Hằng tuần, thậm chí cả tháng trời nhà cửa thiếu người, vợ chồng vắng nhau mà chẳng kịp sắp xếp, trù bị. Với cộng đồng, đây là một sự xáo trộn tất yếu thời dịch, nhằm chống dịch. Nhưng trong những mái nhà, đây là cuộc “ly thân tình thế” - vợ chồng phải trải nghiệm sự thiếu vắng nhau, để… biết đá biết vàng.
Chồng “hai giỏi” thành “hai dở”
Chị Đặng Thị Hợp (52 tuổi, ở ấp An Tịnh, xã An Thạnh Trung, H.Chợ Mới, tỉnh An Giang) bị mắc COVID-19 vào đầu tháng 10/2021. Chị được đưa đi cách ly tập trung cách nhà 20km. Do không có triệu chứng nên chị không lo bệnh, nhưng lại canh cánh lo cho chồng và hai cháu nội (bốn tuổi, sáu tuổi) ở nhà trong tình trạng bị phong tỏa.
Anh Lương Văn Hoàng, chồng chị Hợp, là ông chồng “hai giỏi” mà các bà vợ trong xóm ngưỡng mộ: nấu ăn ngon, dọn dẹp nhà cửa tinh tươm, làm ruộng giỏi, nuôi gà vịt phổng phao đầy chuồng, trồng cây trái đầy vườn… Mỗi sáng, chị Hợp đi bán bánh bò ở chợ về thì anh Hoàng đã xong nồi chén rửa sạch, và nấu cơm sẵn sàng, sau đó anh mới ra đồng.
|
Anh Hoàng - chị Hợp và hai cháu nội giữa sân vườn rộng rãi, cây xanh do tay anh trồng, chăm sóc |
Vậy mà, chị Hợp đi cách ly mới hai ngày, nhà đã có “biến”. Anh Hoàng gọi điện cho chị: “Vợ ơi, hết gas rồi”. Chị Hợp bấm điện thoại gọi gas. Bình gas được giao tới trước cửa nhà và anh Hoàng nhanh tay bê vào rồi gọi cho vợ: “Bà ơi, tui không biết lắp bình gas, làm sao nấu cơm đây?”.
Chị Hợp chưng hửng, hóa ra ông chồng hai giỏi cũng có cái “bó tay”. Vì trước giờ người giao gas lắp luôn bình gas nên chị không hề biết “lỗ hổng” của chồng. Chị nói chồng lấy bếp gas mini nấu cơm. Anh Hoàng la lớn: “Trời, tui có biết lắp bình gas đâu, lắp vô nó nổ sao?”.
Đến lúc này thì chị Hợp cười sặc sụa. Chị không ngờ ông chồng điểm 10 của mình lại không biết chuyện nhỏ xíu. Chị Hợp dặn: “Ông gọi thằng Quý (cháu nội)”. Anh Hoàng giãy nảy: “Thôi, lỡ nổ bình gas sao?”.
Vậy là chị Hợp hết cách. Nhà đang bị phong tỏa, không thể nhờ cậy ai nên chị lo bữa ăn của ba ông cháu. Trưa, chị nóng ruột gọi điện cho chồng, cháu nội bắt máy và cho chị xem cảnh “ông nội đang chổng mông thổi lửa nấu cơm”. Thì ra, anh Hoàng ra vườn bẻ cành cây khô làm củi nấu, nhưng củi vẫn chưa thiệt khô nên anh phải phì phò thổi lửa. Chị Hợp nói: “Sướng không chịu, mà thích khổ ha”. Anh cười: “Kệ tui, thà cực mà an toàn”.
|
Vợ chồng anh Hoàng - chị Hợp |
Vợ ham chơi hóa… đảm đang
Ngày 3/10, anh Nguyễn Văn N. - chồng của chị Nguyễn Thị Thúy K. (25 tuổi, ở thị trấn Mỹ Luông, H.Chợ Mới) - trở thành F0 và đi cách ly tập trung. Cả hai vợ chồng đều hoang mang vì chị K. mới sinh em bé tròn một tháng. Hai bên nội ngoại lo cuống cuồng, vì chị K. tuy vượt cạn lần thứ hai, nhưng lâu nay vẫn có cuộc sống của cô gái còn son.
Chị K. lấy chồng ngay khi vừa tốt nghiệp trung học. Làm mẹ ở tuổi còn ham vui, ham chơi, nên việc chăm con chị khoán cho bà ngoại và nội. Chị K. đi học nghề làm tóc, nail. Lần này sinh con, chị lo lắng hơn vì dịch bệnh, mẹ chị ở xa không về được. Bà nội phải coi cửa hàng tạp hóa ở chợ.
Ngày chồng đi cách ly, chị K. bật khóc ngon lành. Bởi, chị vốn không quen chăm trẻ con, lại thêm chuyện con trai sơ sinh của chị “như người nước ngoài, ngủ ngày cày đêm”. Một tháng qua, chồng chị lo cơm nước và phụ vợ chăm con ban đêm. “Tự dưng giờ một mình, em hoang mang quá!”, chị K. nói.
Tuy nhiên, sự chông chênh của chị K. nhanh chóng biến mất khi nghe tiếng con khóc. Chị ôm con, dỗ dành con và tạm quên việc phải ở nhà một mình. Vài ngày, rồi một hai tuần trôi qua, bản năng làm mẹ giúp chị “cân hết” mọi việc: cơm nước, chăm con ngày lẫn đêm, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa và dạy học cho bé lớn vừa vào lớp Một.
Chị K. chia sẻ: “Có nằm mơ gặp ác mộng em cũng không nghĩ mình lâm cảnh này. Con đỏ hỏn, chồng ở khu cách ly bị lây bệnh và thành F0, hơn một tháng chưa về. Trước đây, chỉ riêng việc cơm nước đã quá sức của em. Vậy mà khi hoàn cảnh buộc mình phải lo nhiều việc cùng lúc, em cũng “sống sót” lướt qua được”.
Chị K. khoe, chồng chị báo tin, có thể một tuần nữa anh được xuất viện về nhà. “Em chỉ mong ba tụi nhỏ khỏe mạnh, bình an trở về. Chứ giờ, mọi việc nhà, em làm ngon lành rồi”.
Chồng ham nhậu thành ông bố “cực chất”
Dịch bệnh ập tới, một trong những gia đình ở vùng quê bị xáo trộn nhiều nhất là anh Phan Ngọc H., 30 tuổi, ở xã Long Kiến, H.Chợ Mới. Vợ chồng anh vốn là công nhân ở Bình Dương. Tháng 5/2021, chị Lương Thị Th. - vợ anh - từ quê trở lên Bình Dương trước, sau khi về đám tang ông nội anh.
Dự tính, anh H. và cô con gái năm tuổi sẽ lên sau khi cúng thất ông. Thế nhưng, dịch bùng phát ở TP.HCM và Bình Dương, chị Th. không cho chồng đi, dặn đợi vài bữa dịch êm hãy lên. Nào ngờ “vài bữa” thành nửa năm. Tình cảnh trớ trêu này khiến anh H. trở thành gà trống nuôi con. Trước đây, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, chăm con một tay vợ lo, giờ anh vừa cáng đáng hết việc nội trợ, vừa kiêm làm mẹ, vì cô con gái năm tuổi hay khóc đòi mẹ.
Những ngày dịch cao điểm ở Bình Dương, chị Th. không lo sợ bệnh cho mình, mà chỉ nặng nỗi lo cho chồng con ở quê. Chị tâm sự: “Em không biết ở dưới hai cha con sống sao nữa. Xưa giờ ổng chỉ biết đi ruộng, rồi lên đây làm công nhân, cơm nước, việc nhà chẳng bao giờ đụng tay. Thậm chí, nấu cơm xong em còn bới sẵn tô bưng đến tận ổ cho ổng. Rồi ổng ở quê bạn bè nhiều, mà tính lại ham vui, khoái nhậu, mặc dù ổng nói đừng lo cho cha con ổng, chỉ cần lo cho em trên này, nhưng sao em vẫn lo”.
Chị Th. phải nhờ mẹ ruột vài bữa ghé nhà chị để “dòm ngó hai cha con, sợ ổng bỏ đói con nhỏ” như lời chị Th. dặn mẹ. Nhưng, bà Hai Mạo, mẹ chị, sau ba lần đến nhà bất ngờ đã “báo cáo” con gái: “Bây đi vắng, chồng bây ở nhà biết lo lắm. Sáng nó dậy sớm nấu cơm cho bé B. (con gái chị Th.) ăn, rồi gửi con nhỏ bên nhà cô Tư (chị gái anh H.). Nó đi làm phụ hồ, đốn cây, mé cây cho người ta. Mà bé B. và cô Tư nó kể ngày nào thằng H. cũng về sớm, bữa thì đem về cho con nhỏ vài lốc sữa, bữa thì bịch bánh, kẹo, đồ chơi… Nó không la cà nhậu nhẹt như lúc có bây ở nhà đâu”.
Rồi bà Mạo chụp hình căn nhà gọn gàng, không có “bụi lút đầu”, không có nồi cơm khô mốc meo, và cũng không có chén bát chất đống ở sàn nước như chị Th. nghĩ. Đến lúc này chị Th. mới tạm tin, không còn nghi ngờ chồng dạy con xí gạt mẹ - như bao lần chị gọi điện thoại về cho hai cha con.
Lẽ ra, tháng Mười vừa rồi chị Th. về quê, nhưng dịch đang lan rộng ở An Giang. Đặc biệt, H.Chợ Mới của chị đang là tâm dịch, nên anh H. không cho vợ về, vì “ít nhất còn một người bên ngoài và khỏe mạnh để đi kiếm cơm”.
Thật ngạc nhiên thú vị khi biết những “nam nhân mong manh”, hay những người vợ vụng về, đầy thiếu sót lại có thể “cân” được mọi việc khi bạn đời đi vắng. Con người ai cũng có điểm mạnh - yếu, ưu - khuyết, chỉ là lúc nào, hoàn cảnh nào thì những phẩm chất tốt đẹp được bộc lộ, hay khuyết điểm bị phơi bày.
Cuộc sống hằng ngày che lấp những ưu ưu khuyết khuyết, ta chẳng thể thấy hết giá trị hiện diện của đối phương. Và nghịch cảnh, trớ trêu, đôi khi lại thay ta làm điều đó.
Thùy Dương