Ma Rainey’s Black Bottom: Cái chết của những ảo mộng

07/05/2021 - 07:31

PNO - Ma Rainey’s Black Bottom là một tổ khúc vạch trần hiểm nguy của những ảo mộng, cho thấy trạng thái bên lề của những con người đã bán hồn mình cho loài quỷ dữ - dẫu đó là thứ hiện sinh hay một niềm tin đang dần nguy hại.

Nếu vở kịch Trong khi chờ đợi Godot của Samuel Beckett - nhà văn người Ireland đoạt giải Nobel Văn chương - đến nay vẫn còn ám ảnh người đọc bởi sự vô nghĩa lý trong trạng thái bị động khó lý giải, thì nhà biên kịch August Wilson - thi sĩ của nền sân khấu Mỹ gốc Phi - cũng đã dựng lên một điều tương tự. Nhưng lần này không còn giản tiện với những cành nhánh trơ trụi, mà thay vào đó là nước Mỹ với những biến động lịch sử, dưới sự chỉ đạo của George C. Wolfe trong bộ phim mới nhất gây nhiều tiếng vang: Ma Rainey’s Black Bottom.

Lấy bối cảnh Chicago những năm 1920, khi những giai điệu blues/jazz bắt nguồn từ người gốc Phi bắt đầu hiện diện trên khắp nước Mỹ. Phía miền Nam - nơi tập trung nhiều nô lệ da màu thời kỳ Tiến bộ - Ma Rainey và ban nhạc của mình liên tục trình diễn những bản swing jazz nức tiếng, cùng với sự hào hứng của cộng đồng mình. Trong những nốt phiêu điêu luyện ngập tràn cảm hứng, những vũ điệu có phần khiêu khích của các vũ công da đen trở thành dấu ấn, bài ca Ma Rainey’s Black Bottom trở nên nổi tiếng và được yêu thích một cách không ngờ.

Liên tục trình diễn ở những bang miền Nam thân quen, nay miền Bắc - nơi vẫn có cái nhìn khắc nghiệt với người da màu - cũng manh nha thèm muốn giọng hát của bà, điển hình là khát khao được thu âm của những ông chủ phòng thu da trắng. Ma Rainey lên đường đến Chicago trong cái kiêu ngạo của bệnh ngôi sao, giữa chông chênh của tình trạng yếm thế màu da, mà hơn ai hết, bà hiểu sâu thẳm nơi bản chất của những khinh khi sắc tộc. 

Với những thước phim tài tình, ta có thể thấy Ma Rainey cùng người nghệ sĩ thổi kèn trumpet Levee Green đang ngồi cùng nhau trên chiếc bập bênh của sự giam hãm. Không chỉ là bốn bức tường của phòng tập nhạc, mà còn là những xung đột ngầm. Nếu Ma Rainey vốn luôn hiểu được hiện thực cuộc đời; thì Levee ngạo mạn, tự kiêu và lý tưởng hóa mục đích nghệ thuật. Anh khinh thứ âm nhạc cũ kỹ của Ma Rainey, mong muốn thành lập ban nhạc để thổi những bản bebop tự mình phối khí, anh trưng dụng những khoảng ngắn ngủi để được tỏa sáng, hay tự thỏa mãn bản thân bằng đôi giày mới hay phụ nữ đẹp…

Họ - những ông chủ hãng đĩa giàu có - mua lại phổ nhạc của anh với giá rẻ mạt để rồi thu thanh thành những bản hit do người da trắng hát. Họ gieo niềm tin và bóp nghẹt nó không chút hối tiếc. Levee từ một con chiên của niềm hy vọng, nay bỗng rơi xuống tận đáy vực sâu, anh điên cuồng, giận dữ, nổ tung trong sự chán ghét và thói trở mặt. Anh là kẻ bán linh hồn cho quỷ, một người cô độc muốn được tiền tài, danh vọng, phụ nữ, quyền lực. Một người mong muốn trồi lên cái tôi cá nhân để dìm chết những thứ trung dung, những điều hòa tan thành ra phổ biến; để rồi đến cuối vẫn là thất bại, còn chân giẫm phải bãi mìn của nỗi hoài vọng.

Thế nhưng, điều mà August Wilson mong muốn thể hiện còn nhiều hơn thế. Gạt đi hết những khác biệt màu da, thói phân biệt khắc nghiệt mà ta đã thấy rất nhiều về trước; Ma Rainey’s Black Bottom là một tổ khúc vạch trần hiểm nguy của những ảo mộng, cho thấy trạng thái bên lề của những con người đã bán hồn mình cho loài quỷ dữ - dẫu đó là thứ hiện sinh hay một niềm tin đang dần nguy hại. Wilson đào sâu vào hẻm núi này, để những khát khao trong Levee dâng lên từ từ, chực chờ, nung nấu, vỡ tung.

Như thể một câu mà Ma Rainey đã trần thuật lại: “Hát không phải vì nó làm ta dễ chịu. Hát là cách để hiểu cuộc đời”, blues/jazz hay âm nhạc cũng tương tự thế. Ma Rainey nghi ngờ chính bản thân mình và hầu hết mọi thứ. Bà không thể tin những người da trắng, lại càng không tin chính cô nhân tình hay là ánh mắt của cộng đồng mình nơi sảnh khách sạn xa hoa. Bà hiểu họ muốn bóc lột giọng hát nơi mình, bà đấu tranh để nắm vị trí “bà hoàng” trong ngành kinh doanh của người đã khai sinh nên nhạc blues nước Mỹ. Và bà, một mặt nào đó, cô độc nhưng thành công. 

Với vai diễn cuối cùng trong sự nghiệp, Chadwick Boseman đã hóa thân vào nhân vật chính vô cùng tài tình. Anh linh hoạt, biến hóa như chính biệt danh “báo đen”, khi là cái phóng túng của người chơi jazz, khi thì căm phẫn trước hiện thực cuộc sống, và rốt cuộc là sự sụp đổ của bản thân mình. Một khắc nào đó, có lẽ chính những ảnh hưởng của bệnh ung thư khiến anh phần nào hiểu được ảo mộng của thứ niềm tin mù quáng, dẫn đến trạng thái suy sụp đã được hiện diện thực tế đến nao lòng; kết hợp cùng Viola Davis - một huyền thoại khác trong ngành diễn xuất - đưa bộ phim vượt lên trên một sự kiện thật, tạo những cảm xúc mãnh liệt trong lòng người xem.

Trailer phim Ma Rainey’s Black Bottom: 

 

 

Với hơn sáu đề cử Oscar năm nay cùng những chiến thắng của nam - nữ diễn viên chính xuất sắc nhất ở giải Quả cầu vàng cũng như Critic’s Choice và Hiệp hội diễn viên Mỹ, Ma Rainey’s Black Bottom thật sự để lại dấu ấn với khán giả. Trong số những phim tái hiện cuộc đời của các nhân vật gốc Phi đầy sức mạnh gần đây như Billie Holiday, Aretha Franklin… có thể nói đây là bộ phim chứa đựng nhiều suy tư nhất, về tiếng nói bên trong, sự hiểm nguy hay những chật vật làm người. Đầy kỳ diệu và cũng thật đau đớn. 

Thuận Phát

 
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI