Má bệnh

11/03/2013 - 00:28

PNO - PNO - Tết xong được vài ngày là má “lăn đùng” ra bệnh.Tôi phải dùng từ “lăn đùng” vì trước Tết và trong Tết thấy má vẫn vui cười, nhanh nhẹn, làm hết việc này đến việc khác.

Ma benh

Thế mới biết sức chịu đựng của má lớn đến nhường nào. Má cố gắng cầm cự cho qua mấy ngày Tết rồi mới chịu để cho cơn bệnh quật ngã mình. Lúc đó, anh chị em tôi đã mỗi người mỗi ngả quay lại cuộc sống thường ngày, người vào Sài Gòn, người lên Gia Lai, người đi Kon Tum. Nghe tin má bệnh phải nhập viện, anh chị em tôi ai cũng hoảng hồn, lo sắp xếp công việc để cắt cử người về thăm má. Tôi vào Sài Gòn, đã đi làm lại được vài hôm, nghe má bệnh, lòng bồn chồn không yên nên tức tốc bắt xe về quê để lo cho má. Anh chị tôi thì mới xong Tết công việc ngập như núi nên chưa thể về ngay với má được.

Tôi về đến bệnh viện lúc 1g sáng. Đường khuya khoắt, ánh trăng lờ mờ. Cũng lâu rồi tôi chưa có lần nào vào bệnh viện địa phương nên giờ người ta đã xây cất lại khác trước rất nhiều. Cũng may, lần theo con đường cũ, nhìn một vài hàng quán bên đường tôi cũng tìm ra đường xuống bệnh viện. 1g sáng nên bệnh viện thật im ắng.

Phòng má tôi nằm chỉ có vài bệnh nhân. Giường má nằm chưa được mắc mùng nên tôi dễ dàng nhận ra má. Má đang thiêm thiếp, nghe động, mở mắt nhìn thấy tôi thì cất giọng yếu ớt: “Về chi khuya khoắt vậy con, má có sao đâu”. Má luôn là vậy, bao khổ cực má đều giành hết vậy mà lúc nào cũng bảo có sao đâu. Tôi nói “Má cứ ngủ đi, để con canh cho”. Má nói, ba vào lúc chiều, tối phải về ở nhà lo cho bà nội, bầy cháu, bầy heo, sáng mai mới vào được. Tôi treo mùng cho má, chui vào một góc giường nằm chung với má và thiếp đi vì mệt mỏi sau chuyến hành trình dài gần 700 cây số.

Có tiếng y tá gọi, tôi thức dậy, mới đó mà đã 5g sáng. Ba đã vào, nghe ba nói má nhập viện vì bị kiệt sức và tụt huyết áp. Vậy là tôi đã biết nguyên nhân vì sao má phải nhập viện. Trước Tết má phải lo trăm công ngàn việc, từ cái bánh in, đòn bánh tét đến cái quần, cái áo sắm sửa cho con, cho cháu, rồi còn lo nấu nướng, bày biện. Mấy ngày Tết, con cháu tập trung về mấy chục người, miệng ăn chơi thì nhiều mà tay làm gần như rất ít. Má cứ lui cui hết nấu cơm cúng lại lo hôm nay nấu món gì cho con cháu ăn, rồi chén-bát-heo-gà đều một tay má. Tôi và mấy chị vô tâm cứ hết trò bầu cua tôm cá lại hỉ hả bài bạc ba ngày xuân hay chúi mũi hát karaoke, bỏ mặc má lui cui dưới bếp. Cứ vậy nên Tết xong vài ngày thì sức chịu đựng của má cũng không còn. Tôi tự trách mình sao cũng hùa theo anh chị ham vui để má phải làm, phải lo, phải khổ đến nỗi phải nhập viện.

Ma benh
 

Những ngày ở bệnh viện nuôi má tôi mới thấm thía được nhiều điều. Tôi muốn phát bực vì thấy những công việc không tên quá nhiều, điều mà trước đây tôi không hề biết, không san sẻ được gì cho má. Sáng ba vô thay, tôi về ghé tạt qua chợ, tranh thủ mua đồ ăn, về nấu ăn xong là mang cơm cho nội, cho bầy cháu ăn cơm đi học, lại quay sang lo cho bầy heo bầy gà đang kêu la, sấp ngửa mang cơm mang cháo cho má. Nấu cơm cũng phải hai phần, nấu đồ ăn cũng phải một phần cho nội và một phần cho đúng khẩu vị bầy cháu. Tất tả mang cơm vào cho má cũng đã quá giờ trưa, người chưa ăn nhưng tôi đã thấy nê bụng vì mệt. Vậy mà, đó là những công việc thường ngày má vẫn làm, má làm gọn hơ và nhanh chóng, không như tôi bây giờ.

Tôi thấy ngại sau đợt nghỉ Tết lại nghỉ nữa nên gọi điện vào công ty xin nghỉ luôn để yên tâm ở nhà chăm sóc má. Má trách tôi sao xin nghỉ việc, cứ vào làm, ở nhà má có ba lo. Tôi bảo, một mình ba sao lo hết được hai ba nơi, tôi không có việc này thì vào xin việc khác chứ giờ má bệnh, anh chị ai cũng bận không ai về thì biết làm sao. Má nghe tôi nói xong chẳng nói gì, cứ nằm im thin thít. Anh chị tôi cũng thay nhau về thăm má nhưng cũng vì công việc bận bịu nên tranh thủ quay lại lo công việc, má vẫn một mình nằm ở bệnh viện.

Má ở bệnh viện gần hai tuần mới bớt. Xuất viện, má lại quay về với công việc thường ngày. Lo cho má xong tôi tất tả quay lại thành phố với con số 0, phải đi xin một công việc mới. Nhưng lần này tôi không cảm thấy thời gian của mình là “thất nghiệp” mà trái lại, tôi thấy vui vì đã được ở cạnh má, được hiểu tâm tư và chăm sóc má theo đúng nghĩa “cơm bưng nước rót”, điều mà trước đây tôi chỉ có thể hiện trong những bài văn được điểm 9 hay trong những ý nghĩ thoáng qua khi xem một cảnh phim. Tôi mong mình sẽ có nhiều cơ hội chăm sóc cho má, không phải trong những lần má bị bệnh mà ngay lúc má bình thường nhất.
 



HUYỀN NGA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI