Mã số bí mật giúp bệnh nhân tiết kiệm thời gian và chi phí

10/04/2021 - 11:33

PNO - Hiện nay, tại phòng chụp phim Khoa Chẩn đoán hình ảnh khu Khám bệnh kỹ thuật cao Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, bệnh nhân sau khi được chụp phim, không cần phải ngồi chờ lấy kết quả như trước đây.

 

Bà Nguyễn Thị B.H. được kỹ thuật viên hướng dẫn chụp phim
Bà Nguyễn Thị B.H. được kỹ thuật viên hướng dẫn chụp phim

Bệnh nhân (BN) được cấp tài khoản để xem kết quả của mình qua website bằng điện thoại, máy tính bảng, laptop… Nhờ đó, họ có thể nhanh chóng quay lại phòng khám ban đầu để khám và cũng tránh được tình trạng tập trung đông đúc trước phòng chụp, nhất là khi dịch COVID-19 vẫn đang phức tạp.

Bệnh nhân được cấp “mã số bí mật”

Tại phòng 409, bác sĩ Nguyễn Tín Trung, Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh đưa một BN vào để chụp X-quang tầm soát ung thư phổi. Sau khi chụp xong, kỹ thuật viên cung cấp một tờ giấy cho người bệnh với nội dung gồm: tên BN, số tài khoản và mật khẩu để người bệnh và bác sĩ điều trị có thể cùng xem phim X-quang bằng máy vi tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng… 

Ngồi quan sát, chúng tôi ghi nhận việc chụp chiếu phim không cần chờ rửa phim diễn ra rất nhanh. Sau khi được chụp CT vùng ngực bụng trong vòng 10-15 phút, bà Đặng Thị Kim C. (50 tuổi, quê ở tỉnh Bình Phước) được nhân viên phòng chụp cung cấp thông tin tài khoản. Bà quay trở lại phòng 413 để bác sĩ xem kết quả mà không cần chờ lấy phim. Bà vừa cung cấp “mã số bí mật” của mình, bác sĩ điều trị gõ vào hệ thống lưu trữ PACs trên hệ thống máy chủ của bệnh viện. Ngay lập tức, lịch sử của tất cả phim ảnh mà bà đã được chụp trước đây đều hiện ra trên màn hình máy tính để bác sĩ xem xét, theo dõi, chẩn đoán trước và sau khi điều trị.

Bà C. phát hiện ung thư vú di căn và chụp phim lần đầu vào ngày 13/2/2019. Từ lúc khởi bệnh đến nay, đây là lần thứ tư bà chụp CT để theo dõi trong quá trình trước và sau điều trị. Kết quả chụp phim lần này so với hai lần gần nhất vào ngày 10/7/2019 và 2/5/2019 thì vị trí tổn thương đích (ở vú) đã giảm kích thước, chỉ còn dưới 10mm nhưng sang thương này chưa hoàn toàn biến mất. Tuy nhiên, khi so sánh với lần chụp đầu tiên thì tổng kích thước khối u giảm được 30,5%, từ 72mm xuống còn 50mm. Bác sĩ không ghi nhận có tổn thương ở những vị trí mới sau khi điều trị và ghi nhận BN đã đáp ứng một phần. 

Bà C. được dặn dò tuân thủ điều trị và tái khám đúng hẹn. Số thứ tự BN tiếp theo “nhảy đèn” ở phòng 413, bà C. bước ra ngoài và thở phào nhẹ nhõm: “Tổng thời gian chụp phim, khám bệnh chưa tới 30 phút. Trước đây, mỗi khi chờ lấy phim đã mất cả 20-30 phút, chưa kể nhiều BN chờ lấy phim nên thời gian tới lượt mình khám kéo dài. Nhiều khi tới tận trưa hay đầu giờ chiều mới xong nên khi bắt xe đò về tới Bình Phước thì đã tối”.

Người bệnh được cung cấp tài khoản, mật khẩu để xem kết quả phim chụp trực tuyến
Người bệnh được cung cấp tài khoản, mật khẩu để xem kết quả phim chụp trực tuyến

Phim số hóa được lưu trữ lâu dài

Bác sĩ Nguyễn Tín Trung cho hay, sau một thời gian thử nghiệm, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM đã đưa hệ thống PACs vào sử dụng chính thức, hiện lưu được phim ảnh cho hơn 356.000 BN. Gần đây, bệnh viện triển khai thêm phần mềm MyVue nhằm cung cấp cho người bệnh có nhu cầu sử dụng và xem tất cả các phim mình đã chụp tại bênh viện như: phim X-quang, nhũ ảnh, CT-Scanner, MRI… qua hệ thống web. Hệ thống MyVue sẽ cung cấp cho người bệnh số tài khoản, mật mã pin giống thẻ ATM nhằm truy cập được vào hệ thống PACs.

Theo bác sĩ Trung, việc chỉ cấp “mã số bí mật” cho BN thay vì đưa phim ảnh sẽ giúp BN “bảo quản” được phim ảnh thời gian lâu dài. Thực tế, nhiều người khi cầm phim là cuộn hay gấp lại, khiến nhiều vị trí trên phim hư hại, nhìn không ra, việc chẩn đoán dựa vào phim ảnh sẽ khó khăn. Chưa kể, độ bền của mỗi phim cũng không giống nhau, có khi chỉ sau một tháng chất lượng phim đã xuống màu.

Mặt khác, nhờ có “mã số bí mật” nên người bệnh không mang phim chụp khi tái khám, bác sĩ dễ dàng đánh giá quá trình điều trị. Thậm chí, người bệnh khi đến bệnh viện khác, hay ra nước ngoài điều trị cũng có thể cho bác sĩ xem các phim ảnh đã được lưu trữ tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Hệ thống sẽ hiện ra lịch sử tất cả các lần chụp của BN, giúp bác sĩ đánh giá và theo dõi quá trình điều trị. Điều này, giúp việc điều trị khách quan, nhanh chóng, người bệnh không phải chụp lại phim khi điều trị ở nơi khác gây tốn kém. 

Việc sử dụng phần mềm này còn giúp ngành y tế không phải xử lý phim và chất tẩy rửa vốn gây hại môi trường. Phim và chất tẩy rửa là rác thải y tế (do những tấm phim nhựa chứa bạc, hóa chất, kim loại nặng gây nguy hại cho môi trường). Bệnh viện không tốn không gian lưu trữ phim ảnh của người bệnh hằng ngày. 

Bà Nguyễn Hồng Diễm, Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, thông tin chi phí để sử dụng phần mềm này là 10.000 đồng cho phim X-quang số hóa, 20.000 đồng cho X-quang nhũ ảnh, 50.000 đồng để cập nhật phim MRI và CT (16 và 64 lát cắt). Tuy nhiên, những BN không muốn sử dụng hệ thống MyVue thì bệnh viện vẫn in ra phim và không phải mất phí. Hiện chi phí in phim chụp cho BN chiếm tới 25-30% tổng chi phí điều trị. Ví dụ: phim chụp CT-Scanner không cản quang là 600.000 đồng, trong đó 150.000 đồng là tiền phim.

Những hình ảnh chẩn đoán được mã số hóa và tích hợp trên hệ thống My Vue
Những hình ảnh chẩn đoán được mã số hóa và tích hợp trên hệ thống My Vue

Hiện mỗi ngày, tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM có khoảng hơn 200 BN sử dụng dịch vụ này. Nhờ không in phim nên chi phí điều trị của người bệnh giảm đáng kể. Bản thân người bệnh tiết kiệm thời gian điều trị, đảm bảo kết quả hình ảnh riêng tư. Hệ thống cung cấp cho người bệnh kết quả chẩn đoán hình ảnh dưới dạng số hóa trực tuyến thay thế cho bản sao cứng của hình ảnh y tế. Do toàn bộ kết quả chẩn đoán hình ảnh đều được mã hóa nên đảm bảo thông tin người bệnh không bị phát tán ra ngoài. Chỉ người bệnh được cấp tài khoản và mật khẩu truy cập mới có thể xem được thông tin hình ảnh y tế của chính họ.

Người bệnh có thể thay đổi mật khẩu cá nhân sau khi được bác sĩ cung cấp. Và chỉ người bệnh mới có quyền chia sẻ thông tin hình ảnh y tế cá nhân cho người khác. Tại bệnh viện, hệ thống được truy cập theo từng cá nhân với thẩm quyền được phê duyệt bằng tài khoản đăng nhập riêng và phải chịu trách nhiệm với tài khoản được cấp. 

Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, chia sẻ: Phần mềm MyVue sẽ kết nối hình ảnh chẩn đoán giữa các cơ sở y tế, bệnh nhân và bác sĩ. Nhờ hệ thống số hóa nên người bệnh có thể đem kết quả này đi đến các bác sĩ, bệnh viện khác để tiếp tục điều trị, thậm chí ra nước ngoài mà không cần phim ảnh. Do đó, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM hy vọng các bệnh viện khác cũng thực hiện công nghệ số này để giúp người bệnh và cả chính ngành y thuận tiện trong điều trị bệnh. 

Theo bác sĩ Dũng, hệ thống MyVue là một trong những hạng mục được Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM hướng đến với mục tiêu bệnh viện không phim, tạo nên kho dữ liệu hình ảnh được mã số hóa phục vụ công tác hội chẩn từ xa, nghiên cứu khoa học, đào tạo và là tiền đề cho việc triển khai bệnh án điện tử của bệnh viện trong thời gian tới. 

Khi sử dụng dịch vụ MyVue, sau khi chụp phim, người bệnh sẽ nhận được tờ giấy chứa “mã số bí mật” gồm tên và mật khẩu cá nhân. Trên tờ giấy có tên người bệnh và dòng chữ xác nhận: “Bạn đã được cấp quyền truy cập vào dữ liệu ca chụp chẩn đoán”.

Để xem thông tin về phim ảnh:

Bước 1: BN vào đường link đã gửi http://cdha.benhvienungbuou.vn.

Bước 2: Đăng nhập vào tài khoản được cung cấp, người bệnh có thể thay đổi mật khẩu để bảo vệ quyền riêng tư.

Bước 3: Xem kết quả chẩn đoán hình ảnh CT, MRI, X-quang, nhũ ảnh. Riêng những lần chụp riêng lẻ, người bệnh cũng có thể dùng điện thoại thông minh quét mã QR trên tờ giấy đã cấp để xem hình ảnh vừa chụp xong.

Lưu ý: Người bệnh tự quản lý bảo quản thông tin tài khoản, mật khẩu. Nếu quên thì liên hệ hotline bệnh viện, cung cấp mã BN và làm theo lời hướng dẫn của người quản trị mạng, thực hiện theo các bước sử dụng như lần đầu. Nếu thay đổi mật khẩu, người bệnh cần có email cá nhân và điền đầy đủ thông tin theo hướng dẫn của hệ thống. 

Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI