Má ơi đừng đánh con đau

24/04/2014 - 14:56

PNO - PN - Oanh - cô em bạn dì thường gọi mẹ tôi bằng “má Hai”. Oanh hỏi “má Hai”, có nên ly hôn không. Oanh bảo “má Hai” là người biết chuyện đầu tiên, vì nếu cho dì tôi biết thì Oanh sẽ bị dì mắng chửi thậm tệ mà chẳng chia...

edf40wrjww2tblPage:Content

Thuở nhỏ, hè nào Oanh cũng xuống nhà tôi chơi đến hết hè. Tưởng Oanh thích xuống với chị em tôi cho vui, nhưng qua lời Oanh, tôi thấy em thật đáng thương. Mẹ Oanh luôn mắng chửi Oanh bằng những lời lẽ khó nghe bất cứ lúc nào có thể, từ việc Oanh vô tình làm vỡ cái chén trong lúc rửa, giặt cái áo chưa thật sạch hoặc gọt trái cây không khéo để đứt tay. Oanh hiểu mẹ không ác ý gì nhưng lời mẹ mắng cứ hằn sâu trong tâm trí khiến Oanh luôn mặc cảm mình là đứa đuểnh đoảng, vô tích sự. Những câu nói kiểu như “con gái con đứa gì quét cái nhà cũng không sạch lớn lên làm gì ăn?” , hay “luộm thuộm như mày sau này ma nào thèm lấy”... khiến Oanh luôn tự ti, chưa làm gì đến nơi đến chốn đã sợ hỏng, sợ thất bại. Dần dần, Oanh thấy sợ mẹ mình, càng không dám tâm sự với mẹ những chuyện thầm kín. Lần nghe Oanh luống cuống hỏi mẹ tôi cách xử trí khi lần đầu tiên có “đèn đỏ”, mẹ tôi xúc động muốn khóc. Tôi vẫn chưa quên dạo Oanh xuống nhà tôi khóc nức nở sau khi bị mẹ đánh một trận nhớ đời vì tội đi chơi với bạn về trễ kèm câu mắng độc địa: “Đồ hư thân mất nết, mới nứt mắt đã vậy sau này dám... bỏ nhà theo trai quá!”.

Ma oi dung danh con dau

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thương Oanh bao nhiêu, tôi thấy mẹ Oanh càng đáng trách bấy nhiêu. Chợt nhớ câu ca dao “má ơi đừng đánh con đau, để con bắt ốc hái rau má nhờ”, mới thấy không chỉ đòn roi mới khiến đứa trẻ nhớ lâu mà những hành vi, câu nói mang tính sỉ nhục, miệt thị cũng chẳng khác gì lưỡi dao bén ngót cứa sâu vào tâm hồn trẻ, nhất là những đứa trẻ đang trong độ tuổi phát triển tâm sinh lý vốn nhạy cảm, sĩ diện, tự trọng và cũng tự ái ngút trời.

Nhiều lần, mẹ tôi góp ý với mẹ Oanh, dì cười hề hề bảo tại "con nhỏ quan trọng hóa vấn đề" chứ tính dì ào ào quen rồi, la mắng xối xả rồi thôi chứ có gì đâu. Dì đâu biết những lời chê bai, miệt thị dành cho Oanh từ nhỏ đã tạo nên những vết sẹo khó lành trong tâm trí con mình, tạo nên hố sâu tình cảm không đáng có giữa hai mẹ con. Từ đó, mỗi khi cần ý kiến người lớn, Oanh đều hỏi mẹ tôi, từ việc đổi chỗ làm đến chọn người yêu, rồi sau này là cách chăm sóc chồng con. Riêng tôi thấy mình may mắn khi có được người mẹ tuyệt vời, tâm lý và hiểu biết nên chị em tôi chưa bao giờ mang tâm trạng giống Oanh.

Pháp luật có những hình phạt tùy mức độ cho các hành vi xâm hại hoặc xúc phạm người khác (dù dưới bất kỳ hình thức nào). Trong phạm vi gia đình, có vẻ như pháp luật vẫn còn bỏ ngỏ khi có những bậc cha mẹ vẫn vô tư mắng nhiếc, thậm chí sỉ nhục hay đánh đập con cái. Bạn tôi (ở Mỹ) từng bị cảnh sát bắt vì lý do khá hy hữu. Đứa bé con bạn nghịch phá nên bị bạn rầy, thấy bố lớn tiếng la mắng còn em mình la khóc, cô chị lén gọi điện báo cảnh sát 911. Thế mới biết, ở nước ngoài, trẻ em được pháp luật tôn trọng và bảo vệ đến thế nào.

Thực tế, có không ít đứa trẻ lớn lên với tính cách phát triển lệch lạc và tâm hồn đầy vết sẹo như cô em họ tội nghiệp của tôi. Điều đáng nói, nguyên nhân chính là do những người thân yêu nhất của họ.

 VIVIAN L.

Bài tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ: khitrebisinhuc@baophunu.org.vn

LTS: Sau khi Báo Phụ Nữ đăng bài Kẻ trộm sách (ngày 16/4), nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến bày tỏ nỗi bức xúc trước sự vô cảm của người lớn khi sẵn sàng buộc tội trẻ, bất chấp việc làm ấy gây nên tổn thương tinh thần, dư chấn về tâm lý, ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Với mong muốn góp thêm tiếng nói vào việc xây đắp tình yêu thương, tôn trọng trẻ, để các em được lớn lên trong sự nâng đỡ, Báo Phụ Nữ tổ chức diễn đàn Khi trẻ bị sỉ nhục.

Mời bạn đọc tham gia ý kiến trao đổi gửi về địa chỉ: khitrebisinhuc@baophunu.org.vn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI