Với hộ lý Nguyễn Thị Bích Hạnh - Tổ trưởng Tổ hộ lý khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, trong 25 năm làm việc tại bệnh viện chị chưa từng thấy đại dịch nào khốc liệt như COVID-19. Càng sợ dịch bệnh, ý nghĩ viết đơn tình nguyện ra tuyến đầu thêm một người đỡ một bệnh nhi càng thôi thúc chị. Tạm xa con, chị đi phục vụ cho các bệnh nhi khác.
Chị Hạnh chia sẻ: “Làm hộ lý ở khoa Nhiễm, tôi ít nhiều có kinh nghiệm trong dọn dẹp, khử khuẩn, hay chăm sóc bệnh nhi… cũng phụ được điều dưỡng, bác sĩ một tay. Nhất là khi các bé mắc COVID-19, chỉ một người thân vào thăm nuôi thì các anh, chị ấy cũng đuối sức. Thôi thì cứ vào khoa, mình làm được gì thì làm”.
|
Nghe tiếng xe đẩy từ xa, các bé trong khu Điều trị COVID-19 đoán ngay "má Hạnh" đang mang đồ ăn tới |
Nói nghe nhẹ nhàng, nhưng hơn 8 tháng Khu điều trị COVID-19 của bệnh viện đi vào hoạt động, cũng là khi chị Hạnh và nhân viên tổ hộ lý đều thức dậy từ 4-5g sáng mới kịp dọn dẹp, gom rác thải, thay ga giường, lau khử khuẩn cửa ra vào,… trước khi khoác đồ bảo hộ, mang đồ ăn sáng vào khu điều trị nội trú cho bác sĩ, điều dưỡng và các bé F0.
Thấy chiếc xe đẩy từ xa, các bé đã chạy vội ra sân đón “Má Hạnh”, nghe tiếng ríu rít của những em bé đang trong giai đoạn hồi phục, chị Hạnh vẫy tay ra ý “Má đây”, rồi cười: “Tôi không biết các con gọi mình là má từ bao giờ. Chỉ biết mấy “đứa con” của tôi có đứa mắc COVID-19 nhưng có bệnh nền cần theo dõi, có đứa tuần trước sốt cao, mệt lả, lim dim trên giường bệnh, giờ đã chạy nhảy được, mừng lắm”.
Theo chị Hạnh, chỉ khi bệnh nhi F0 hết, chị mới sớm về với con, chính vì thế, có lẽ bao nhiêu tình yêu thương, nhớ con mình chờ đợi ở nhà, chị đã dồn hết vào những đứa trẻ ở đây và cố gắng để các bé mau khỏi bệnh. Không chỉ vui đùa với bọn trẻ, chị Hạnh còn chia sẻ kinh nghiệm của mình cho các ông bố, bà mẹ, động viên mọi người phải giữ vững tinh thần, hạn chế tối đa bị lây nhiễm từ con.
|
Sau khi phát đồ ăn, chị bắt đầu lau dọn cửa phòng, sàn nhà, thay ga giường... cho các bé |
Nhiều lần, các bà mẹ thương con quá cứ khóc, suy sụp rồi nhiễm bệnh không hay. Mẹ phải đi điều trị, cha vào chăm trẻ rất khó. “Có ông bố chăm con thuần thục lắm, nhưng cũng có người mới làm cha, chưa biết cách bế con thì làm sao cho tụi nhỏ ăn sữa được. Lúc đó, chị em điều dưỡng, hộ lý sau khi xong việc thay phiên nhau ẵm bồng, cho các bé ăn, dỗ tụi nhỏ ngủ. Mặc đồ bảo hộ nóng bức, có lúc mệt lắm, nhưng trong cơn say ngủ, em bé cười với mình, sao mình bỏ các bé để về được”, chị Hạnh cười.
Cứ như thế, khi bé này ngủ thì bé kia thức dậy, mệt mỏi, quấy khóc, đặt bé này xuống, ẵm bồng bé kia lên, chị Hạnh quên hết thời gian. Có ngày, bước ra khỏi khoa Nhiễm, chị giật mình đã tối muộn. Sau bữa cơm, chị vội vàng mở điện thoại, kiểm tra lại số lượng thức ăn, đồ đạc, ga giường,… ngày tiếp theo cho các bệnh nhi vừa nhập viện, rồi mới yên tâm đi ngủ.
Câu nói ấy như liều thuốc tinh thần cực mạnh cho chị Hạnh mỗi khi chị mệt mỏi, bất lực khi nghe có bé chuyển nặng, có bé không thể qua khỏi cùng tiếng khóc xé lòng của ba, mẹ các con.
|
Với những ông bố, chăm sóc, cho trẻ ăn, dỗ dành con ngủ... khá lúng túng, sau giờ làm, chị Hạnh sẽ tới "phụ một tay" |
Với chị Hạnh, đau lòng nhất là tiếng khóc xé lòng của các bà mẹ, ông bố khi con bị mất đi mà không được đưa bé về với gia đình thay vào đó là các công tác xử lý theo quy định phòng, chống dịch từ các khu cách ly, hay có những lúc nhân viên y tế cảm thấy rất bất lực, đáng lẽ những em bé đó được cứu sống, nhưng COVID-19 quá tàn khốc, thêm bệnh lý nền… các con không qua khỏi.
“Có bé, mình mới ẵm bồng lúc chiều, vừa dỗ cho con vào giấc ngủ, hôm sau đã… đi rồi. Có những bé nếu không mắc thêm COVID-19, các con sẽ không mất, có gia đình mong mỏi lắm mới được đứa con, chưa kịp vui đã đầy nước mắt. Những lúc như thế tôi chỉ biết đứng cạnh người nhà, nói họ cố lên mà tự nhiên mình nhói lòng”, chị Hạnh nghẹn ngào.
Nói đoạn, chị Hạnh xua tay, thôi qua rồi, nhắc lại chỉ thêm buồn, hơn 20 năm trong nghề, vui có, buồn có, căng thẳng, mệt mỏi cũng từng trải qua. Chị Hạnh chỉ muốn lưu giữ hình ảnh những đứa trẻ dần bình phục, ôm con búp bê nhỏ, chập chững cùng người thân bước ra khỏi khu khám bệnh, bàn tay nhỏ xíu vẫy vẫy chào chị.
|
Chỉ cần nghe các bé nói "Má Hạnh ơi, con khỏe rồi", chị Hạnh mới yên lòng |
Hay các bé lớn hơn, ùa ra khoe “má Hạnh ơi, con khỏe rồi, chú bác sĩ nói ngày mai con được về nhà”, “Má Hạnh ơi má Hạnh, con hết bệnh rồi, chào má Hạnh con về”... đã đủ để chị quên hết mỏi mệt, tiếp tục khoác đồ bảo hộ vào khu Điều trị COVID-19.
Hiện tại, dịch COVID-19 đã qua giai đoạn khốc liệt, đường phố đông đúc trở lại, chị Hạnh cùng các nhân viên tổ hộ lý vẫn âm thầm bên cạnh các bà mẹ trẻ, các ông bố lúng túng thay tã, đút sữa cho những em bé nhỏ xíu mới vài tháng tuổi. Ấm lòng nhất ở thời điểm này, trẻ khỏi bệnh, xuất viện nhiều hơn, bao nhiêu đó, đã quá đủ với chị.
Phạm An - Tam Nguyên