edf40wrjww2tblPage:Content
Anh Hùng đang kiểm lại vé số trước khi giao cho người bán dạo
Ông chủ “tí hon”
Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những chiếc xe lăn, lắc tay dựng sát hai bên đường đi vào hẻm. Người đàn ông nhỏ bé, cao chưa đầy một mét với nụ cười luôn sẵn trên môi niềm nở ra đón khách. Anh là Trần Văn Hùng (27 tuổi), chủ đại lý vé số, tạo công ăn việc làm cho hơn mười người khuyết tật.
Sinh ra trong gia đình năm anh chị em, năm bốn tuổi anh Hùng bị một cơn sốt ảnh hưởng nặng đến sức khỏe. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, điều kiện y tế khi ấy còn lạc hậu, ba mẹ đưa anh đến bệnh viện, các bác sĩ đều lắc đầu, không tìm ra bệnh. Từ đó đôi chân anh yếu dần, không đi được, cơ thể cũng chậm phát triển theo. Nhớ lại tuổi thơ nhọc nhằn, giọng anh Hùng chùng xuống: “Nhà nghèo không được đến trường nên suốt ngày tôi chỉ quanh quẩn trong nhà. Học chữ, làm toán đều là do anh chị đi học về rồi dạy lại. Tôi thường hay tủi thân, chán nản. Không muốn làm gánh nặng của cha mẹ, năm 13 tuổi, tôi quyết định theo anh trai vào TP.HCM bán vé số dạo”.
Những ngày đầu, anh trai lấy xe đạp chở Hùng rong ruổi khắp các ngả đường mời chào vé số. Nhưng chỉ được một năm, gia đình có việc, anh trai phải về quê sống. Từ đó, cậu bé Hùng một mình vất vả mưu sinh nơi xứ lạ. Chỉ vào hai chân teo tóp, anh Hùng cười buồn: “Xương của tôi rất giòn, mỗi lần va quẹt xe là gãy. Hai cái chân này gãy bốn-năm lần rồi đó”.
Chứng kiến những người khuyết tật như mình vất vả đi lấy vé số, anh Hùng nảy ra sáng kiến tập hợp những người cùng cảnh ngộ ở chung một nhà trọ. Anh vay mượn, gom góp được hơn 70 triệu đồng tiền vốn, sau đó lấy vé số ở công ty và trực tiếp chia lại cho mọi người. “Chủ yếu khách mối là những bạn bè thân quen. Buổi tối tôi còn tranh thủ đi bán vé số thêm mới có tiền trang trải”. Anh thuê nhà nguyên căn bảy triệu đồng/tháng, bao cơm nước cho các anh chị khuyết tật. Không dám chi tiêu cho bản thân, có được ít tiền anh đều gom góp gửi về quê lo cho mẹ già 60 tuổi và phụ giúp nuôi người em gái cũng bị khuyết tật như anh đi học.
Cô Linh chuẩn bị đi bán vé số
Nương tựa nhau
Nhắc đến anh Hùng, chị Võ Thị Phượng (47 tuổi, quê Phú Yên) tỏ ra cảm kích. Chị thật thà: “Trước đây lấy vé số của những đại lý khác, họ không cho lấy thiếu. Khi mình đau bệnh họ cũng mặc kệ, không quan tâm. Còn chú Hùng thì khác. Chú coi anh chị em chúng tôi như ruột thịt trong nhà”.
Năm 5 tuổi chị Phượng bị sốt bại liệt, kể từ đó đôi chân chị vĩnh viễn tàn tật. Mồ côi cha từ nhỏ, nhà nghèo nên chị Phượng càng muốn kiếm tiền, sống tự lập. 30 tuổi, chị theo người quen vào TP.HCM, bán vé số dạo. Những ngày đầu chưa có xe lắc, chị phải thuê người chở xe đạp đi bán dạo khắp nơi. Tiền lời kiếm được chia cho người chở một nửa. Từ khi mua được chiếc xe lắc, chị không phải thuê mướn người nữa. “Sợ nhất là mùa mưa, nước ngập. Có bữa vấp trúng ổ gà, xe lộn nhào, nằm lăn ra đường, quần áo, vé số ướt nhẹp, may là có người đi đường đỡ dậy”, chị Phượng nhớ lại những lần gặp nạn trên đường.
Khi hỏi đến việc lập gia đình, chị Phượng bộc bạch: “Ngày đôi mươi cũng có yêu một anh gần nhà. Nhưng thấy cơ thể tôi khiếm khuyết nên gia đình anh phản đối kịch liệt. Không muốn làm gánh nặng cho anh, tôi khuyên người ta đi lấy vợ. Từ đó, tôi cũng không nghĩ đến việc lập gia đình nữa”.
Chung cảnh ngộ như chị Phượng, cô Linh (55 tuổi) bước đi khập khiễng. Sau cơn sốt bại liệt, cô quanh quẩn ở nhà. Khi mẹ mất, cha già yếu, cô Linh quyết định đi làm kiếm tiền lo cho cha. Từ những ngày đầu chưa biết buôn bán, cô được những người bạn cùng cảnh ngộ hướng dẫn, chỉ bảo tận tình. Nhìn chị Phượng, cô Linh cười tủm tỉm: “Trước ở bên kia khổ lắm, đau ốm gì tôi cũng nằm chèo queo một mình. May gặp nhỏ Phượng, nó biểu về ở với em. Giờ ở đây đông vui, có chị có em, rau cháo qua ngày, đau bệnh có người chăm sóc, đỡ cô quạnh”.
Khi hỏi đến tình duyên của cô Linh, mọi người trong nhà trọ cười rần rần. Anh Hùng trêu đùa: “Bữa có ông thương quá trời mà cổ chê, đuổi đi rồi”. Cô Linh đỏ mặt, ngại ngùng: “Đâu phải, tại mình chưa gặp duyên”.
Mỗi lần đi bán vé số chạy xe bị té ngã, cô Linh lại giúp chị Phượng xức dầu, xoa bóp vết thương. Ngược lại, những khi cô Linh bán ế, bị lừa mất vé số, những người như anh Hùng, chị Phượng lại nhiệt tình giúp cô ít tiền “quay đầu vốn”. Họ không mong gì hơn ngoài việc có một căn nhà chung nho nhỏ để chị em cùng hoàn cảnh trú ngụ, chăm sóc nương tựa nhau.
Nguyễn Nga