Ma trận sản phẩm diệt khuẩn ăn theo dịch cúm Corona

08/02/2020 - 17:32

PNO - Ăn theo dịch cúm Corona, nhiều nơi quảng cáo đủ loại sản phẩm diệt khuẩn, diệt đủ loại vi-rút rồi tự ý đẩy giá lên trời.

Không chỉ diệt khuẩn mà diệt đủ loại vi-rút?

Nhiều người đang truyền tai nhau về loại túi diệt khuẩn có tên Air Doctor, xuất xứ từ Nhật Bản, giá trên 400.000 đồng, có tác dụng diệt và chống các loại vi khuẩn, vi-rút, nấm mốc trong bán kính khoảng 1m. Nhiều người cho biết đã trang bị sản phẩm này cho bản thân và trẻ nhỏ nhằm chống lại vi-rút Corona. 

Tại trang nice.mypham18.com, túi Air Doctor được quảng cáo có công dụng diệt khuẩn và vi-rút vì có chức năng giải phóng lượng nhỏ khí clo dioxide ra môi trường trong bán kính khoảng 1m. Khí này giúp phân hủy các loại hợp chất khí độc như hydrogen sulfide, mercaptan và các nguyên nhân gây ra mầm bệnh khác. Hiệu quả của sản phẩm được quảng bá kéo dài đến một tháng kể từ lúc mở túi và đeo trên người.

Người bán thao thao bất tuyện rằng, hợp chất clo được nhiều đơn vị như Ủy ban An toàn thực phẩm Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA)… công nhận an toàn, được sử dụng khử trùng thực phẩm, nước uống, thiết bị y tế... nhưng giấy xác nhận sản phẩm Air Doctor có khả năng diệt khuẩn, diệt vi-rút thì lại không được đề cập. 

 “Chợ” mạng đang “hot” loại bút diệt khuẩn, diệt vi-rút của Nhật nhưng diệt bằng cách nào, chất nào để diệt thì không người bán nào lý giải được
“Chợ” mạng đang “hot” loại bút diệt khuẩn, diệt vi-rút của Nhật nhưng diệt bằng cách nào, chất nào để diệt thì không người bán nào lý giải được

Thời điểm này cũng rộ lên các loại bút diệt khuẩn, diệt vi-rút có tên cleverin japan, được bán với giá 356.000 đồng. Tại các trang thương mại điện tử, hiện sản phẩm bút diệt khuẩn đang “làm mưa làm gió” và luôn trong tình trạng “cháy” hàng. Theo quảng cáo, đây là sản phẩm của Viện Nghiên cứu Taiko, được người dân Nhật sử dụng từ rất lâu để phòng các loại vi-rút, vi khuẩn, cúm… 

Đối tượng được sử dụng thường là trẻ nhỏ - vốn không chịu đeo khẩu trang. Chỉ cần ghim cây bút này ngay trước áo, bảo đảm sẽ không nhiễm vi-rút. Để thu hút người mua, các cửa hàng đều cho biết, hiện người dân Trung Quốc đang qua Nhật “hốt” khẩu trang, thuốc xịt khuẩn và bút diệt khuẩn này. Song khi hỏi cây bút này diệt được vi-rút nhờ cơ chế nào thì không điểm bán nào lý giải được. 

“Hot” trên “chợ” mạng không kém là các loại khẩu trang và khăn giấy được quảng cáo có khả năng diệt đến 99,9% các loại vi-rút cúm A/H1N1, H5N1, Sars, lao… và mới đây nhất là vi-rút Corona. Không chỉ bày bán trên chợ mạng, các loại khẩu trang và khăn giấy trên cũng được bày bán tại hầu hết các cửa hàng dành cho mẹ và bé. Toàn bộ sản phẩm đều được cho là sản xuất theo công nghệ Nhật hoặc nhập từ Nhật, Hàn Quốc. 

Cấu tạo chung của các sản phẩm này là vải, đều có bốn - năm lớp, bên trong có lớp sợi tẩm nano bạc hoặc than hoạt tính nên khả năng diệt vi-rút không mất đi và có thể tái sử dụng đến cả… trăm lần giặt. Khẩu trang vải thông thường có giá bán trên thị trường hiện nay từ 5.000 - 7.000 đồng/cái, trong khi những sản phẩm được gắn mác “nano bạc” có giá cao gấp nhiều lần. Cụ thể, loại ba lớp vải (không có than hoạt tính) có giá 30.000 đồng/chiếc, loại bốn lớp vải có giá 40.000 đồng/chiếc. Riêng loại ba lớp dành cho trẻ em có giá 22.000 đồng/chiếc, bốn lớp có giá 25.000 đồng/chiếc. Khăn giấy cũng được đội giá lên gấp nhiều lần so với sản phẩm thông thường. 

Ngoài các vật dụng trên, người tiêu dùng hiện còn có xu hướng săn lùng các loại nước rửa tay do nhà sản xuất quảng cáo có khả năng diệt đủ loại vi khuẩn, vi-rút. Tại các siêu thị, ngay gian hàng nước rửa tay Clinsoap, trên vỏ chai đã dày đặc thông tin: “có tác dụng sát khuẩn phổ rộng, nhanh chóng tiêu diệt 99,99% các loại vi-rút, vi khuẩn và nấm gây bệnh bao gồm trực khuẩn lao, E.Coli, P.aeruginosa; tiêu diệt hoàn toàn các mầm bệnh truyền nhiễm qua đường tiếp xúc…”. Nước rửa tay Doctor Kiri không chỉ diệt 99,99% vi khuẩn có hại mà còn “diệt nhanh chóng các vi-rút gây bệnh tay chân miệng, các chủng nấm bệnh, vi-rút cúm A/H1N1, H5N1…”. Trong khi đó, theo quy định tại phụ lục số 03-MP của thông tư số 06/2011/TT-BYT có ghi, trong sản phẩm chăm sóc da, không được giới thiệu tính năng: diệt nấm, diệt vi-rút. Thế nhưng thực tế, nhiều nhà sản xuất vẫn cố tình phớt lờ quy định và quảng cáo “lố” tính năng sản phẩm để gây ngộ nhận cho người tiêu dùng. 

Công dụng đến đâu?

Nói về các loại khẩu trang nano diệt khuẩn, diệt virus PGS-TS Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng - cho biết, kinh nghiệm từ xa xưa cho thấy bạc (Ag, silver) và một số kim loại, hợp kim khác có tính năng khử mùi và sát khuẩn khá tốt. Giới quý tộc ở châu Âu cũng như châu Á xưa vẫn dùng bạc làm vật dụng trong ăn uống bởi tính năng diệt khuẩn cao lại không gây tác dụng phụ, nhất là các loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột, tiêu chảy. Dân gian còn dùng bạc vừa làm đồ trang sức vừa để trị bệnh cho trẻ con cũng bởi ngụ ý bạc có khả năng tiêu độc. Loại vật liệu mới với một số tính năng mới của bạc được gọi là nano bạc, có liên quan đến cấu trúc cực nhỏ (kích cỡ nano mét) của kim loại bạc; chính vì thế các sản phẩm có dùng nano bạc được nhiều nhà sản xuất sử dụng với mục đích vệ sinh, diệt khuẩn và nấm mốc.

Trong thực tế, hiện nay, trên thị trường vẫn có nhiều sản phẩm bạc, nhất là các thương hiệu lớn và nổi tiếng, nhưng cần lưu ý rằng các sản phẩm này chỉ có tác dụng vệ sinh diệt khuẩn và nấm mốc, không có chuyện khẩu trang làm bằng nano bạc lại diệt được 99,99% vi-rút cúm A/H1N1, H5N1, SARS, lao… như quảng cáo. Trong các sản phẩm vải sợi như khẩu trang, bạc được tẩm qua bề mặt của sợi hoặc đưa vào sản phẩm qua quy trình dùng trong sản xuất. “Tuy nhiên lượng bạc được sử dụng rất nhỏ, chỉ có khả năng chống hôi, nấm mốc, giảm thiểu khả năng bám khuẩn và phát triển vi khuẩn trên bề mặt. Chúng chỉ tạo ra hiệu quả nhất định và thời gian có tác dụng diệt khuẩn cũng rất hữu hạn. Sau khi giặt một số lần, sử dụng một thời gian sẽ hết tác dụng của bạc, không thể “giặt cả trăm lần mà vẫn diệt khuẩn như mới mua” - PGS-TS Nguyễn Mạnh Tuấn nói. 

Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Phan Thế Đồng - bộ môn công nghệ thực phẩm và dinh dưỡng trường đại học Hoa Sen - cho rằng, nếu người tiêu dùng ngộ nhận các loại khẩu trang trên có thể sử dụng nhiều lần mà vẫn diệt khuẩn được tốt là vô tình gây bệnh cho bản thân. Còn nếu khẩu trang diệt khuẩn mà có tác dụng diệt khuẩn lâu và tốt như quảng cáo thì sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Bởi một chất nào đó có khả năng diệt được vi khuẩn và vi-rút thì cũng ảnh hưởng đến tế bào của con người. 

Riêng các loại túi đeo, bút đeo diệt khuẩn và diệt vi-rút, tiến sĩ Phan Thế Đồng khẳng định: hợp chất clo chỉ diệt khuẩn tốt nếu ở dạng dung dịch. Còn ở dạng không khí thì tác dụng rất ít, thậm chí không có nếu người đeo túi ở trong môi trường có gió. Ngược lại, nếu hít phải khí clo nhiều còn có khả năng gây kích ứng, giống như hít phải nhiều nước tẩy javen - vốn là loại có nồng độ clo cao. Với người hen suyễn, hít phải clo sẽ gây khó thở, thậm chí khởi phát cơn hen. 

“Bút diệt khuẩn, diệt vi-rút không rõ cơ chế hoạt động ra sao nhưng nếu phát ra khí clo giống như túi thì cũng tương tự, khả năng diệt khuẩn không nhiều. Nên nhớ, vi-rút Corona lây lan là do tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Nếu chỉ đeo bút hoặc túi này mà không đeo khẩu trang và tay tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh rồi đưa lên mũi, miệng thì vẫn bị lây bệnh như thường” - tiến sĩ Phan Thế Đồng khuyến cáo. 

Theo các chuyên gia, cách tốt nhất để phòng vi-rút Corona là hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, cần thiết tiếp xúc thì phải đeo khẩu trang y tế đúng cách. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng bằng nước sát khuẩn, che miệng và mũi khi ho. Không nên tin vào lời quảng cáo mà sử dụng các sản phẩm không đúng cách để rồi chuốc bệnh vào thân.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI