Má chờ con về

26/07/2014 - 11:54

PNO - PN - Đằng sau mái tóc bạc trắng, đôi mắt hõm sâu của các mẹ là những câu chuyện đời khắc khoải, nỗi ngóng chồng, chờ con cùng những giọt nước mắt lặng lẽ rơi dài theo năm tháng gian lao của đất nước…

edf40wrjww2tblPage:Content

Ma cho con ve

Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Chít

 Bốn lần tiễn con đi...

Mấy bữa nay, má Hai Nhiệp (Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Đào Thị Nhiệp) thấy trong người không khỏe. Má đi ra đi vô, thỉnh thoảng lại lôi mấy cuốn sách đã ố màu về hát bội ra coi cho đỡ buồn. Năm nay, má đã 100 tuổi, nghe kém, đi lại khó nhưng vẫn còn đọc được hai, ba trang sách. Dì Bùi Thị Tiếng (SN 1954, con gái thứ tám của má Hai Nhiệp) nói, cả đời má lam lũ, sinh ra và lớn lên ở xứ “18 thôn vườn trầu” xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, từ nhỏ xíu đã theo cách mạng.

Tôi ngồi với má cả buổi chiều, nói má nhớ gì thì kể con nghe. Má cười móm mém, nói thằng Ẩn, thằng Bé, thằng Minh, thằng Hoàng hiền hiền mà “lì gan” dữ lắm. Hồi ức của má được chắp vá từ những đoạn đời “khóc thầm lặng lẽ” vì các anh đi mãi không về.

Má Hai Nhiệp có chín người con, bảy trai, hai gái. Chống Pháp rồi chống Mỹ, vợ chồng má ở nhà đào hầm nuôi bộ đội. Bốn người con trai đầu của má đều xung phong ra trận khi tuổi đời còn rất trẻ. Má kể: “Đâu năm 55, 56 gì đó, giặc nhắm nhà tôi là Việt cộng nên dồn qua bắn, đốt cháy hết trơn. Tôi đâu có sợ, cán bộ của mình an toàn rồi. Nhà cháy thì tay đây, sức đây, mình làm lại”.

Bốn lần tiễn con đi, má Hai Nhiệp nhận về bốn tờ giấy báo tử. Liệt sĩ Bùi Văn Bé hy sinh năm 1968. Liệt sĩ Bùi Minh Hoàng, Bùi Văn Minh cùng hy sinh năm 1969. Liệt sĩ Bùi Ngọc Ẩn hy sinh năm 1974 tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Những năm đó và cả sau này, người ta chỉ thấy má cặm cụi ra đồng, tất tả ngược xuôi lo lương thảo, đi hái trầu cau bán kiếm tiền nuôi bộ đội chứ chưa ai thấy má khóc, nghe má than vãn. Dì Tiếng kể: “Má sống lặng lẽ. Cũng không mấy khi má kể chuyện các anh vì má muốn giữ cho riêng mình. Anh Hoàng hy sinh không tìm được xác, chỉ còn lại đôi dép với cái nón cũ. Bốn lần mất con, biết dùng từ nào để tả cho hết nỗi đau của má”.

Những gian lao, vất vả của mình, má Hai Nhiệp không nhớ. Theo cách mạng, chăm sóc bộ đội là điều hiển nhiên, “đâu có gì to tát”. Về bốn con trai hy sinh, má nói: “Ai cũng khư khư giữ con thì lấy ai đánh giặc”. Má nhổm người dậy, vừa kể lại những lần vô cứ thăm con, vừa đưa hai tay diễn tả con đường ngập gai mà má đi qua. “Ở cứ có những chiếc giường ngộ lắm, được kết từ mấy khúc cây to bằng bắp tay. Nằm vậy chắc đau lưng lắm. Tôi nhìn mà đứt ruột…”, má Hai Nhiệp nhớ lại, giọt nước mắt hiếm hoi chảy dài xuống gương mặt nhăn nheo.

Ma cho con ve

Đại diện Báo Phụ Nữ đến thăm má Đào Thị Nhiệp ngày 23/7/2014 - Ảnh: Phùng Huy

Khóc thầm lặng lẽ

Bị té gãy cổ xương đùi phải nằm một chỗ, nhưng vừa thấy tôi đến, má Nguyễn Thị Lan (91 tuổi) - người vừa được phong Bà Mẹ VNAH vào tháng 4/2014 nở nụ cười tươi, hóm hỉnh: “Sao đồng chí không mặc áo mưa, coi chừng bệnh nghe đồng chí…”, tôi không thể hình dung những thăng trầm mà má đã đi qua.

Má Lan quê ở xã Yên Quang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Thời kháng chiến chống Pháp, vùng Đông Bắc Thái Lan tập trung rất đông người Việt sinh sống. Lúc đó phong trào đấu tranh của Việt kiều yêu nước tại Thái Lan, Lào diễn ra rầm rộ. 18 tuổi má Lan xin làm giao liên, hoạt động tại hai vùng đất này.

Năm 1952, Việt Nam gửi quân sang hỗ trợ Lào, chồng má - chiến sĩ Nguyễn Văn Bỉnh tình nguyện tham gia. Từ đó, chiều nào má cũng đứng ở bờ sông Mê Kông ngóng về vùng Hạ Lào đợi chờ và cầu nguyện cho chồng bình an. Nhưng, người đàn ông đó đã không bao giờ trở về. Ngày hay tin dữ, má không khóc, không kêu than, chỉ lặng lẽ đứng bên bờ sông nhìn những cánh bèo trôi trong tiết trời lạnh giá.

Chồng hy sinh, má Lan được tổ chức đưa về nước. Một nách ba đứa con, má xin làm công nhân cho công ty gốm sứ cách điện tại Bắc Giang. Sau một năm, má học lớp quản lý xí nghiệp rồi đảm nhận chức Phó giám đốc Công ty gốm sứ Lục Ngạn.

Năm 1964, con trai cả Nguyễn Long Sáng của má lập gia đình. Cưới vợ được hơn mười ngày, anh Sáng vác ba lô Nam tiến. Năm 1975, má hay tin Sáng hy sinh. Sau cái tin sét đánh ấy, người ta vẫn thấy má đi làm, sinh hoạt bình thường, không một ai hay biết hằng đêm má ôm mặt kìm tiếng nấc. Một năm sau ngày nghe tin con mất, má ngã bệnh. Không muốn là gánh nặng cho công ty, má xin nghỉ việc.

Nhìn đứa con dâu (vợ anh Sáng) sống đơn chiếc tròn nửa thế kỷ, má xót xa: “Kêu nó đi bước nữa đặng có chỗ dựa lúc già yếu mà nó không chịu…”. Nghe vậy, chị nói: “Hồi đó ba và anh mất, má cũng có lo đến chuyện dựa dẫm tuổi già của mình đâu…”. Tôi lặng người trước hình ảnh hai mái đầu bạc của hai người đàn bà đang nghiêng vào nhau, như sẻ chia đến tận cùng nỗi đau mất mát.

Hai nỗi đau, một cuộc đời

Tháng Bảy, mưa dầm. Tôi đến nhà má Chít (Mẹ VNAH Nguyễn Thị Chít, P.Tân Thới Nhất, Q.12) vào một buổi chiều nước ngập trời. Kể về quãng đời đầy nước mắt nhưng má lại cười nhẹ tênh, tuồng như những đớn đau ngày cũ chưa hề xảy ra. Bởi má luôn chờ người con của mình về trong tâm tưởng để thủ thỉ, tâm tình.

Má Chít sinh năm 1937. Mười tuổi, má mồ côi mẹ, sau đó, cha của má bị Tây bắn. 20 tuổi má lấy chồng là ông Nguyễn Văn Đẳng (tự Bảy Tình). Ông Bảy Tình vào căn cứ khi má Chít vừa mang thai anh Nguyễn Văn Lâm vài tháng.

Cuộc chiến trường kỳ của cả dân tộc đã cuốn những người nông dân như má Chít vào cuộc một cách lạ lùng. Má nhớ lại buổi đầu theo cách mạng, có vài người đến xưng là chú họ bên chồng, nhiều lần nhờ má mang bánh tét đi đám giỗ. Một lần má nửa đùa nửa thiệt: “Biểu đi đám giỗ gì mà chỉ có bánh tét, không có bánh ít ta? Bữa nào tui cắt khoanh ăn thử nghe”. Người chú giật mình, gọi má ra dặn dò cặn kẽ, trong bánh là những cánh thư… Má thành giao liên năm 30 tuổi, khi đó Lâm vừa lên bốn.

Má Chít bị giặc bắt năm Lâm bảy tuổi, bị giam từ nhà lao Bà Chiểu qua Chí Hòa, Phú Lợi. Má kể: “Chỉ thương thằng Lâm. Ở nhà, lính vẫn vào truy xét, hỏi nó ba đâu, chẳng ai dạy trước nhưng lần nào nó cũng đáp tỉnh bơ: ổng theo vợ bé rồi. Ngày tôi ra tù, nó xin theo cách mạng. Năm đó thằng Lâm mới 12 tuổi. 19 tuổi nó hy sinh”. Mỗi lần làm giao liên phải nhập vai người đi bán bánh bèo, hủ tíu, nhớ đứa con trai chưa một ngày biết đến miếng ngon, lòng má quặn thắt.

Vốn thương con dâu như con gái, nên sau nỗi đau mất con trai, cha mẹ ông Bảy Tình mai mối và bắt má Chít lấy chồng. Má kể: “Lúc đó ba chồng tôi nói: Bây cũng vào tù ra khám, bị đánh bầm dập, tả tơi rồi, cần một chỗ dựa để ngày hòa bình vui sống con à. Thằng này tao thương lắm, có đứa con gái duy nhất thì đã hy sinh. Bây ưng nó cho ba má yên lòng”.

Má nói: “Tội nghiệp ổng lắm. Coi tươi vậy chớ mỗi năm cứ tới tháng Hai âm lịch là ổng lại buồn xo, khóc thầm cả tháng. Ngày 12/2, là ngày hy sinh của cô Nguyễn Thị Hai, con gái ổng”.

Năm 1974, má Chít và ông Nguyễn Văn Hỉ, một chiến sĩ cách mạng hơn má bốn tuổi nên duyên. 40 năm qua, hai người bạn già với hai nỗi đau đã quyện lại thành một cuộc đời.

 HẠNH CHI - HOA LÀI - MẪN NHI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI