Diễn đàn Tình làng nghĩa xóm

“Má coi tụi bây như con má”

23/05/2024 - 06:06

PNO - Văn hóa đô thị - nhà ai biết nhà nấy đã xâm nhập vào nếp sống của nhiều người - nhưng đâu đó, như trong hẻm nhỏ tôi sống ở quận 4, hình ảnh bà hàng xóm dễ thương vẫn còn.

2 năm nay, tôi dọn nhà qua con hẻm ở đường Đoàn Văn Bơ (quận 4, TPHCM). Căn nhà mới này do một người bạn giới thiệu, trong con hẻm không quá đông đúc nên tôi thấy thích. Sự yên tĩnh giúp tôi yên tâm để ở lâu dài. Tôi đã chọn đúng. Từ ngày về đây, tôi có một người hàng xóm dễ thương.

Ngay trước nhà tôi là một tiệm tạp hóa. Bà chủ tiệm ăn nói ngọt ngào và vẫn hay xưng “má” với mấy người trẻ tới mua đồ. “Nay má mới nhập bánh tráng trộn về bán, tụi con ăn ủng hộ má nghen” - bà nói. Điều đặc biệt, lúc nào bà cũng tươi cười, xởi lởi, sẵn sàng cảm ơn khách hàng khi họ ghé tiệm mua bất cứ món gì.

Má Thủy và tiệm tạp hóa của bà, nơi cậy trông của tác giả
Má Thủy và tiệm tạp hóa của bà, nơi cậy trông của tác giả

Tôi hay đi ra ngoài, cũng hay đặt đồ giao tận nhà hoặc có người gửi tới. Khi đã đủ biết về nhau, bà xởi lởi nhận giúp. Tôi vừa về tới cửa, bà lại vui vẻ nói: “Con về rồi đó hả? Má nhận đồ giúp con rồi nè”. Bà đưa hàng cho tôi, cũng cảm ơn như một thói quen.

Tôi không nghĩ giữa phố mà mình lại có được người hàng xóm dễ thương như vậy. Từ đó, tôi đặt hàng hay nhận các gói bưu phẩm, thường là báo biếu từ những tờ báo tôi có cộng tác viết bài, đều yên tâm dặn nhân viên bưu điện: “Anh gửi nhà má Thủy đối diện giúp nha”.

Có nhiều bữa tôi đi công tác 5-7 ngày mới về, bà nhận bưu phẩm của tôi đến 4 gói. Khi tôi về, bà lại giao, rồi vui vẻ bảo: “Má cũng nhận cho mấy đứa khác ở nhà kế bên. Tụi bây đi xa nhà, má thấy tụi bây hiền như con trai má nên thương lắm. Đừng ngại gì hết”.

Về phần mình, tôi cũng hay gửi bà vài trái xoài, đôi quả cam, có khi mấy trái dừa khi có quà quê của mẹ bạn thân gửi từ Bến Tre lên. Bà luôn đón nhận ân cần: “Trái cây từ quê gửi lên tươi ngon, không thuốc nữa, má thích lắm”.

Tôi nói “má ăn lấy thảo”, rồi cũng cảm ơn như cách bà vẫn thường cảm ơn mọi người. Ở bà, tôi nhận ra, khi là hàng xóm, ta giúp nhau chân thành thì mỗi ngày gặp nhau đều vui vẻ, hỏi han nhau rồi hỗ trợ nhau theo cách của riêng mình.

Có lẽ vì sự vui vẻ của bà mà tiệm tạp hóa “má Thủy” lúc nào cũng đông khách. Họ đâu thể đi đâu mua khi có một người hàng xóm bán hàng dễ thương như vậy.

Tôi học được tinh thần kết nối xóm giềng từ văn hóa gia đình, làng xã. Tôi nhớ từ lâu, khi còn ở quê, tôi đã được sống trong tinh thần “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” này. Thực ra, nhà tôi neo đơn (đàn bà góa, con côi) nên nhờ hàng xóm nhiều hơn là mình giúp họ.

Mỗi vụ mùa, ở quê tôi vẫn hỗ trợ nhau theo kiểu vần công: nhà người này đi làm cho nhà kia và nhà kia làm lại cho mình. Sự vần công này khá vô tư vì như gia đình tôi, công phụ nữ của má thường yếu hơn công đàn ông của nhà khác.

Thế nhưng, các chú bác trong xóm không hề tính toán. Thậm chí, khi nhà tôi cần làm các việc nặng khác, họ cũng sẵn lòng hỗ trợ. “Tội nghiệp mẹ con hắn, đã nghèo còn không có đàn ông trong nhà”. Lý lẽ đó khiến những người hàng xóm dễ thương xung quanh đối đãi tốt hơn với người yếu thế.

Tình làng nghĩa xóm rõ nhất ở quê có lẽ là khi gia đình ai đó có tang. Cả xóm cả làng, dù trước đó ít qua lại, không thân lắm, cũng dành thời gian tới phụ đám: từ dựng rạp, đến thức đêm cùng trong suốt thời gian tang lễ. Chia sẻ lúc bối rối, khi mất mát khổ đau, cao hơn tình làng xóm còn là tình người.

Với người Việt, cố kết làng xã, văn hóa cộng đồng đã ăn sâu trong mạch nguồn suy nghĩ, hành động, một phần vì có nền nông nghiệp lúa nước. Sự giúp đỡ hỗ tương nhau đó được ví như bụi tre bện chặt từ những cây tre đơn lẻ, tạo nên rào chắn, biến thành sức mạnh tập thể để giữ nước, giữ làng.

Thời hiện đại, văn hóa đô thị - nhà ai biết nhà nấy đã xâm nhập vào nếp sống của nhiều người - nhưng đâu đó, như trong hẻm nhỏ tôi sống ở quận 4, hình ảnh bà hàng xóm dễ thương vẫn còn. Đó là điều đáng mừng và nên khuyến khích phát triển.

Quả thực, hàng xóm mà không nhìn mặt nhau hay lạnh lùng lướt qua nhau, sống chung tầng chung cư mà như người lạ phương nào, quả thực vô cảm.

Tất nhiên, trong tương giao xóm làng, chúng ta có thể bỏ bớt những biểu hiện xấu xí của việc tụm năm tụm bảy nói chuyện cô Bảy chú Ba làng trên xóm dưới hay soi mói vợ chồng cô A anh B ở căn chung cư đối diện nhà mình… và phát huy sự hỗ trợ khi khó khăn.

Nếu có thêm hàng xóm dễ thương, tôi nghĩ, mình sẽ có thêm tay thêm mắt, thêm những sự giúp đỡ, sẻ chia lúc cần. Đâu có ai sống mà không cần ai giúp trong suốt cả cuộc đời.

Lưu Đình Long

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI