Má tui chết rồi, ông hài lòng chưa?

15/08/2019 - 18:59

PNO - Vèo.... Con dao bay cái phựt ngang cánh tay má. Máu văng ra, nó tái mặt, má ngất lịm, “máu điên” của ba dịu xuống. Hàng xóm chạy qua khiêng má đi bệnh viện. Chiến trường hoảng loạn, nó run lẩy bẩy.

“Mày kêu ba mày ra ăn cơm”, giọng má gắt gỏng. Còn ba lầm lì chui vô phòng quấn chăn nằm một đống. 

Cảnh như vậy, nó chứng kiến hoài mỗi khi ba má nó gây lộn. Gia đình lạnh tanh. Nhà đâu có mấy người, trên dưới đếm trên đầu ngón tay. Hai ba ngày, một tuần, gia đình mới hòa bình lại.

Mà chuyện to tát gì đâu, hay tại ba má khắc khẩu, đụng chuyện chẳng xuôi tai là sanh ra to tiếng. Nó chứng kiến hoài cũng quen. Riết rồi nó chẳng thèm quan tâm nữa, chuyện như cơm bữa, kệ. Ba má tự gây tự làm hòa. 

Ma tui chet roi, ong hai long chua?

Ảnh minh họa

Như hôm trước, chuyện tận đẩu tận đâu, ba kể má nghe. Hồi đầu còn cười cười, sau đó tự dưng đùng đùng to tiếng. Mà chuyện thiên hạ, chẳng dính gì tới nhà mình, cũng sanh sự. Thế là cơm không lành, canh không ngọt. Vậy đó, gia đình thường xuyên xảy ra những chuyện vô duyên vô cớ. Mà chuyện đơn giản, như trò hề vậy, thôi thì cũng kệ. Diễn ra suốt thành thói quen. Mà càng quen thì càng lấn lướt nhau, ba má chẳng ai chịu nhường ai. Rồi chuyện lớn cũng xảy ra.

Chuyện là, nhà nó làm đám giỗ, má xuống nhà bà thím chồng mượn cái xoong về nấu chè. Ai dè, nấu chè cháy, cái xoong đóng đen một lớp. Má mang trả, nói lời xin lỗi, giải quyết êm xuôi. Mà bà thím chồng cũng độc mồm độc miệng, chuyện xong thì thôi, lại đem bêu riếu khắp. Còn học lại với ba nó: “Vợ mày thế này, thế kia, làm cái xoong tao mới mua về đen sì...”, bà thím chồng lèm bèm. 

Gặp khi đang có men rượu trong người, ba đùng đùng chạy về, lớn tiếng: “Ra đây tao biểu, mày có ra đây không…”. Nghe như chuyện cơm bữa. Nó chẳng thèm quan tâm. Ba tiếp tục quát tháo, chén dĩa bay vèo vèo “choảng, choảng”, “rầm”. Nó khiếp sợ. Nó chưa bao giờ chứng kiến cảnh như vậy. Nó cứ nghĩ nói qua nói lại vài ba câu là xong.

Má điếng người. “Tại sao, cái xoong mày trả mày không biết chà rửa, đồ thứ đàn bà vô tích sự” - ba hét lên. Nó chưa bao giờ nghe những lời lẽ thô bỉ như vậy, “mày mày, tao tao”. Má cự lại, chưa kịp giải thích gì, “vèo...”. Con dao bay cái phựt ngang cánh tay má. Máu văng ra, nó tái mặt, má ngất lịm, “máu điên” của ba dịu xuống. Hàng xóm chạy qua khiêng má đi bệnh viện. Chiến trường hoảng loạn, nó run lẩy bẩy.

Đó là chuyện động trời nhất từ trước tới giờ nó chứng kiến như một bộ phim hành động nhiều tập kéo dài theo năm tháng. Những tưởng ngày tháng êm đềm sẽ sống lại sau cái trận kinh hoàng đó. Nó nghĩ ba má nó khiếp sợ những gì đã xảy ra. Nhưng không. Đã quen tay thì tiếp tục làm. Ba má không còn nhớ những gì xảy ra, họ không còn tôn trọng nhau nữa, cả hai lại tiếp tục “trường kỳ chiến đấu”.

Nó đứng ngoài phát điên: “Ba má không thích sống với nhau thì chia tay, tại sao cứ phải hành hạ bản thân và cả con nữa...”. Nó chỉ biết khóc và khóc. Nó van xin. Nhưng ba má vẫn không buông. Ba thượng cẳng chân hạ cẳng tay, má ra sức chống đỡ. Rồi sự việc đau lòng xảy ra, ám ảnh suốt cuộc đời nó.

Ma tui chet roi, ong hai long chua?
Ám ảnh ấy, suốt đời nó không quên. Hình minh họa.

Má uất ức lên cơn đau tim, ú ớ vài tiếng, mắt trợn ngược. Ba dường như không hay biết, cứ điên tiết đập đồ, xô má, nó chạy vào ngăn. Tiếng nó khóc thét, uất tận cổ họng: “Má tui chết rồi, ông hài lòng chưa?”. Tiếng khóc xé lòng, ba nó ngây dại, mắt đờ đi. Văng vẳng đâu đây tiếng gọi: “Kêu ba mày ra ăn cơm”. Ba thất thần như điên như dại. Còn đâu nữa người đầu ấp tay gối. Còn nó, nó như chết đi, giọng má nó văng vẳng khắp căn phòng: “Con ơi, cứu má!”. 

Chuyện như một cơn ác mộng. Hắt hiu tiếng gió thổi, lạnh cả sóng lưng. Lờn vờn làn sương sớm, ai đó như má đang về... 

Chúc Châu 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI