Gió về bên phố. Gió Chạp hiu hiu. Gió rắc những cơn nhớ se sắt lên lòng má. Bận chiều hôm má hay ra ngoài hiên ngồi hóng mát. Má thở dài thườn thượt, bấm đốt ngón tay. Hôm qua là đưa ông Táo về trời, vậy nay Hai bốn hen, tầm tuần nữa tết. Trời nhanh dữ thần. Đầu năm thì dịch, kéo lê thê đến giữa năm thì bão lũ, chừng vừa mới yên ổn là tết.
Út Hòa đang ngắt mấy cái lá sâu trên giàn khiết bông phía cổng nhà, quay qua nhìn mái đầu phai màu sương mai của má, nhủ thầm hổng lẽ nói với má, coi bộ lại là một cái tết chỉ quẩn quanh hai má con. Bữa Gia An điện thoại cho út Hòa nói chắc tết hổng về. Bên nhà vợ nghe đâu có tiệc thượng thọ của cụ ngoại. Nên ra Giêng hôm nào rảnh mới đùm túm vợ con về chơi hai ba ngày với má. Chứ mầy tưởng anh mầy hổng nhớ má à? Từ Bắc vô Nam cả gia đình tốn hai chục triệu đồng chứ chẳng chơi. Tiếc đứt ruột. Anh chuyển cho mầy năm triệu đồng, mầy lo tết với má.
Chiều nhuộm một màu đỏ như ai nhóm bếp lửa cuối ngày. Má nhìn chiều, má nhìn giàn khiết bông bắt đầu lên những búp hoa phơn phớt. Sài Gòn thấy vậy chứ vài ngày nữa sẽ vắng lặng. Cái dãy nhà trọ phía sau, chừng một hai bữa nữa cũng im phăng phắc. Lưu dân tứ xứ nô nức tính chuyện về quê ăn tết. Bữa hai vợ chồng phòng số 5 hỏi má, rằng mấy thằng con trai tết này có về không. Má cười hà hà, thôi thôi, mấy ngày tết tụi nó còn gia đình bên vợ nữa mà. Xa xôi lắm, tốn kém quá chừng. Cứ để thong thả về thăm cũng được. Cứ gì tết thì về. Má tân thời lắm.
Má nói vậy, chứ năm nào hễ nhìn giàn khiết bông lên búp, là má lại bấm đốt ngón tay, nhẩm tính từng ngày.
2.
Hai lăm tết, Sài Gòn nhộn nhịp xanh đỏ đèn màu. Đám sinh viên trọ phòng số 3, mới chập tối đã tay xách nách mang ra nhà ngoài lấp ló kiếm má. Tư ơi Tư, nay tụi con về quê nhen, qua rằm mới vô lại. Có mấy thứ quà quê biếu bà Tư ăn tết cho hết buồn nhen. Nè bánh in xứ Quảng, nè kẹo cu đơ Hà Tĩnh… Đám miền Trung, quê nhà vừa qua cơn lũ ác nghiệt, trong mớ hành trang về tết chỉ vỏn vẹn vài ba bộ đồ. Má nhìn tụi nó thon thót dạ, rồi sao kỳ này hổng mua gì đem về nhà hết vậy bây. Tết nhất mà, tụi bây đi xa về, cầm cái này, cái kia cho ba má tụi bây vui. Dầu là ổng bả la tốn kém, ổng bả nói hổng cần nhưng thiệt ra trong dạ mừng lắm nghen. Nghe lời Tư, mua hộp bánh hay cái gì đó nho nhỏ cũng được.
Mấy đứa miền Trung đứng nhìn nhau ngơ ngác. Cắc ca cắc củm mới dành đủ tiền xe đi về. Làm thêm thì được bao nhiêu đâu, kiểu làm công nhật ngày có mấy tiếng, có việc thì quản lý kêu vô làm, không có thì đi phát tờ rơi hay chạy tiệc cưới. Làm giờ nào tính giờ đó, làm gì có thưởng tết. Mùa lụt, đâu có đứa nào nhận tiền từ gia đình, đành đỡ đần nhau mà trọ tại nơi thị thành xa hoa này. Mấy đứa miền Trung sinh ra ở dải đất khô cằn, khúc ruột gánh hai đầu đất nước, mỗi năm dăm ba trận bão, năm bảy trận lũ. Quen rồi cái cơ cực từ nhỏ nên cứ bươn chải mà sống ở cái đất Sài Gòn.
