Kính gửi chị Hạnh Dung,
Em về làm dâu trong gia đình chồng được 11 năm, đã sinh hai bé gái dễ thương. Ba mẹ chồng em dù sống chung nhà nhưng tính tình dễ chịu, không bắt bẻ nhiều. Vợ chồng em đi làm, lương cũng đủ sống, thỉnh thoảng có thêm khoản tiền đột xuất em dành dụm để mua sắm những tiện nghi trong nhà.
Gia đình chồng em tiếng là ở thành phố nhưng trong nhà không có gì. Nhà đã cũ nhưng phá ra xây lại thì không có tiền nên cứ phải chịu khó sửa chữa, chắp vá. Ở đây em nói về vật dụng trong nhà, thời buổi này mà cái tủ lạnh vẫn dùng tủ mua lại từ đồ phế thải, không có máy giặt, cũng không có phòng nào gắn được máy lạnh… Nói chung là tiện nghi không có gì.
Về làm dâu được mấy năm nên em hiểu đó là do tánh tiêu xài hoang phí của má em. Má chồng em ăn xài lớn lắm mà xài cho bản thân mình thôi. Bà ham thẩm mỹ từ hồi trẻ, ưa cắt chỗ này độn chỗ kia, phun xăm đủ thứ, áo quần, mỹ phẩm, tiền đi tập thể dục đi trị liệu làm đẹp… má không bao giờ tiếc.
Ba chồng em thì ngược lại. Ba rất cam phận, nấu gì ăn đó không bao giờ chê, mấy bộ đồ cũ mặc hoài, chi tiêu cũng rất tằn tiện. Má chồng em lâu lâu hỏi xin tiền con trai, để làm gì em không biết, chứ ba chồng chưa bao giờ hỏi xin tiền tụi em. Nhìn má chải chuốt tưng bừng, còn ba thì lam lũ, nghèo khổ… em thấy khó chịu lắm. Có cách nào để thay đổi chuyện này không chị?
Thái Nhi (TP.HCM)
|
Ảnh minh họa |
Em Thái Nhi thân mến,
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, thay đổi trong hoàn cảnh này không phải là việc dễ, vì mình phải thay đổi cả tính cách của mỗi người và hiện trạng, nếp sống của cả gia đình. Vậy nên em phải tìm hiểu cho thật kỹ, đặt mục tiêu rõ ràng. Em cũng nên lường trước nếu mình thay đổi mà kết quả là thất bại thì sao, có mâu thuẫn đổ bể gì trong gia đình không…
Có thể em hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, vừa tầm sức. Em nên nói chuyện với chồng trước. Ví dụ vợ chồng em có thể bù đắp cho ba, để ba không đến nỗi trông lam lũ khổ sở quá. Điều này có thể thực hiện được từ việc chăm lo bữa ăn, bộ quần áo, đến ly cà phê buổi sáng hay dành thời gian rảnh rỗi đưa ông đi chơi, nghỉ ngơi chung… Còn những chuyện sâu xa hơn, thuộc về “lịch sử gia đình”, em phải hỏi kỹ, biết kỹ.
Cách sống của má em lâu nay đã là vậy, khó thay đổi được, không khéo mình lại thành người chỉ trích má chồng mà không mang lại lợi ích gì. Đôi khi giữa ông bà có chuyện gì đó mà mình chưa biết hết. Nếu vấn đề thuộc về chuyện riêng của ông bà, chỉ có ông bà mới có thể giải quyết được. Con cái chỉ là một phần, không thể giải quyết được bản chất câu chuyện đâu em.
Tập trung vào gia đình em cũng là một cách làm thú vị. Em có thể chăm lo cho chồng con mình, tạo một hình ảnh thật bình đẳng, chia sẻ, quan tâm chăm lo lẫn nhau. Hình ảnh vợ chồng em hạnh phúc hay những cử chỉ hành động em chăm lo cho chồng có thể sẽ dần dần tác động đến má, khiến má để ý hơn đến sự chênh lệch giữa hai vợ chồng già. Có dịp đi đâu đó, vợ chồng em có thể đưa cả hai ông bà cùng đi, chuẩn bị cho ba thật “bảnh”, chụp hình ông bà, khen ông bà đẹp đôi, để bà quan tâm đến hình ảnh “cặp đôi” nhiều hơn. Em đã có ý muốn chăm cho hạnh phúc của ba má, chắc không ngại mất nhiều thời gian và công sức. Mong em kiên nhẫn và thành công.
HẠNH DUNG
NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC
Hoàng Hoa (Q.Tân Bình, TP.HCM): Hãy gia tăng sự kết nối…
11 năm không phải là khoảng thời gian ngắn nhưng rốt cuộc bạn đã làm gì được đâu, vì đôi khi đó đã là nếp sống của gia đình chồng bạn. Giữa thành phố này, không hiếm những gia đình như thế, ơ hờ sống với nhau qua ngày qua tháng. Nên tôi luôn dạy con mình, khi hẹn hò chính là khoảng thời gian để tìm hiểu nhau. Không những là sở thích tính cách của người yêu mình mà còn phải về nhà người yêu để quan sát cách sinh hoạt gia đình, văn hóa và ứng xử giữa các thành viên với nhau. Mọi thứ phải phù hợp và tương đối chính là nền tảng cho hôn nhân lâu bền.
Trở lại chuyện bạn, tôi mong bạn nên bắt đầu tạo thói quen gắn kết hơn. Nói thì hơi lý thuyết nhưng bạn hãy cố gắng thực hiện chậm dần từng bước. Trước mắt, vợ chồng bạn hãy chăm chút hơn cho ba chồng. Nấu nướng ăn uống tinh tươm hơn. Nhắc chồng rủ ba ra ngoài chơi. Cuối tuần, có thể tìm một quán sân vườn cho cả nhà đi uống cà phê, mẹ chồng bạn cũng tham gia cùng. Tất cả chờ vào sự khéo léo của cả vợ chồng bạn. Thế nên theo tôi, giờ chẳng phải là lúc dùng lời nói để khuyên can mà cần hành động.
Mai Thảo (Quy Nhơn): Làm cuộc cách mạng đi bạn nhé!
Mẹ chồng bạn sao lại giống mẹ tôi quá. Và cả tuổi thơ đến khi trưởng thành, tôi cứ luôn ấm ức tại sao mẹ mình như thế, không giống mẹ các bạn. Nhưng quả thật chúng ta không thể chọn gia đình để sinh ra. Cũng như khi tình yêu lấn át thì sá chi xuất thân của người mình yêu. Thôi thì chúng ta thử làm cuộc cách mạng.
Thứ nhất, việc sửa nhà, nếu bạn có tiền dành dụm hoặc có thể vay, hãy sửa lại cái nhà cho tươm tất hơn. Thứ hai, việc chăm ba chồng, vợ chồng bạn đừng để ba lủi thủi như vậy nữa. Người già thường cô đơn. Hãy thử bắt đầu bằng việc nói chuyện với ba nhiều hơn, đưa ba đi chơi, pha cà phê/trà mời ba uống. Thứ ba là mẹ chồng, vấn đề này hơi khó. Tôi và mẹ tôi từng suýt mấy lần từ mặt nhau. Nhưng cuối cùng chính mẹ tôi lại ngộ ra. Tôi rất hay đưa mẹ đi chùa, nghe thuyết pháp. Bạn có thể tham khảo cách này và áp dụng tùy tôn giáo.
Ngoài ra, khi rảnh rỗi, bạn cũng nên rủ rê mẹ làm việc gì đó cho tích cực, chẳng hạn làm từ thiện. Hãy để cho mẹ tự suy ngẫm mọi điều. Rồi mưa dầm thấm đất.
|
Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn
Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.
Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.