'Ma' phá số điện thoại cấp cứu

18/06/2019 - 06:30

PNO - "Vừa bắt máy lên, đầu dây bên kia cười 1 tràng rồi cúp máy. Tôi quay người định tiếp tục công việc, chuông điện thoại 115 lại reo. Lần này là tiếng trẻ con, rồi tiếng người lớn nói: Tôi ở Bệnh viện Tâm thần".

Gọi đến để hát, cười giỡn

Suốt nhiều năm nay, số điện thoại cấp cứu ngoại viện (115) của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thường phải đối mặt với những “con ma” gọi đến chỉ để chọc phá, báo cấp cứu giả...

“Vừa bắt máy lên, đầu dây bên kia cười 1 tràng rồi cúp máy. Tôi quay người định tiếp tục công việc, chuông điện thoại 115 lại reo. Lần này là tiếng trẻ con cười, rồi tiếng người lớn nói: Tôi ở Bệnh viện Tâm thần… Cứ như vậy, họ gọi liên tục từ 8g-13g trong một ngày đầu tháng 6”, bác sĩ Nguyễn Xuân Hoàng - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai- bức xúc kể.

'Ma' pha so dien thoai cap cuu
Chỉ khoảng 40% số cuộc gọi phản ánh đúng, xe cấp cứu đón được bệnh nhân. Trong ảnh: Xe cấp cứu rời bệnh viện đi đón bệnh nhân

Chị Thị Tuyết Nhung - Điều dưỡng trưởng khoa Cấp cứu- cho biết: Hiện khoa Cấp cứu đảm nhiệm công việc của Trung tâm cấp cứu 115 cho cả tỉnh Đồng Nai. Mỗi lần có điện thoại gọi xe cấp cứu ngoại viện, bệnh viện phải cử nhân viên gồm bác sĩ, điều dưỡng, tài xế đưa xe và thuốc đến nơi để kịp cấp cứu người bệnh. Thế nhưng, nhiều người cố tình phá khi liên tục gọi vào số cấp cứu 115.

Theo quy định, nhân viên y tế luôn phải bắt máy dù nhiều lúc họ đang phải cấp cứu những ca bệnh nặng.

“Rất nhiều lần, chúng tôi chấp nhận không có xe chuyển viện cho bệnh nhân sang các bệnh viện khác điều trị vì ưu tiên đưa xe đi cấp cứu ngoại viện. Thế nhưng xe lại về không vì không có bệnh nhân thật.

Có lần tôi đi làm về lúc 10 giờ đêm. Khi đến gần Bệnh viện 7B, có 1 bệnh nhân cần cấp cứu. Tôi đã khuyên họ đưa bệnh nhân vào cấp cứu ngay tại Bệnh viện 7B cho tiện nhưng mọi người xung quanh nhất quyết phải gọi 115 để bệnh viện điều xe ra đón bệnh nhân. Khoảng một lúc sau, xe cấp cứu đi gần tới thì họ lại đưa bệnh nhân vào Bệnh viện 7B.

Lúc này, tổng đài 115 tiếp tục nhận một cuộc gọi ở phường Hố Nai nhưng khi xe cấp cứu đến thì người dân quanh đó bảo không ghi nhận ca tai nạn nào xảy ra tại đây”, chị Nhung kể.  

Điều dưỡng Nguyễn Thị Hiền Dịu, 11 năm làm việc tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết: “Làm việc tại khoa này rất vất vả, áp lực, thêm các cuộc gọi ảo từ số 115 khiến chúng tôi vô cùng mệt mỏi. Cách đây 3 ngày, họ gọi điện đến số 115 chỉ để hát, chửi bậy… từ sáng đến chiều”.

Ngoài ra, có rất nhiều trường hợp gọi điện để báo bệnh giả. “Họ nói cần cấp cứu gấp và mô tả bệnh rất thật: bệnh nhân khó thở, vật vã, tím tái. Họ để lại số điện thoại và địa chỉ rõ ràng (cổng 11), cách bệnh viện khoảng 5km. Trước khi xe cấp cứu xuất phát, chúng tôi còn gọi điện xác nhận lại. Nhưng khi xe đến nơi thì thuê bao không liên lạc được và không có bệnh nhân”, chị Dịu nói.

Lo sợ bị tai nạn giao thông vì chạy đua cứu ca bệnh giả

Theo bác sĩ Hoàng, khi những người không có nhu cầu cấp cứu thực sự, những cuộc gọi quấy phá sẽ làm cho máy bận thường xuyên. Như vậy, những ca có nhu cầu thực sự lại không thể gọi vì bệnh viện chỉ có 1 máy duy nhất để tiếp nhận cấp cứu ngoại viện.

“Các cuộc quấy phá chỉ vài lần thì không sao. Họ phá quá nhiều, có giai đoạn 1 tuần mà 2-3 ngày liên tục gọi điện phá cũng khiến chúng tôi mệt mỏi”, bác sĩ Hoàng trăn trở.

'Ma' pha so dien thoai cap cuu
Một ca bệnh nặng vừa được xe cấp cứu đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cấp cứu

Tính trung bình 10 cuộc gọi xe cấp cứu, bệnh viện chỉ đón được khoảng 40% do cuộc gọi báo bệnh ảo. “Bệnh viện cử bác sĩ, điều dưỡng đi thì thiếu người chăm sóc cho bệnh nhân đang điều trị, chưa tính đến chuyện tốn tiền xăng xe, thậm chí tai nạn giao thông vì chạy nhanh cứu những ca bệnh giả.

Chúng tôi từng báo công an nhưng vẫn không xử lý được. Việc quậy phá này là trò đùa của người nào đó nhưng lại gây hại cho nhiều người khác. Vì có những bệnh nhân như đột quỵ, xuất huyết não… rất cần vào viện tròn khung giờ vàng để được cứu sống”, bác sĩ Hoàng nói.

Không chỉ những người quậy phá, ngay cả một số trường hợp bệnh rất nhẹ cũng "alo xe cấp cứu 115" vì giá xe quá rẻ so với taxi. “Họ gọi kể bệnh tình rất nặng, cần phải cấp cứu. Nhưng khi xe chở vào viện, họ lại chỉ đi… tái khám. Khi hỏi thì họ nói nhà xa, đi taxi tốn nhiều tiền", chị Nhung than.

Đan Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI