làm đổ vỡ.
Tô Diệu Hiền