Ly rượu mừng - Bài ca xuân của muôn đời

12/01/2020 - 15:01

PNO - Kể từ khi ra đời đến nay, Ly rượu mừng chưa bao giờ ngừng “rót” trong các gia đình Việt Nam dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Chịu nhiều thử thách cũng như nghi ngại nhưng tất cả chỉ làm cho “men rượu” của bài nhạc xuân này thêm giá trị, thêm đẹp.

Một thời kỳ reo vui của Phạm Đình Chương

Nhạc sĩ Hoài Bắc - Phạm Đình Chương (1929 -1991) không phải là một cái tên xa lạ với những người yêu dòng nhạc xưa. Ông sinh ra trong một gia đình văn nghệ danh tiếng của Việt Nam. Chị và em gái ông là hai danh ca nổi tiếng Thái Hằng, Thái Thanh. Chính vì thế, đam mê âm nhạc, tình tự quê hương được hun đúc trong ông từ rất sớm khi sống trong không khí văn nghệ của gia đình.

Khi trưởng thành, ông cùng với vợ - ca sĩ Khánh Ngọc và anh chị em trong gia đình lập nên ban hợp ca Thăng Long. Đây là ban hợp ca danh tiếng nhất trước năm 1975 tại Sài Gòn bởi tập hợp những nhạc sĩ tài năng, ca sĩ có thực lực.

 Ly rượu mừng với tiếng hát Elvis Phương:

 

 Năm 18 tuổi, ông đã có tác phẩm đầu tay được hát trên các đài phát thanh. Nhưng phải đến thập niên 50 của thế kỷ trước, Phạm Đình Chương mới bước vào thời kỳ sáng tác rực rỡ với các tác phẩm reo vui và thể hiện tình yêu đất nước, cuộc sống và con người. Tiêu biểu trong thời kỳ này chính là trường ca Hội trùng dương, ca khúc Tiếng dân chài, Thuở ban đầu, Mộng dưới hoa, Xóm đêm

Các tác phẩm này đều mang cái nhìn lạc quan. Khi thì ông cúi xuống thật gần với tầng lớp cần lao cùng họ ra biển khơi, khi lặng lẽ theo sau những phận người về xóm nhỏ. Tình yêu lứa đôi cũng phút chốc thăng hoa theo hướng lãng mạn, đầy hoa và thơ. Thế nhưng, biến cố hôn nhân khiến Hoài Bắc chuyển hướng sáng tác sang tình cảm nhuốm màu đau buồn, tan vỡ.

Rất may mắn khi ca khúc Ly rượu mừng lại ra đời vào thời kỳ đầu, lúc Phạm Đình Chương còn giữ ngôn ngữ sáng tác tươi sáng. Theo chia sẻ từ phía gia đình tác giả, ca khúc Ly rượu mừng được viết tại Sài Gòn năm 1953 để đăng trên số tết của báo Đời Mới theo yêu cầu của người sáng lập tờ báo. Có thể nói, đây là một bài hát được “đo ni đóng giày” cho ban hợp ca Thăng Long để trình diễn vào các dịp xuân về. Thế nhưng, giai điệu valse bất hủ đã làm ca khúc nhanh chóng trở nên đại chúng từ thành đô đến thôn quê, từ lâu đài giàu sang đến mái tranh nghèo khó.

Thật vậy, từ một “bài tủ” của ban hợp ca Thăng Long mà Ly rượu mừng gần như trở thành ca khúc phải có của các chương trình, băng nhạc xuân của Sài Gòn trước năm 1975. 

Một bài xuân ca độc đáo 

Dù là người trong một gia đình nhưng dường như có một cuộc chiến vô hình giữa Phạm Duy và Phạm Đình Chương. Tuy chịu lép vế trước ông anh rể về nhiều khía cạnh nhưng Phạm Đình Chương lại vẻ vang chiến thắng ở hai hạng mục nhạc xuân và trường ca. Hội trùng dương của Phạm Đình Chương được xem là một đỉnh cao về trường ca, không chỉ Phạm Duy mà còn nhiều nhạc sĩ danh tiếng khác khó lòng vượt qua.

Phạm Duy sáng tác nhiều ca khúc về chủ đề mùa xuân từ Đêm xuân, Xuân ca cho đến Yêu em mùa xuân, Hoa xuân nhưng vẫn không thể có tác phẩm giá trị và phổ biến rộng rãi trong mọi tầng lớp như bài Ly rượu mừng.

Ca khúc Ly rượu mừng được viết theo thể điệu valse, nhịp 3/4 với tiết tấu nhanh. Đây vốn là một thể điệu quen thuộc của phương Tây dành cho những dịp hội hè, vui chơi. Có thể nói đây là một đặc trưng của nhạc xuân Phạm Đình Chương, mượn âm giai, nhạc điệu Tây phương để hát về một dịp rất cổ truyền của dân tộc. Đây là một phong cách đi ngược lại xu thế khi phần lớn các ca khúc xuân trước năm 1975 thường có giai điệu rumba, boléro hay mang chút âm hưởng nhạc dân tộc.