Mấy đứa nhỏ líu ríu, lí nhí gì đó má nghe không rõ. Thôi thôi, về tay không là hổng được, một đứa hai trăm, cái này là Tư cho tụi bây, về mua hộp bánh hộp mứt cho ba má tụi bây, nói Tư biếu ăn tết lấy thảo nghen. Nhận đi, gì mà đẩy qua đẩy lại, tao già rồi, như ông bà tụi bây, hổng lẽ tụi bây không nghe lời. Cầm lấy, khóc gì mà khóc, cám ơn chi. Tụi bây hổng lấy Tư buồn à nghen!
Mấy đứa nhỏ miền Trung đi khuất dần. Má lại ngồi xuống hiên nhà. Rồi Gia Lộc của má năm nay có về không? Nó lấy vợ miền Trung, ra ngoài đó lập nghiệp luôn, nghe nói mở công ty. Bữa lũ tràn, má điện thoại cho Gia Lộc, chỉ nghe thằng con nói yên tâm, nó hổng sao, má sống khỏe nhen. Tết cận kề mà hổng nghe tăm hơi. Gió lùa ngoài hiên. Nay giàn khiết bông bắt đầu hé nụ đo đỏ quanh lá biếc. Tết len vào cái xóm nhỏ ven bờ kênh Xáng. Xóm lao động, nên chuyện tết cũng tản mác khắp Bắc Trung Nam.
3.
Ở xóm Kênh Xáng, người ta quen gọi má là bà Tư Buồn. Má cho thuê phòng trọ thì đừng ai trả giá. Tư cho thuê rẻ nhất xóm này, nói thiệt tình, toàn dân tứ xứ đổ về đây kiếm chén cơm. Tư già rồi ăn nhiêu, xài gì đâu, con cái lớn hết trơn, tụi nó công việc yên ổn cũng có chi mà cần lo lắng. Nên bây cứ đi hỏi hết, coi nơi nào rẻ nhất xóm, người ta cũng chỉ qua phòng bà Tư này thôi. Thiệt tình năm chục một trăm trả giá làm mất cái tình người quá. Tư đâu có giàu bằng nhiêu đó. Bây làm vậy Tư buồn.
Chuyện về má còn dài. Như sáng sáng, má thấy mấy đứa nhỏ con cặp vợ chồng chạy đồ sida chợ cầu Kênh lẩn quẩn trong nhà, con chị giữ con em, mặt mũi tèm lem, tới bữa thì ăn đỡ khúc bánh mì chờ người lớn về mới có cơm, má múc hai tô cơm, ngồi đút cho hai chị em. Rồi má lôi xà bông, dầu gội đầu qua tắm rửa cho hai đứa nhỏ. Nè bà dặn, cái cục này là tắm trên người, còn cái chai này là gội lên tóc. Nhớ nhắm mắt lại, không là cay mắt đó. Trưa nào đói thì lên nhà trên, kêu bà, nhà lúc nào cũng có cơm. Đồ ăn bà nấu ngon nhất xóm nghen bây.
Má làm vậy chừng hai ba bữa thì một tối anh chồng chạy lên nhà nhét vô tay má tờ năm trăm. Tư nhận cho vợ chồng con đỡ ngại. Mấy nay về nhà tụi nhỏ cứ nói ăn cơm của Tư, rồi hỏi ai mua cho mấy cái đồ chơi bánh kẹo, tụi nó nói của Tư hết. Thiệt tình tụi con… Má nhìn thằng con trai đen nhẻm, chắc trạc tuổi Gia Lộc của má, ngoài chừng ba mươi, giơ tay phẩy cái rột. Trời thần, bây giàu quá chừng hen. Lo mà làm ăn đi, tụi nhỏ cũng như con cháu trong nhà Tư, có gì đâu, chơi với tụi nó vui quá chừng. Già như Tư ai thèm chơi chung nữa. Có mấy đứa nhỏ cũng qua ngày qua tháng. Cơm nước gì đâu mà tốn kém, mấy đứa con nít ăn bao nhiêu mà lo. Bây còn đưa tiền nữa Tư buồn cho coi. Anh chồng lủi thủi quay về cái phòng số 6.
Hay như chuyện mấy bà chủ nhà trọ cùng xóm ưa xéo xắt má chuyện cho thuê nhà trọ với giá rẻ cùng rẻ mạt. Cho thuê kiểu vậy thì đem cho người ta ở không đi. Thiên hạ lấy triệu rưỡi, hai triệu một phòng. Má cho thuê có một triệu. Người ta nghèo mà con. Dân tứ xứ đổ về Sài Gòn kiếm chén cơm, cùng cực mới tha hương bôn ba xứ này. Mình lấy mắc quá, mình bưng chén cơm, người ta cầm chén cháo, mình nhìn vậy, nuốt nổi không con?
Mình sống đâu thể bịt hết miệng lưỡi thiên hạ. Thì thây kệ tất cả, miễn lòng mình nhẹ nhàng, an vui, vậy là đáng sống. Ở đời, nhiều cái nặng nề trĩu trịt, bởi vậy, mình phải sống sao cho đêm về nằm ngủ thảnh thơi.
Má thủ thỉ với út Hòa như vậy khi con nhỏ kể rằng hồi sáng nó đi chợ gặp mấy bà chung xóm, cứ bị mấy bà nhìn ngang liếc dọc. Mà thôi, nói tới nói lui cũng giống như mình đem lửa ngoài đường về nhà, biết đâu lại khiến má thêm bận lòng.
Hai bảy tết, đám khiết bông hé nở chúm chím, màu đỏ bắt đầu rực lên.
4.
Tối Hai tám, má lừng khừng ngoài cổng nhà, tiễn vợ chồng phòng số 6 về tuốt Nghệ An ăn tết. Đi mạnh giỏi nghen bây. Năm nay lương thưởng ít, bị dịch mà, chỗ nào cũng làm ăn bết bát hết. Mấy bộ đồ hồi sớm Tư mua cho hai đứa nhỏ có gói đem về chưa? Tết phải có đồ mới cho con nít nó mừng. Nè nè hai đứa, chúc tết bà Tư coi, bà Tư mở hàng lì xì cho. Tư mở hàng là đắt lắm nha! Năm nay ba má bây sắm cái túi bự đựng lì xì nghen. Má cười tươi rói rồi đứng miết ngoài cổng cho đến khi bóng gia đình phòng số 6 khuất dần trong ánh đèn vàng hiu hắt.
Tiền của Gia An chuyển cho, út Hoài rút hết đưa má, má đổi một ít thành mớ tiền lẻ, nhét chục phong bao đỏ, hễ mấy đứa nhỏ ở trọ tới chào má để về quê thì má nhét cho một hai bao. Tư lì xì, về mạnh giỏi, về với ba má đi bây, cả năm đăng đẳng bôn ba xa quê rồi. Đám khách trọ cứ vậy mà bịn rịn hẹn hò hôm quay lại Sài Gòn làm cái tiệc tân niên, rằng tết xa Tư có mấy ngày mà tụi con buồn ghê nơi. Mồ tổ cha mầy nhen, dân miền Tây nói chuyện ngọt xớt à. Má đập vào lưng mấy con nhỏ công nhân may phòng số 2. Bây về chạy xe máy cẩn thận nhen. Tết nhất đường sá đông đúc, nhớ đi gần gần nhau, có gì thì chị em giúp nhau.
Mấy ngày nay, cứ phòng nào về, má cũng ra đứng tần ngần một đỗi. Khi bóng người khuất dần, má lại thở dài, ngó qua ngó lại, ngóng tới ngóng lui. Rồi má lủi thủi quay vào nhà. Má chờ gì? Má mong chi? Hổng cần hỏi má, út Hòa cũng biết. Dù má cứ luôn miệng kêu Gia Lộc thôi đừng về, lo cho cái nông trại sạch của tụi bây phục hồi sau cơn lũ đi. Má ở đây chòm xóm vui hết biết. Má đăng ký đi mười kiểng chùa rồi. Má nói với Gia An, đời người ta có mấy ai thượng thọ đâu nè, hai vợ chồng nhớ gởi lời chúc mừng của má đến ông bà và anh chị sui nghen. Nói má đường sá xa xôi, hổng có đi ra ngoải được, mong anh chị sui đừng trách. Bây nhớ mua thêm giỏ trái cây nói má gởi lấy thảo, mừng thượng thọ cụ.
Má nói vậy, má cười rổn rảng trong điện thoại, chứ buông cái điện thoại xuống, má lại lôi cái túi đựng phong bao lì xì đỏ ra nhẩm tính. Hai cái này là của con thằng An nè, để riêng ra, chắc hè nó mới về. Hai cái này là của con thằng Lộc nè. Bữa thằng Lộc nói má, công việc đăng đăng đê đê, chắc chừng giỗ ba tụi nó mới về. Còn mấy cái này, ờ để mùng Một má lì xì mấy đứa con nít trong xóm. Má nói xong rồi thì bắt cải lương nghe. Má nghe Lệ Thủy hát bài Đêm xuân nấu bánh. Má hát theo, giọng khàn đục, ủ rũ.
5.
Vậy mà chiều Ba mươi, má đang ngồi ngoài hiên đốt mấy đám cây khô, mấy đống lá rụng trước sân nhà, thì nghe tiếng đập cửa đùng đùng. Trời thần, thằng An, về chi con, tốn kém tiền bạc. Ủa, về lấy tiền lì xì của má chớ chi! Tới mùng Sáu vợ chồng con mời má ra Bắc một chuyến. Bố mẹ vợ con bảo, phải thỉnh bằng được má ra ngoài đó dự lễ thượng thọ của cụ, rồi ở chơi với bố mẹ vợ con chừng chán thì về. Mùng Một, mẹ vợ con điện thoại chúc tết má sẽ mời luôn. Cái này con nói trước. Ủa rồi tính hổng cho con trai về nhà ăn tết hay sao bây? Má cười móm mém, mồ tổ cha bây. Hên là má có mua ít đồ dự phòng, chứ tin lời bây hổng về là cháu nội tao hổng có gì ăn tết nhen.
Mâm cơm chiều đang túm tụm bàn tán chuyện năm nay bà Tư buồn hụt, tưởng ăn tết chèo queo, ai dè lại được một phen rộn ràng. Này nha, bả cất tiền lì xì kỹ lắm đó. Bả giấu trong cái túi nhỏ, lấy kim tây cài trong cái đáp quần. Đêm nào bả cũng đem ra đếm. Đếm qua đếm lại, toàn của mấy đứa cháu, mấy đứa con bả thì không có bao nào. Bà Tư năm nay chơi kỳ quá! Út Hòa rổn rảng bên mâm cơm. Gia An được thể, nhao nhao theo.
Lại có tiếng đập cửa, thôi thôi, kiểu này là thằng Lộc đó bây ơi. Đập dồn dập, vừa đập vừa la làng: “Má ơi, lì xì…”. Đích thị là nó chứ chẳng ai đâu. Bao nhiêu năm trời vẫn cái nết phá phách này mà. Má luống cuống đi vội ra cổng. Đâu chừng mấy phút sau đã nghe giọng anh Ba ồn ào tận nhà bếp. Trời ơi, mấy đứa nhỏ nghe không được về Sài Gòn ăn tết thì khóc rống hai ba bữa nay. Nó nói chỉ mình bà nội nó làm món thịt kho trứng ngon nhất, mỗi nội nó là tết hổng có đánh hổng có la tụi nó. Nó khóc kêu hổng về sao lấy lì xì của nội. Đó, giờ bỏ cả cái nông trại về ăn tết với má, vậy mà má mở cửa xong hổng ôm tui miếng nào, bả lo ôm thằng cháu bả không hà. Mà nè bà Tư, nghe đâu loáng thoáng bà tính hổng lì xì con mình hả? Đâu được, đúng giao thừa, bầy con bà sẽ xếp một hàng dọc nhen. Hổng lì xì là tụi tui ở lì đây, hổng đi đâu hết.
Gia Lộc vô tới bếp gặp ngay thằng anh Gia An thì được thể ghẹo má náo nhiệt cả buổi cơm chiều. Ngôi nhà bất giác bừng ấm những tiếng cười. Đám con đập bàn rần rần, rồi cứ thế mà cụng ly rốp rẻng, vừa cụng vừa hô to “má ơi, lì xì…”. Mấy đứa con nít biết gì, nghe hai chữ lì xì lại nhảy chân sáo rộn ràng. Tiếng hô cứ vậy mà âm vang theo tiếng mùa trở mình gọi xuân. Mới chiều Ba mươi tết mà nhà má như đã vào xuân tưng bừng.
Bộ phim tài liệu Page One: Inside the New York Times phản ánh câu chuyện của báo chí đương đại với những thách thức trong kỷ nguyên mạng xã hội lên ngôi.