Má 'quậy'

14/01/2020 - 14:44

PNO - Má 70 tuổi rồi, đủ thứ rắc rối xung quanh cuộc sống của khiến đàn con cứ nhảy nhổm.

Dạo này hầu như thằng Út gọi cho chị mỗi ngày, sau tiếng a-lô là giọng mệt mỏi chán nản: “Chị biết hông, bữa nay má quậy bà cố luôn! Trời ơi, tui cũng phải đi làm ăn, má quậy hoài vầy sao chịu nổi”.

Cái “quậy” của má cũng muôn hình vạn trạng lắm. Sáng hôm kia đâu tầm sáu giờ rưỡi, má kêu: “Đau bụng quặn quặn, đau chết đi được”. Thằng Út hỏi đau bên nào, má nói đau cả lục phủ ngũ tạng. Lỡ hẹn đi làm, bỏ không được, đi không yên, Út đành đi. Vợ Út phải xin nghỉ đột xuất để đưa mẹ chồng đi bệnh viện. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trên đường đi viện, vợ Út hỏi má có té không, có đi cầu đều đặn không, có ăn gì lạnh bụng không, má đều trả lời “không”. Vậy mà siêu âm ra, má rối loạn tiêu hóa, bác sĩ chẩn đoán do thức ăn ôi thiu. Bấy giờ má mới thú thiệt: “Tại má tiếc chén cá nục kho cà”.

Con dâu kêu trời, chỉ vì một chữ “tiếc” của má mà con mất cả ngày làm, mất công lo lắng, mất tiền đi bệnh viện… Má buồn thiu: “Tại má tiết kiệm chứ ai mà nghĩ nó đau bụng đâu”. Vợ Út bảo, giận lắm luôn nhưng nghe nói vậy là thương má đứt ruột.

Mới êm êm được hai bữa, thì tới chuyện bà chị dâu hụt của má. Thằng Út lại gọi méc chị: “Bà coi đó, tui đi làm kiếm từng đồng từng cắc, mà bà đó qua ngồi than mấy câu là má móc chỉ vàng hậu thân của má ra đưa. Má nói người quê quý cái tình cái nghĩa. Ngày xưa nếu anh của má không té cây chết thì bà đó là chị dâu của má rồi. Sau đó bả lấy chồng, sinh một thằng con trai nên coi thằng cháu nội như ông trời con, nó hai mươi tuổi đầu còn ăn bám gia đình. Vậy mà nó thiếu nợ là bà nội nó chạy lo, lo hông được thì qua má mình mượn là sao?”.

Chị an ủi Út: “Chuyện lỡ rồi, đừng cằn nhằn nữa má buồn. Hôm nào rảnh Út qua hỏi “chị dâu hụt của má” xem chỉ vàng đó bà mượn đến khi nào thì trả. Đó cũng là cách thông báo cho gia đình họ biết là bà bác có mượn vàng của má mình, sẽ dễ xử hơn là hai bà im im rồi tự tính với nhau sẽ mích lòng con cháu”.

Chị thương má lắm, nhưng có lẽ chị và má “không hợp tuổi”. Má tuổi Dần, chị tuổi Tỵ mà. Hồi trẻ cũng vì chị ngoan nghe lời má nên đã buông bỏ hai mối tình mà “má không đồng ý”. Đó là năm chị hai mươi ba tuổi, yêu anh hàng xóm hơn mình ba tuổi. Má nhất quyết không chịu bởi: “Hùm đi bắt rắn chẳng thấy về. Nó tuổi cọp, bây tuổi rắn, lấy nhau về nó chết, bây sẽ ở góa”. Chị không chịu cái lý lẽ vô căn cứ đó, má nhất quyết: “Nếu bây lấy thằng đó thì ngày cưới bây sẽ là ngày giỗ má”.

Chị buông. Mười năm sau mới yêu được mối tình thứ hai. Anh này không kỵ tuổi nhưng phải tội tướng hơi thấp. Cao chỉ mét sáu, lùn hơn chị ba phân. Má lại nhất quyết không đồng ý vì: “Ông bà xưa đã nói nhất lé nhìn lùn tam hô tứ sún; đừng chơi nhà thằng lé, đừng ghé nhà thằng lùn. Khó chịu lắm, má không đồng ý”.

Ba mươi ba tuổi, là chủ tiệm may, thu nhập ổn định, nên chị quyết lấy người ấy chứ không vì má “quậy” mà buông nữa. Nhưng lần này chị lại thua, vì má… uống thuốc trừ sâu “chết cho nó sáng mắt, cái đồ con cái cãi cha cãi mẹ”. Chị hoảng quá, chia tay người ấy ngay tắp lự.

Rồi chị theo người bạn lên thành phố làm ăn, cũng là để tránh gặp lại những kỷ niệm buồn. Bạn gái của chị có tiệm may âu phục, chị may áo dài nữa là “song kiếm hợp bích”. Ngày Út lấy vợ, chị lo hết, từ tiền nộp tài, tiền xe hoa, mâm quả… còn dúi vào tay má chiếc kiềng hai chỉ cho thêm cô dâu.

Má "quậy" chỉ vì má quá nhớ các con. Ảnh minh họa
Má "quậy" chỉ vì má quá nhớ các con. Ảnh minh họa

Má cười vui vẻ lắm, còn bảo chị: “Cũng mau có ngày vui như thằng Út cho má mừng nghen con gái cưng”. Chị “dạ” khẽ. Vui gì nữa, chị đã bốn hai rồi. Chị tự nhủ, việc của mình giờ vui theo niềm vui của khách, mỗi chiếc áo dài giao đi là một nụ cười mãn nguyện. Còn vui tình duyên ư? Sự ám ảnh của hai lần yêu thương qua, vẫn chưa mờ trong tâm trí chị.

Chiều nay Út lại gọi: “Chắc tui chết quá! Bà không biết đâu, má vừa xỉu á! Sao xỉu hả? Tui cũng đâu có biết, vừa đi làm về thấy nằm ngay đơ, tức tốc đưa đi bệnh viện mới hay bao tử má mơi giờ rỗng không. Tui đi làm, vợ tui đi làm, con tui đi học bán trú. Má ở nhà như lâu nay, ăn uống bình thường, nay mắc gì không chịu ăn cho xỉu”.

Thì ra má bảo… buồn nên không ăn được. Nhà gì đâu có hai đứa con mà cả ngày không thấy đứa nào. Rồi má xây xẩm mặt mày, mồ hôi tươm ra, chân tay lạnh ngắt và… bất tỉnh. Chị bảo: “Út đừng than nữa, gia tài còn một mình má thôi mà. Để chị gọi điện thường xuyên cho má vui, để chị trò chuyện cho má đỡ buồn.

À mà nếu má khỏe thì đi chùa, làm công quả cũng vui lắm, vừa có bạn nữa. Chứ má bảy mươi rồi còn làm việc gì nữa? Cả đời má làm lụng nuôi con rồi”. Út ơ hờ: “Chị chưa chồng con, còn rảnh hơn tui, ráng nói bà già nghe giùm. Tui sắp bó tay rồi, tui đi làm về cũng cần nghỉ ngơi chứ má quậy hết chuyện này tới chuyện kia sao chịu nổi?”.

Chị tắt máy, lòng nghĩ về ngôi chùa cách nhà vài cây số. Chắc phải về một chuyến, mua cho má chiếc xe đạp điện, tập cho má chạy để má đi chùa, gặp gỡ bạn bè, gặp các hoàn cảnh neo đơn hơn… để má đỡ buồn. 

Phạm Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI