Má ăn cơm chưa vậy con?

23/01/2016 - 07:51

PNO - Tôi có cảm giác má đang dần mất đi trí nhớ, từ lần má thức dậy sau một giấc ngủ trưa ngắn và ngơ ngẩn hỏi: “Má ăn cơm chưa vậy con?”.

Tôi bần thần nhìn má, tự dưng có cảm giác hoảng sợ, đau buồn, xót xa… Chiều tối hôm ấy, gọi điện cho chị Hai, một bác sĩ, tôi thầm thì mà nước mắt cứ trào ra: “Chị ơi, hình như má bắt đầu quên quên, nhớ nhớ”.

Má tôi là người cực kỳ thông minh, nhạy bén, năng động và dũng cảm. Tuổi thơ tôi chứng kiến những lèo lái của má đưa con thuyền gia đình vượt qua bao nhiêu gian khó của chiến tranh, thời cuộc, sóng gió gia đình.

Ba tôi là một nhà giáo hào hoa, lãng tử, văn nghệ. Ngoài đi dạy và làm thơ, ông chẳng biết làm gì cả. Với mấy chị em chúng tôi, hình ảnh má luôn mạnh mẽ, sắc sảo, hóm hỉnh và hiền hậu. Nhưng hình như sau sự ra đi của ba, những sức lực cuối cùng để vượt qua đau khổ của má đã cạn kiệt. Câu hỏi đơn giản “Má ăn cơm chưa vậy con?” khiến lòng tôi thắt lại, nhưng tôi chỉ có thể ôm má, trêu đùa má và hỏi: “Má đói rồi, muốn ăn cơm lần nữa có phải không?”.

Ma an com chua vay con?
Ảnh mang tính minh họa

Hình như chẳng phải riêng chị em chúng tôi nhận thấy rằng má đang dần rơi vào tình trạng quên quên, nhớ nhớ mọi chuyện. Có lần, chỉ sau khi ba mất một tháng, má chảy nước mắt bảo với chị em tôi: “Hình như ba thương má, ba làm cho má quên hết rất nhiều chuyện”.

Với má điều ấy là một tin mừng, với chúng tôi, phần nào cũng là một tin mừng, khi má không còn nhớ những chuyện buồn đau đã qua. Có đôi khi chị em tôi cảm thấy hình như với những vùng ký ức trắng, những giản đơn còn lại từ một đời vui buồn, má tôi như một đứa trẻ, ngây thơ, chậm chạp và hiền lành.

Thương má, yêu má, hiểu má, nhưng sống với một người già đang dần mất đi trí nhớ không đơn giản. Điều mà chị Hai căn dặn, từ từ tôi mới nhận ra. Má tôi không chỉ quên buồn đau, má quên rất nhiều điều trong cuộc sống bình thường, quen thuộc xưa nay. Lúc đầu, chị em tôi còn buồn cười khi tất cả mọi danh từ, động từ má đều phải dùng từ “ấy” để thay thế.

“Con lấy cái… ấy cho bà”, “Chiều nay đi làm về con nhớ… ấy cho má ”. Chúng tôi thường phải tùy vào ngữ cảnh mà đoán xem “ấy” đó là cái gì. Rồi đến khi má gần như quên rất nhiều từ ngữ. Mỗi khi muốn nói điều gì, má phải suy nghĩ rất lâu, suy nghĩ mãi mà cũng không nói ra được, miệ ng cứ lắp bắp, lắp bắp hoài.

Từ đó, chúng tôi học sống chậm lại cùng má. Chúng tôi đứng chờ má, có khi cả vài phút, để má nhớ ra một điều gì mà má cần nói. Chúng tôi ôm má, trêu chọc má, cười xòa với má khi má tự dưng không thể nào nhớ được cách bật cái ti vi, cái quạt, thậm chí cái đèn. Đứa này sốt ruột, đứa kia kiềm chế. Đứa này vội, đứa kia thay thế. Còn khi chỉ có một mình với má thì phải tự nhắc nhở mình: “Chờ, chờ, chờ má nghĩ. Đừng làm cho má lo lắng, má còn khó nghĩ ra hơn”.

Đã từng có những lần khi chúng tôi đang vội, đang gấp đi đâu đó, làm gì đó mà má cứ lắp bắp hoài, sốt ruột chúng tôi bỏ đi, ngắt lời má, hối thúc má, thế là má đứng ngẩn ngơ, buồn, nước mắt rân rấn. Ra đến đường rồi, làm xong việc mình rồi, nhớ lại, mới thấy ân hận biết chừng nào, thương má biết chừng nào.

Có lần, chị Hai thủ thỉ với mấy đứa tôi: “Má quên nhiều thứ, thế mà số điện thoại ba chị em mình, má nhớ hết, đứa nào thích ăn gì, má nhớ hết, đứa nào đi vắng, về trễ, má nhắc mọi người phần cái nọ cái kia. Má quên những điều giản đơn trong cuộc sống, nhưng tình yêu dành cho chị em mình, má có bao giờ quên. Mấy đứa còn thông minh, giỏi giang, đừng quên tình yêu của má ”.

Lời nhắc nhở của chị Hai khiến chúng tôi hiểu ra điều gì cần nhớ, để yêu thương má hơn, chăm sóc má nhiều hơn và để má cũng không phải quên đi rằng: chúng con yêu má lắm! 

K.C.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI