“Ma me” của nội

26/11/2022 - 06:02

PNO - Cây me bị đốn hạ, tôi nao nao nhớ những kỷ niệm. Rồi cũng tới khi cả cái gốc me cũng không còn. Nó bị vùi trong lớp cát đá, bê tông...

Nhà tôi rất gần nhà ông bà nội. Chỉ cần bước ra ngõ, nhắm mắt, đếm đúng 200 bước chân là đến nhà ông bà. Ngày nào tôi cũng mấy lượt chạy qua chạy lại 2 nhà. 

Còn nhớ, nhà nội có cây me to nằm sát vách, phủ bóng cả gian phía sau. Ba tôi kể, cây me này tự mọc, không ai quan tâm. Đến khi nó lớn, bà tôi bảo cứ để vậy lấy bóng mát. Nhờ có cây me che mái nên gian nhà sau lúc nào cũng mát mẻ hơn nhà lớn. Vì vậy buổi trưa, mọi người thích quây quần nằm nghỉ ở khu nhà thấp này.

Những năm đó tôi khoảng 16, 17 tuổi. Cùng nhỏ em họ, mỗi chiều đi học về, 2 đứa thay áo dài xong là len lén leo lên cây me. Chúng tôi phải lén lút vì bị bà nội cấm. Bà nói nữ sinh cấp III, lớn hết rồi mà cứ thích trèo cây như khỉ, mất hết sự thùy mị duyên dáng, không giống ai. Bằng tuổi tôi bà đã được gả cho ông nội, học đi đứng ăn nói, học tam tòng tứ đức, công dung ngôn hạnh. Câu chuyện của bà dài lê thê. Đứa nào cũng sợ nghe nên cứ tìm cách lảng đi chỗ khác.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Răn mãi không được, bà ra lệnh: “Cấm 2 đứa bây leo me nữa nghe. Đợi chín hái xuống phơi để dành nấu canh chua. Ngày nào cũng hái, vừa ăn vừa đem vào trường cho bạn thì còn gì cây me của nội”. Đừng nghĩ bà tôi mắng oan. 2 đứa con gái, ngày nào cũng tìm me dốt ăn đến rát lưỡi nên cây me chưa kịp chín đã thưa trái thấy rõ. 

Những dịp cuối tuần, chị em tôi trốn ngủ bằng cách leo lên cây me. Nằm dài trên nhánh lớn, tôi đưa móng tay cào nhẹ lớp vỏ lụa của từng trái. Trái nào hiện ra lớp vỏ bên trong màu xanh rêu hoặc nâu nghĩa là trái đó đã chín dốt. Me dốt có vị ngọt nhẹ, quyến rũ một cách khó tả. Chúng tôi ăn rồi cẩn thận giữ hạt trong túi nhựa. Không đứa nào dám thả hạt xuống mái nhà vì chắc chắn tiếng động sẽ khiến bà phát hiện. Nhưng chúng tôi không thể kiểm soát mọi tình huống. Thỉnh thoảng trong lúc hái, tôi và nhỏ em đánh rơi vài quả lộp bộp trên mái tôn. Giọng ngái ngủ, bà hỏi vọng lên: “Đứa nào trèo me đó bây? Con Lành, con Linh phải không?”.

Chị em nhìn nhau, ra hiệu nín thở im lặng. Chúng tôi cầu mong bà đừng rời khỏi giường ngủ bước ra sân kiểm tra. Lời cầu khẩn của bọn tôi linh nghiệm.

Bà than với ông: “Giữa trưa nắng đứng gió mà cũng rụng. Năm nay mưa bão nhiều, cây me đậu trái quá chừng nhưng rụng rơi gần hết”.

Qua mùa me dốt, vẫn chị em tôi trèo cây hái hết me chín xuống. Bà và các cô làm mứt một ít, số còn lại trộn với muối hột rồi đem phơi nắng, gói ghém cẩn thận, để dành nấu canh chua suốt cả năm. Mứt me chua cay là món khoái khẩu của 2 đứa con gái. Tôi và Lành ăn nhiều đến nỗi khiến bà lo lắng, sợ cháu bệnh đau dạ dày.

Trái me - món quà tuổi thơ của chúng tôi
Trái me - món quà tuổi thơ của chúng tôi

Tôi vào đại học, Lành lấy chồng. 2 “ma me” vắng nhà nên không còn ai để bà la mắng mỗi mùa me dốt. Thỉnh thoảng về thăm, thấy me đậu trái kín cành nhưng tôi không còn muốn leo. Lớn rồi, tự dưng chẳng thèm thuồng me chín dốt như thuở nào. Hũ mứt me to đùng cũng không ai chạm tới. Tần ngần, tôi mở nắp, nhón lấy một miếng cho vào miệng, tự hỏi tại sao cũng hương vị này mà ngày trước tôi và Lành có thể ăn đến no bụng thay cơm.

Ông bà nội mất, cây me vẫn ở đó. Tán cây ngày một to hơn, vươn đến mái nhà lớn. Buổi trưa nằm nghỉ, nghe gió lay quả rơi lộp bộp trên mái lại nhớ bà.

Chú Út bảo tấc đất tấc vàng, cây me không có giá trị gì nên sẽ cưa bỏ để xây dãy nhà cho thuê. Cây bị đốn hạ ngay sáng hôm sau. Nhìn cái gốc còn sót lại, tôi nao nao nhớ những kỷ niệm. Rồi cả cái gốc me cũng không còn. Nó bị vùi trong lớp cát đá, bê tông. Bây giờ, chỉ cần nhìn thấy miếng mứt me hay tô canh chua là mùi hương kỷ niệm tràn về trong tôi. Nhớ mãi tuổi thần tiên bên gian nhà của nội. 

Quỳnh An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI