Tôi từng nghĩ đến “rời xa thế giới”
Thời của chúng tôi (thế hệ 7X), chẳng ai có kiến thức gì về cộng đồng LGBT. LGBT là một thứ gì đó lạ lẫm, xấu xa không thể chấp nhận được đối với cộng đồng và xã hội ngày ấy.
Tôi luôn phải đối mặt với bao sự dè bỉu, khinh khi, những ánh nhìn khắt khe, khó chịu chỉ vì mình quá khác biệt so với mọi người. Những điều đó đã làm tổn thương sâu sắc đến tâm hồn non dại của tôi... để rồi in hằn trong suy nghĩ ngây ngô của một đứa trẻ, trong bơ vơ của những thắc mắc chẳng biết hỏi ai, tâm sự cùng ai (mà giờ đây tôi đọc sách báo, tự nhận ra mình là người chuyển giới nữ).
|
Tác giả - nghệ sĩ Duy Hòa bên người mẹ thân thương năm 1994 |
Nhằm che giấu tâm hồn yếu đuối của đứa con gái tồn tại bên trong thể xác một thằng con trai, tôi từng có những hành động sai lầm, ngược đãi chính mình. Tôi tự nghĩ ra nhiều phương án đối phó "an toàn" để đánh lạc hướng, để người ta khỏi phải thắc mắc, tò mò, tìm hiểu... “tại sao con trai mà cứ “mít ướt”, điệu đà quá mức” (đó là cốt cách tự nhiên của những người chuyển giới nữ như tôi). Và cuối cùng, phương án “lý tưởng” mà tôi chọn là tự tạo cho mình một vẻ ngoài bệnh hoạn, yếu ớt.
Ngay trong gia đình, tôi cũng từng phải đối diện với sự khó chịu, không thể nào làm tình hình thay đổi được. Tôi có hai anh trai mà họ thì chẳng hiểu biết gì về xu hướng tính dục của tôi cũng như của cộng đồng LGBT (và thực ra khó thể đòi hỏi điều ấy ở cái thời còn quá ít thông tin).
Trong khi tôi luôn trông chờ sự ngọt ngào, yêu chiều từ lời nói, hành động của các anh dành cho một cô-út-bé-nhỏ-dễ-thương thì ngược lại tôi chỉ toàn nhận lại những lời cộc cằn, thô lỗ của cánh đàn ông thường nói với nhau. Những điều đó đã làm tôi chán nản, thất vọng vô cùng đến nỗi có nhiều lần tôi nghĩ đến điều tiêu cực là... rời xa thế giới này.
Nhưng rồi sau tất cả, thật may mắn vì đời tôi còn có má! Má là vị cứu tinh duy nhất cho tâm hồn tôi, cuộc đời tôi.
Trong những lúc đau khổ nhất, tuyệt vọng nhất thì má luôn là nguồn an ủi lớn lao cho tôi vượt qua tất cả. Từ lâu, tôi vẫn thầm cảm ơn trời Phật vì đã cho tôi được làm con của má, một phụ nữ mà đối với tôi là "trên cả tuyệt vời".
Má chưa bao giờ làm cho tôi phải khó xử về bất cứ điều gì liên quan đến bản dạng giới, xu hướng tính dục của mình.
|
Nghệ sĩ Duy Hòa (giữa) trong giây phút hiếm hoi được hóa thân vào vai nữ (cô Lựu) với trích đoạn Đời cô Lựu tại Câu lạc bộ Tài tử - Cải lương Cung VHLĐ TPHCM (cùng nghệ sĩ Yến Linh – Minh Thuận) |
Cứ thế, má vẫn chỉ âm thầm đồng hành với tôi chứ chưa từng gặng hỏi, dò xét. Một người phụ nữ quê mùa, ít học, ở những tháng năm mà mọi người còn lạc hậu trong cách nhìn về cộng đồng LGBT, sao má lại tâm lý và có được sự văn minh, tiến bộ trong suy nghĩ đến vậy?
Trải qua mấy chục năm từ ngày nhận diện ra mình và được má hiểu, chấp nhận, đến tận bây giờ tôi vẫn chưa có câu trả lời thực sự thuyết phục cho câu hỏi ấy. Ngay cả ở thời đại 4.0 này vẫn còn có những gia đình cổ hủ, những bà mẹ cố chấp, chối bỏ sự thật là trong gia đình mình có những đứa con thiểu số tính dục.
Các con vui là má hạnh phúc!
Chưa bao giờ má nhắc nhở tôi phải thế này, thế nọ, áp lên tôi khuôn mẫu nào. Cứ thế tôi tự do sống đúng với chính mình. Điều tôi không thể nào quên được là má mua búp bê về cho tôi chơi. Tôi đã hạnh phúc và cảm thấy vô cùng may mắn. Việc chơi búp bê là sở thích thường tình của các bé gái và được cho là chỉ riêng ở bé gái. Hẳn có điều gì đó trái khoáy, vô duyên, kỳ cục, thậm chí là khó chấp nhận trước hình ảnh một cậu trai vuốt ve với búp bê?
Họ đâu hiểu ẩn bên trong cậu trai ấy là một cô bé đằm thắm, mộng mơ. Chỉ có má chấp nhận bé gái lấp ló bên trong ấy - là tôi - một cách tự nhiên, vui vẻ, không gượng ép. Có năm, má còn mua đồ tết cho tôi là một bộ bà ba. Cảm động, tôi ôm bộ bà ba nhảy cẫng, reo mừng và rồi nước mắt đã trào ra…
|
Nghệ sĩ Duy Hòa (phải) cùng NSƯT Lê Tứ |
Mặc dù tôi chưa bao giờ phải xin, đòi hay bày tỏ nguyện vọng nhưng má dường như đọc được tất cả những suy nghĩ trong tôi. Khi thấy tôi vui vẻ, hạnh phúc với những món quà đó, má cũng mỉm cười hạnh phúc theo.
Chị kế của tôi cũng thuộc cộng đồng LGBT nhưng may mắn là cả đời chị dường như chẳng phải che giấu gì. Má kể, ngay từ ba - bốn tuổi, khi được mặc cho những chiếc áo đầm thì chị ấy liền bứt, xé cho đến rách mới thôi. Khi lớn lên, dù là ở nhà hay đến trường, chị ấy đều mặc đồ con trai. Dường như những người chuyển giới nam như chị thì đỡ bị xã hội dòm ngó, soi mói hơn những người chuyển giới nữ như tôi.
Trong khi tôi chơi nhảy dây, đánh banh đũa thì chị ấy chơi đá banh, đánh trỏng, thảy rìa. Chúng tôi được làm những điều mình thích một cách thoải mái mà chẳng chút áp lực vì má luôn ủng hộ. Và cũng nhờ đó, tinh thần tôi được cải thiện, thay đổi, ngày một thăng bằng, nhẹ nhàng. Tôi bớt dần và không còn những suy nghĩ tiêu cực.
Có lần, tôi giả làm con gái đi hát về đến nhà, mấy đứa con nít thấy lạ nên dòm ngó, trêu chọc. Má liền ra bênh vực và quát tụi nhỏ: "Mấy đứa bây không thấy nó giả gái đẹp vậy sao? Ở đó mà cười cái gì chứ?". Con người ta giả gái thì bị rầy la, thậm chí còn bị đánh đập, phải lén lút; tôi thì công khai còn được má khen và bênh vực. Hạnh phúc nào bằng!
Ban đầu tôi nghĩ sở dĩ má thoải mái chuyện tôi là con gái bởi má không bị áp lực gì về nối dõi tông đường, bởi má có đến năm người con trai. Nhưng tôi ngày càng hiểu má đón nhận tôi chỉ vì má yêu thương vô điều kiện. Dù có là con trai duy nhất đi nữa, tôi tin má vẫn sẽ tôn trọng và sẵn sàng cho tôi được là chính mình. Con vui cũng là một phần của hạnh phúc đời má, phải không má?
Tôi tin chắc rằng trên thế giới này thật hiếm có một người mẹ tâm lý, văn minh và đi trước thời đại như má tôi.
Ngược về ký ức những ngày còn có má kề bên, tôi thương và nhớ má thật nhiều. Nếu có kiếp sau, tôi nguyện vẫn được làm con của má!
Ngày... tháng... năm... Ao ước được một lần mặc chiếc áo dài trắng nữ sinh thướt tha trong gió mà lúc nào mình cũng phải đóng thùng như một đứa con trai. Mình phải tuân thủ theo những nội quy của nhà trường, phải làm những việc mà mình cảm thấy thật bức bối, khó chịu. Có bao nhiêu bạn khác vẫn đang ức chế như mình muốn bứt phá ra khỏi cơ thể, vượt lên những cái khuôn mà đời đúc sẵn? Ngày... tháng... năm... Vào giờ học thể dục, mình ao ước được như những bạn nữ, được học nhảy dây. Sao mình lại phải học đá banh, chơi bóng chuyền, bóng rổ? Một đứa dịu dàng, yểu điệu thục nữ như mình có thích đâu trời? Rồi đến giờ học nghề, mình thèm xuống phòng học may với tụi con gái thì lại phải quẹo qua phòng học điện với tụi con trai. Bất công quá! Môn học đó lúc nào cũng làm mình run sợ và chán nản. Mình luôn biết rõ rằng không thể nào học tốt những môn học dành cho nam sinh.
Ngày... tháng... năm... Lại là vấn đề trang phục! Mình phải làm điều khó chịu đến ngạt thở ấy mấy chục năm nay, ngay cả hiện giờ cũng không thể làm khác được.
Trích từ nhật ký Duy Hòa
|
Duy Hòa