Mạn phép suy đoán, có lẽ Phạm Đình Chương nghĩ rằng, trong giờ phút thiêng liêng giao thừa thì lòng người cần nghe một giai điệu tươi vui, hùng tráng để khởi đầu nghinh đón mùa xuân mới hơn là những gì tha thiết, quen thuộc.

Về phương diện nhạc lý, Phạm Đình Chương khéo léo đưa vào bài hát nhiều quãng độ để thuận tiện cho việc hát bè, phô diễn kỹ thuật của ban hợp ca gia đình. Nhờ vậy, bài hát càng trở nên tươi vui, tuôn ra niềm hứng khởi và dễ dàng tương tác với thính giả. Người nghe khi cao hứng cũng có thể thoải mái hòa giọng cùng ca sĩ mà không ngại ngùng. Nhất là khi vào các đoạn điệp khúc “Á a a a nhấp chén đầy vơi, chúc người người vui. Á a a a muôn lòng xao xuyến duyên đời... Á a a a chúc mẹ hiền dứt u tình”. Còn gì ý nghĩa hơn khi vai kề vai, khoác vai nhau đung đưa theo nhịp điệu cùng hòa giọng thay lời chúc nhau trong năm mới.

“Người Việt còn ca khúc còn”

Một điểm độc đáo khác của Ly rượu mừng, đây chính là bài hát chúc tết hiếm hoi của nhạc Việt. Không có cảnh xuân, tình xuân quen thuộc, lời bài hát Ly rượu mừng chỉ là những lời chúc thiêng liêng, chân thành, nồng nàn, say đắm. Có lẽ, chính vì chọn đề tài đi thẳng vào nét truyền thống đặc trưng của tết Việt nên ca khúc có sức sống mãnh liệt. Nghe Ly rượu mừng, mọi người đều cảm thấy tấm lòng tha thiết của người yêu quê hương, yêu đồng loại với những lời chúc chân thành.

Mọi tầng lớp trong xã hội từ anh nông dân, thương gia, chiến sĩ, công nhân… và cả người nghệ sĩ đều được Phạm Đình Chương xưng tụng, hoan hô. Mọi nhà mọi người đều xuất hiện trong Ly rượu mừng một cách tự nhiên, yêu thương nhau. Quả thật trong mắt người nghệ sĩ chân chính không phân biệt giai cấp, tầng lớp, giàu sang hay hèn kém. Đúng như kiếm sĩ Miyamoto Musashi từng nói: “Không có nghề cao quý chỉ có con người cao quý”.

Ban hợp ca Thăng Long
Ban hợp ca Thăng Long

Không có những khuôn mẫu ước lệ, lời chúc trong Ly rượu mừng “chạm” đến lòng người. Chúc mẹ già không phải là sống lâu trăm tuổi mà là “dứt u tình”, “hòa nỗi yêu thương” cùng với đàn con đi xa trở về. Kết cho lời chúc non sông hào hùng lại là một điều thật tình cảm, tha thiết đôi lứa  “Đợi anh về trong chén tình đầy vơi”.

Trong cuộc phỏng vấn do con trai nhạc sĩ Phạm Đình Chương thực hiện, khi yêu cầu chọn một ca khúc yêu thích nhất, thi sĩ Du Tử Lê không ngần ngại đưa ra cái tên Ly rượu mừng. Ông cho rằng: “Bài hát đầy tình người, người ta không chỉ nghe được sự lấp lánh về hy vọng của các giai điệu, ngay cả ca từ cũng nói lên tính đồng nhất không phân biệt giai cấp của người Việt”. “Ngày nào người Việt còn, ca khúc còn” nhà thơ khẳng định.

Lần cuối cùng ca khúc được thu âm là xuân 1975 trong cuốn băng shotgun của nhạc sĩ Ngọc Chánh, với giọng đọc quen thuộc: “Nhân dịp đầu năm chúc quý vị vạn điều may mắn, an lành và hạnh phúc”. Sau đó là tiếng pháo nổ và điệu valse bất hủ trỗi lên với phần hợp ca của ban Thăng Long. 

Năm 2016, với sự hợp sức của Phương nam phim, Ly rượu mừng được chính thức cấp phép phát hành trở lại tại Việt Nam. Hai ca sĩ được mời thu âm đầu tiên chính là Quang Dũng và Phạm Thu Hà. Rồi từ đó trên khắp quê hương lại vang những lời chúc thiêng liêng “Ước mơ hạnh phúc nơi nơi, hương thanh bình dâng phơi phới”. 

Phạm Ngọ

 

 

 

 


 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(4)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI