Má ơi, sao má lấy chồng con?

02/05/2017 - 06:30

PNO - Dì Hai đã bỏ nhà đi biệt xứ, đổi luôn tên họ kể từ cái ngày mà chồng sắp cưới của di trở thành... cha dượng.

Đó là câu chuyện thật của ngoại và dì Hai tôi. Ly thân với ông ngoại, bà ngoại tay xách nách mang dẫn theo dì Ba, má tôi và cậu Út lên thành phố kiếm sống. Dì Hai ở lại Cần Thơ với bà cố để phụ buôn bán. Ở chợ, dì đã gặp người đàn ông định mệnh trong cuộc đời mình.

Nhơn - người đàn ông lớn hơn dì Hai 1 con giáp thường ghé hàng rau của bà cố, thấy dì Hai loay hoay chở rau đi giao, ông giúp đỡ vì mấy nơi giao hàng tiện đường về nhà.

Sau vài lần giao rau thay dì Hai, bà cố thường mời ông ở lại ăn cơm chug. Nhiều ngày như vậy, dì đem lòng thương người đàn ông điển trai, nhanh nhạy khỏe khoắn. Bà cố dự định sẽ làm đám cưới cho dì và ông Nhơn. 

Ma oi, sao ma lay chong con?
Dì đã mơ đến ngày làm vợ ông Nhơn

Nhưng rồi bà cố ngã bệnh, mất sau hơn 1 năm nằm liệt giường. Ông Nhơn đã luôn túc trực giúp đỡ, lo lắng cho dì Hai từ việc buôn bán đến việc chăm sóc bà cố. Có đêm, dì Hai cũng ngã bệnh, ông đã ngủ lại nhà để tiện chăm nom dì, nhà còn có ai đâu...

Cũng từ cái đêm đó, dì Hai đã trao cuộc đời con gái của mình cho ông. Cái thời của dì, đêm ân ái đầu tiên khắc cốt ghi tâm đến khi nhắm mắt chớ nào phải chuyện đùa, dì Hai lại thuộc tuýp người "khối tình chết xuống tuyền đài mang theo".

Bà cố mất, dì Hai và ông Nhơn quyết định lên thành phố sống. Ngoại sang một sạp rau cho dì ở khu chợ gần nhà, Ngoại cũng đã xin giúp cho ông Nhơn một chân bảo vệ ở công xưởng đóng bàn ghế, nơi ngoại đang nấu cơm tháng. Ông Nhơn ở luôn trong xưởng.

Từ ngày lên thành phố, mỗi người một việc riêng, tất bật kiếm sống nên dì và người yêu không có nhiều thời gian ở bên nhau. Từ sáng sớm, dì phải ra chợ buôn bán tới chiều tối. Ông Nhơn cũng khó có thể rời chỗ làm quá lâu, ngay khi có thời gian rảnh, ông thường chạy thẳng ra chợ ngồi bán cùng dì.

Ma oi, sao ma lay chong con?
 

Bà ngoại sinh dì Hai năm 19 tuổi, nên ngoại chỉ lớn hơn con rể tương lai vỏn vẹn 7 tuổi. Cũng vì vậy mà ngoại với ông Nhơn cũng không thoải mái khi kêu cô xưng con với nhau. Ngoại chỉ kêu trỏng không: "Nhơn ơi vô ăn cơm", Nhơn ơi, vô nhờ tí", Nhơn ơi Nhơn à...", ông Nhơn cũng không xưng "con" thoải mái, nên cũng chỉ "Dạ, Ừ, để đó tui làm cho; cái này món gì mà ngon quá vậy...".

Trưa nào ngoại nấu cơm cho công nhân trong xưởng cũng chừa cho ông Nhơn phần ngon, dù gì cũng sắp là người một nhà. Chuyện đau lòng cũng từ những tháng ngày ấy mà ra!

Ngoại và ông Nhơn nảy sinh tình cảm với nhau. Ngoại là người phụ nữ đẹp, từng trải và cô đơn. Ông Nhơn thui thủi làm việc hết ngày tới đêm nên cũng nhớ hơi phụ nữ, mà dì Hai thì cũng bận rộn không kém. Vậy là, bản năng đàn ông và sự cô đơn của đàn bà đã tìm gặp nhau trong buổi trưa anh em công nhân đi khuân gỗ, phòng bếp vắng tanh...

Suốt một thời gian dài, ông Nhơn muốn nói thật với dì Hai nhưng không dám mở lời, nhìn dì vất vả từ ngày còn ở quê đến ngày lên đây sống, ông không nỡ. Bà ngoại tôi lại càng "tím ruột bầm gan" vì không thể cưỡng nổi tình yêu với ông Nhơn - người yêu của con gái. Câu chuyện tay ba trái ngang cứ lặng lẽ diễn ra suốt mấy tháng ròng, kẻ đau khổ, người vô tư...

Ma oi, sao ma lay chong con?
Đau đớn khi chồng sắp cưới thay lòng vì yêu mẹ ruột của mình

Cho tới một buổi trưa, có người bạn tới chơi, mang theo mấy hộp bánh ướt ngon quá chừng, dì Hai nhờ bạn trông hàng, chạy ù lên xưởng cho má và người yêu ăn chung. Không thấy ông Nhơn ở cổng, người ta chỉ dì Hai đi vào bếp tìm ngoại. Hai hộp bánh ướt trên tay rớt xuống nền đất đen sạm khi cánh cửa phòng nghỉ của ngoại khép hờ. Người đàn ông của dì cũng ở trong đó, không một manh vải che thân.

Dì Hai ngất xỉu lúc nào không biết. Chỉ biết khi tỉnh lại, ông Nhơn đã bỏ về quê, bà ngoại ngồi cạnh dì, mắt sưng húp. Ngoại không nói lời nào, dì Hai không nói lời nào sau khi nức nở trong cơn mê: "Má ơi, sao má lấy chồng con...". Họ không biết phải nói gì với nhau. Một tuần sau, dì Hai xách quần áo ra khỏi nhà. Cậu Út là người chở dì ra ga xe lửa, nhưng cũng không thể hỏi được nơi dì sẽ đến.

Từ đó, ngoại không còn làm ở xưởng mà đứng bán bánh mì ở đầu hẻm gần nhà. Ngoại lầm lũi ít nói hơn, đêm nào cũng khóc, cũng kêu tên dì Hai. 5 năm sau, ngoại mất mà vẫn không gặp được đứa con gái đầu lòng mà mình đã đẩy nó vào con đường biệt xứ.

Ông Nhơn có đến dự đám tang của ngoại, ông vẫn khỏe mạnh lực lưỡng như xưa, nhưng đôi mắt đã hỏng hết một con. Ông thề không lập gia đình, không làm khổ thêm người phụ nữ nào nữa.

Cậu Út kể, hình như có người quen đã nhìn thấy dì Hai ở Nha Trang, nhưng không chắc vì thời gian trôi qua lâu quá, dì thay đổi chắc cũng nhiều...

Ngọc Hảo

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI