Mã Pì Lèng - Panorama: 0-1

15/03/2020 - 07:59

PNO -
Đèo Mã Pì Lèng đã nhận một bàn thua trông thấy từ cuộc “đánh úp” của UBND tỉnh Hà Giang. Sẽ có thêm bao nhiêu Panorama nữa giày xéo lên vùng đất này, và nhiều vùng di sản khác của Việt Nam, từ tiền lệ trên?

Toà nhà 7 tầng xây dựng trái phép trên đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) sẽ được cải tạo thành điểm dừng chân, ngắm cảnh cho khách du lịch. Công trình chỉ tháo dỡ 1 tầng thay vì 6 tầng như phương án đề ra trước đó. Thông tin này được ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch tỉnh Hà Giang xác nhận. Bản thiết kế sẽ được hoàn thành trong tháng 3 và bắt tay thực hiện sau đó.

Quyết định này được đưa ra từ hội thảo diễn ra ngày 12/3, do tỉnh Hà Giang tổ chức để "tham khảo ý kiến từ các nhà khoa học, kiến trúc sư".

Công trình trái phép trên đèo Mã Pì Lèng sẽ được xây dựng thành điểm dừng chân, ngắm cảnh, chỉ tháo dở 1 tầng thay vì 6 tầng như phương án đề ra trước đó
Công trình trái phép trên đèo Mã Pì Lèng sẽ được xây dựng thành điểm dừng chân, ngắm cảnh, chỉ tháo dỡ 1 tầng thay vì 6 tầng như phương án đề ra trước đó.

Một sự kiện được cả nước quan tâm trong mấy tháng qua được giải quyết trong một hội thảo, giữa bối cảnh mọi sự chú ý đều được đổ dồn vào công cuộc phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Phải chăng đây là thời điểm “vàng” để chốt hạ một trận đấu mà tỉnh Hà Giang muốn Panorama nhận phần thắng?

Mã Pì Lèng đã nhận một bàn thua trông thấy từ quyết định trên. Nó chẳng thể lên tiếng cho số phận của mình trong cuộc chiến không cân sức này.

Nhưng, nếu xâu chuỗi là các diễn biến và động thái của chính UBND tỉnh Hà Giang, sẽ thấy đây là bàn thua đã được kết định trước, ngay từ khi Panorama đặt nhát xới đầu tiên xé toạt Mã Pì Lèng.

Tháng 10/2019, Sở Xây dựng Hà Giang có văn bản gửi UBND tỉnh này, đề xuất phá dỡ toàn bộ 6 tầng giật cấp phía trên của nhà hàng Panorama (sau khi dư luận lên án công trình sai phép này), thời hạn phá dỡ hoàn thành trước 15/11, nhưng điều đó đã không diễn ra. Tiếp tục, cuối tháng 11/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu xử lý vụ việc này, nhưng đến cuối tháng 12, Panorama đã mở cửa hoạt động trở lại sau 2 tháng đóng cửa. Đầu tháng 3/2020, Cục Di sản văn hoá (Bộ VH-TT&DL) tiếp tục nhắc nhở tỉnh Hà Giang về việc xử lý công trình sai phạm trên sau một thời gian tỉnh này dường như lờ đi sự việc...

Rất nhiều lần, rất nhiều động thái thúc giục từ cơ quan chức năng, nhà khoa học, người dân cả nước… nhưng Panorama vẫn đứng đó, từ tháng 10/2019 đến nay, với sự chần chừ thấy rõ từ UBND tỉnh Hà Giang.

Công trình Panorama trong những ngày đầu mới xây dựng
Công trình Panorama trong những ngày đầu mới xây dựng

 

Theo thông tin từ Cục Di sản văn hóa, toà nhà này không nằm trong khu vực bảo vệ I hay II của di tích. Nhưng theo Điều 36 Luật Di sản, khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích, nếu xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của di tích thì phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch.                    

Đồng thời, đối chiếu với quy định quản lý của đồ án quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang đến năm 2030 (đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2017), công trình này nằm trong vùng hạn chế hoạt động xây dựng mới, chỉ xây dựng công trình an ninh quốc phòng, phục vụ du lịch, hạ tầng xã hội thiết yếu; chiều cao các công trình từ 1 đến 3 tầng.

Trước đó thì, một công trình đồ sộ mọc lên giữa núi rừng, chính quyền bảo không hay biết, cho đến khi người dân bức xúc lên tiếng. Mà công trình ấy được xây dựng trong 2 năm!

Cần nhắc lại, Bộ VH-TT&DL từng kết luận việc xây dựng công trình Panorama không đảm bảo đúng các nội dung yêu cầu theo luật định hiện hành, không thực hiện mục tiêu bảo vệ và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh Công viên cao nguyên đá Đồng Văn theo Quy hoạch tổng thể bảo tồn đã được Thủ tướng Chính phủ duyệt.

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, công trình Panorama không phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, truyền thống, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trong khu vực, gây cản trở đến tầm nhìn của khách tham quan, ảnh hưởng đến môi trường nhất là khi công trình đi vào hoạt động mà chưa có đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thế nhưng, giữa tháng 3 này, khi tất cả bộ máy chính quyền lẫn người dân cả nước hướng về dịch COVID-19, một cuộc “đánh úp” Mã Pì Lèng đã diễn ra. Tỉnh Hà Giang quyết định Panorama sẽ vẫn án ngữ nơi đó, xé toạt Mã Pì Lèng, xé toạt các luật định, xé toạt quyết tâm bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên mà cả nước đã và đang cố gắng.

Thực tế, ngay cả khi giữ lại một tầng làm điểm ngắm cảnh như phương án xử lý ban đầu của Hà Giang, một trong “tứ đại danh đèo của Việt Nam” vẫn mang trên mình một vết sẹo từ hành vi xem thường pháp luật của con người.

Chủ đầu tư Panorama, trong văn bản ngày 10/3 gửi UBND tỉnh Hà Giang, cho biết ngoài thay đổi vật liệu cũng sẽ dùng các họa tiết, hoa văn phù hợp với văn hóa dân tộc địa phương để trang trí cho Panorama. Nhưng bản sắc của một vùng đất được xây dựng từ văn hoá, con người qua hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm chứ không phải từ một chiếc gai bê tông được phủ lên những nét vẽ nhân tạo kệch cỡm!

Mã Pì Lèng chẳng cần một Panorama nào cả!
Mã Pì Lèng chẳng cần một Panorama nào cả!

Khi được chất vấn, ông Quý cho biết đa số chuyên gia trong hội thảo đồng ý với phương án cải tạo Panorama (thật ra là giữ nguyên công trình này). Nhưng, các chuyên gia đó là ai, vì lý do gì tỉnh Hà Giang không công khai danh tính? Họ đến từ đâu, chiếm bao nhiêu tiếng nói trong hàng trăm tiếng nói phẫn nộ của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã lên tiếng về công trình thô thiển Panorama?

"Sao các người dám?" - câu chất vấn của Greta Thunburg, 16 tuổi, người Thụy Điển tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc gây chấn động toàn cầu, là câu nên dùng lúc này cho những người đang cố hợp thức hóa công trình xé toạt mọi nỗ lực giữ gìn thiên nhiên Mã Pì Lèng kia.

Thành Lâm

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(4)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI