Lý Thường Kiệt - lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý

19/01/2015 - 14:33

PNO - PNO - Lý Thường Kiệt - lịch sử ngoại giao và tôn giáo triều Lý là công trình nghiên cứu sáng giá của GS Hoàng Xuân Hãn.

edf40wrjww2tblPage:Content

Dù hoàn thành và in lần đầu vào năm 1949 nhưng đến nay, công trình này vẫn giữ nguyên giá trị và có thể ghi nhận, đây là một trong số ít các tập sách nghiêm túc, đầy đủ và có giá trị nhất về nhân vật lịch sử Lý Thường Kiệt.

Ly Thuong Kiet - lich su ngoai giao va tong giao trieu Ly

Như đã biết, Hoàng Xuân Hãn (1908 - 1996) là Giáo sư toán học, kỹ sư, nhà sử học, nhà ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa, giáo dục Việt Nam. Ông soạn thảo và ban hành Chương trình Trung học Việt Nam đầu tiên. Năm 1949, Hoàng Xuân Hãn xuất bản cuốn Lý Thường Kiệt. Năm 1951, ông sang Paris và định cư ở Pháp. Trong thời kỳ 1951 - 1954, ông đã giúp Thư viện Quốc gia Pháp, các thư viện Dòng Tên ở Ý và Tòa thánh Vatican làm thư mục về sách Việt. Tháng 8 năm 2011, Trường Cầu đường Paris (Ponts et Chaussées), một trong những Đại học có uy tín hàng đầu của Pháp đã đặt tên Giáo sư Hoàng Xuân Hãn cho giảng đường đại học của trường. Trước đó, nhân kỷ niệm 100 năm truyền thống, ông cũng được Trường Cầu đường Paris vinh danh là một trong 100 sinh viên tiêu biểu nhất trong lịch sử của Trường.

Trong công trình này, phần Tựa, GS Hoàng Xuân Hãn cho biết: “Từ đời Tần, mỗi lúc có một họ thống nhất Trung Hoa, họ ấy liền nghĩ đến việc chiếm các nước nhỏ chung quanh. Tần có Nhâm Hiêu, Triệu Đà; Hán có Lộ Bác Đức đều đã đạt mục đích là diệt họ đang cầm quyền ở đất Việt.Sau, trong khoảng độc lập hoàn toàn trở lại ở nước ta, những cuộc xâm lăng bắt đầu từ đời Tống, dưới triều Tống Thái Tông, tướng Tống tưởng lấy nước ta dễ, đã khinh cử, nên thất bại hoàn toàn bởi tay Lê Hoàn.

Lần thứ hai, dưới triều Tống Thần Tông, thế vua Tống và tể tướng Vương An Thạch rất to, nên sự xuất quân được dự bị một cách cẩn thận và đầy đủ: quân hơn mười vạn, sửa soạn một năm, tướng tá tinh nhuệ, kế hoạch định rõ từng chi tiết.

Đáng lẽ nước ta lúc ấy bị đổi thành châu quận của Tống. May! đương thời, có một vĩ nhân cầm quyền, có đủ óc chính trị, biết kết thúc nhân tâm, có cao tài lợi dụng thời cơ, có kinh nghiệm điều binh, khiển tướng.

Bậc ấy là Lý Thường Kiệt.

Bằng một trận tấn công chớp nhoáng, Thường Kiệt phá các căn cứ địch, trước khi Tống khởi việc động binh; rồi rút về, cương quyết cố thủ trên sông, ngăn cản xâm lăng xuống đồng bằng. Khí hậu nóng, lam chướng độc, địa thế hiểm, thêm vào sự bất lực của tướng Tống, sự bất hòa giữa các kẻ cầm quyền chung quanh Tống Thần Tông, đã khiến cho trận tấn công vĩ đại của Tống đã phải ngừng trước cửa Thăng Long, gần nơo lăng tẩm nhà Lý và trước cánh đồng phì nhiêu ở trung nguyên nước ta.

Thường Kiệt hiểu thời cơ, chịu tạm nhường về thể diện, khiến Tống lui quân và ta bảo toàn binh lực. Sau đó, Thường Kiệt biết dùng ngoại giao dựa vào binh lực ấy làm hậu thuẫn, mà đòi được đất đã mất. Cuối cùng không những Tống không dám dòm ngó cõi ta, mà bắc thùy nước Việt lại được khuếch trương và củng cố.

Đó là một kỳ công của Lý Thường Kiệt”.

Ngoài lời Tựa, GS Hoàng Xuân Hãn đã viết rõ ràng, đầy đủ về danh nhân Lý Thương Kiệt từ gốc tích đến việc bình Chiêm, phá Tống vang dội nghìn thu. Không những thế, Lý Thường Kiệt còn có công đòi đất đã mất vào tay phương Bắc, mở cõi về phương Nam...

Với tư duy nghiên cứu nghiêm cẩn, GS Hoàng Xuân Hãn còn trưng ra các tài liệu quý liên quan đến Lý Thường Kiệt và triều đại nhà Lý như bản đồ Tống - Việt - Chiêm, Trấn Thanh Hóa đời Lý, bia chùa Hương Nghiêm, Báo Ân, Linh Xứng v.v… 

Có thể nói, Lý Thường Kiệt - lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý - do NXB Khoa học xã hội và Công ty TNHH VH Khai Tâm in đúng theo ấn bản năm 1949 - xứng đáng được lưu giữ trong mọi tủ sách gia đình vì: “Cuốn sách là một đại diện tiêu biểu cho phong cách nghiên cứu khoa học Hoàng Xuân Hãn; mang lại cho bạn đọc một nguồn sử liệu phong phú và quý giá; là tài liệu quan trọng để nhìn nhận văn hóa, tôn giáo, lịch sử ngoại giao triều Lý; qua đó đánh giá một cách toàn diện công trạng của Lý Thường Kiệt trong công cuộc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và mở mang bờ cõi đất nước” (tr.13).

K.H

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI