Khi sự nghiệp tạm ổn, chồng tôi luôn muốn trở về quê sống gần gũi với thiên nhiên. Anh nhớ khu vườn của ba má, tôi thì hay quay quắt vì hình ảnh ba má chồng già đi trong khu nhà vắng vẻ đó, trong khi con cái tha phương.
Lúc vợ chồng tôi tuyên bố sẽ “bỏ phố về quê”, tôi tưởng má chồng sẽ mừng. Không ngờ, bà cười rất nhẹ rồi nói: “Má cắt cho tụi bây miếng đất ở mé vườn nghen!”.
Chồng tôi nửa đùa nửa thật: “Sao lại mé vườn? Ở chung nhà với ba mẹ con mới chịu!”. Má... chẳng vừa: “Bây phải ở riêng má mới chịu, còn ở chung thì đợi má nằm một chỗ rồi hẵng chuyển về!”. Đến khi thật sự chuyển về ở... mé vườn của má, tôi mới hiểu má nghiêm túc thế nào.
|
Má tôi sẵn lòng trông cháu, chơi với cháu, nhưng bà vẫn ở riêng (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK) |
Ngay ngày đầu tiên tôi về, má đã vất vả vì phải phụ dọn nhà, rồi trông coi hai đứa nhỏ. Nhưng đến tối, lúc ăn cơm chung, má nói: “Mình chỉ ăn chung hôm nay thôi. Từ ngày mai, vợ chồng có bận bịu gì thì cứ gửi con cho má, không kịp nấu cơm thì má nấu giúp. Nhưng ngày thường thì nhà ai nấy ăn”.
Tôi nói: “Con về đây là để đỡ đần ba má, má để con nấu ăn luôn cho!”. Má gạt đi: “Má tự lo quen rồi. Hai đứa cũng phải lo cho con, cho gia đình nhỏ của mình. Cứ coi như má là một bà hàng xóm cùng huyết thống thôi!”.
Nói tới đó, má cười ha hả. Chồng tôi cãi: “Thì ba má cứ ăn chung với tụi con, ăn có bao nhiêu đâu mà má phải nấu!”.
Má rất quyết liệt: “Không, ăn chung thì khác gì ở chung! Phải ở riêng mới hạnh phúc!”.
Chúng tôi tuân lệnh má. Vợ chồng tôi đã sớm xin được công việc, ngày ngày cũng mất tám tiếng đến cơ quan. Nhưng tôi rất hạn chế nhờ má trông con, dù bà cháu rất mến nhau, và má luôn sẵn lòng trông giúp.
Thực sự, tôi cũng hơi “chờn chợn” khi má đòi ở riêng. Tâm lý “về quê để đỡ đần, nương tựa ba má” cũng thay đổi ít nhiều. Tôi từng tưởng tượng sẽ về sống chung, thảy con cho cha mẹ trông giúp, rồi chúng tôi đi làm kiếm tiền, lo cơm nước. Vậy mà má đã làm mẫu cho một cuộc sống rất khác. Má có thể đi chợ giúp, hoặc nhờ con dâu mua giúp chai dầu, bịch muối nếu tiện đường, nhưng cuộc sống vẫn duy trì một cách độc lập, đúng như cách mà cả má và tôi vẫn chăm lo cho ngôi nhà riêng của mình trước đây.
Má dặn, việc đầu tiên các con phải làm là tìm trường cho con. Đứa lớn tiếp tục học lớp mầm, đứa nhỏ đi nhà trẻ. Má có thể chăm giúp, má thích chăm cháu, nhưng má đã chăm thì sẽ làm theo ý má, có khi sẽ trái ý con.
Má mời: "Sáng má hay dậy sớm pha trà rồi uống cà phê với cha mày, hai đứa thích thì qua uống". Ban đầu, vợ chồng tôi rất nhiệt tình qua uống cà phê với ba má sau khi đã đưa con đến trường mà chưa đến giờ vào làm. Uống cà phê với ba má rất thú vị, nhưng đúng theo lời má, không phải lúc nào chúng tôi cũng “thích”. Hôm thì tôi có hẹn với đồng nghiệp mới. Hôm thì tôi muốn cà phê với chồng.
Những lần tách riêng như thế, má luôn chủ động tạm biệt chúng tôi vào cuối buổi cà phê: “Mai thích thì qua nữa, bận thì thôi hén!”. Lần đầu tiên tôi nhắn xin phép “cà phê với chồng”, má gọi lại nói luôn: “Lần sau con không cần phải xin phép, khi nào muốn qua uống cùng má thì mới cần nhắn, chứ uống riêng là bình thường”.
Má lại bật cười, nói thêm: “Lâu lâu má cũng muốn uống cà phê riêng với chồng má vậy!”.
|
Hàng xóm xì xào chuyện nhà tôi không ăn chung mâm, chung nồi, nhưng má chồng tôi vẫn kiên quyết giữ sự tự do, độc lập (Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz) |
Tôi về quê đã gần một năm nhưng chưa có bất kỳ vấn đề nào với má chồng. Ban đầu, sự độc lập của má có hơi làm tôi thất vọng vì cảm thấy xa cách. Nhưng càng sống, tôi càng hiểu giá trị của sự độc lập. Má tôn trọng đời sống riêng của chúng tôi, và cũng tôn trọng riêng tư của má.
Khi hàng xóm gợi ý “hai nhà nấu một nồi cơm thôi”, hay có người chê má “có con dâu đảm mà không biết hưởng”, má thẳng thừng: “Ai mà tránh được việc phải nhờ con khi già xuống, nhưng khi mình còn khỏe thì phải sống độc lập”.
Má từng tâm sự với tôi: “Má cũng thích ở chung, thích nấu cơm, chăm cháu. Nhưng nếu má can thiệp, các con sẽ mất khả năng tự xoay xở. Khi phụ thuộc như vậy sẽ lệ thuộc về tinh thần, không thể hạnh phúc”.
Có lẽ, chính vì điều này mà tôi chưa từng phải nói dối má những khi đi sớm về khuya, các cháu thì luôn thích qua nhà ông bà, vì ở đó có một thế giới riêng khác với nhà mình. Dù không ăn chung, nhưng mỗi lần sum họp, con cháu, ông bà đều rất vui vẻ.
Cái được lớn nhất tôi thấy ở mình là tinh thần tự lập và tôn trọng cuộc sống của ba má. Nhìn về má, tôi luôn thấy đó là một người phụ nữ dễ chịu, sẵn sàng giúp đỡ nhưng lại có thế giới riêng, quan điểm riêng. Độc lập, yêu thương và tôn trọng chẳng phải là điều lý tưởng nhất cho mẹ chồng - nàng dâu sao?
Khánh Dương
(Tiền Giang)