edf40wrjww2tblPage:Content
Những ngày cuối đời, ông Lý Quang Diệu sống trong vô vàn tình thương mến, kính trọng của người dân Singapore. Nước mắt cầu nguyện hướng về ông thấm đẫm trên khuôn mặt bao người. Họ tiễn ông về cõi vĩnh hằng với lòng tri ân sâu sắc dành cho vị thủ tướng đầu tiên của đất nước đã xây từng viên gạch để tạo ra thế hệ công dân coi trọng tri thức. Họ biết ơn ông đã xóa bỏ định kiến, khuyến khích phụ nữ coi trọng học vấn để tạo ra những hạt giống tốt, và truyền cảm hứng cho thế hệ sau này.
Người dân Singapore chia tay cố Thủ tướng Lý Quang Diệu
Năm 1983, ông Lý Quang Diệu nhận nhiều ý kiến chỉ trích cũng như ủng hộ sau khi ông tha thiết khuyến khích nam giới Singapore kết hôn với phụ nữ có học vấn tốt. Nhiều phụ nữ khi ấy đã tốt nghiệp đại học nhưng vẫn chưa lập gia đình vì phần lớn cánh mày râu còn mang suy nghĩ bảo thủ rằng phải lấy vợ kém trình độ hơn thì gia đình mới êm ấm. Nhờ quyết sách của ông, cơ quan môi giới hôn nhân Social Development Unit được thành lập, tạo điều kiện giao tiếp cho những người tốt nghiệp đại học của cả hai giới. Ông Lý Quang Diệu là một trong những người tiên phong lấy vợ có trình độ học vấn cao. Vợ chồng ông Lý Quang Diệu - bà Kha Ngọc Chi mang đến cách nhìn nhận mới trong xã hội vốn chịu ảnh hưởng quá lớn từ tư tưởng Khổng giáo. Nhờ có vợ chu toàn hậu phương, cùng chồng giáo dục các con mà ông Lý Quang Diệu mới có thể thực hiện trọn vẹn sứ mệnh của mình.
Năm 1961, chính quyền Thủ tướng Lý Quang Diệu ban hành Hiến chương phụ nữ Singapore, đưa ra những điều khoản cụ thể nhằm bảo vệ lợi ích của phụ nữ. Hiến chương dành cho phụ nữ các quyền bình đẳng với nam giới trong tất cả lĩnh vực, quy định chế độ đăng ký kết hôn bắt buộc và cấm đàn ông lấy nhiều vợ. Hiến chương cũng quy định rõ về quyền sở hữu tài sản của phụ nữ. Đây là nền tảng để sau này Singapore tiếp tục có các chính sách chú trọng quyền lợi phụ nữ về mọi mặt, từ hôn nhân, gia đình đến lao động.
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu và người dân trong buổi lễ mừng quốc khánh Singapore
Grace Fu, con gái James Fu, thư ký báo chí của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã thay mặt phụ nữ Singapore cảm ơn tấm lòng vĩ đại ông Lý dành cho đất nước. Bà Grace Fu kể, bà lớn lên trong thập niên 1960, đời sống khi ấy vô cùng khó khăn, cả gia đình sống trong căn hộ cho thuê. Thế nhưng, chị em bà vẫn được khuyến khích đến trường. Mọi thứ chuyển biến rất nhanh. Học vấn giúp chị em bà có công việc phù hợp, người làm bác sĩ, người làm kế toán. Đất nước ngày càng phồn thịnh, tất cả đều hiểu ngọn nguồn sự phát triển ấy đến từ sự sáng suốt, tận tụy và tâm huyết của vị cha dân tộc Lý Quang Diệu. Bà Grace Fu nói: “Chính ông tạo mọi điều kiện cho trẻ em gái Singapore từ những năm đầu lập nước được giáo dục, theo đuổi sự nghiệp, xây dựng mái ấm và làm những gì họ muốn để góp phần vào sự phồn vinh của đất nước”.
Sự chăm sóc nữ giới cũng là cách Singapore chào đón mầm non đất nước. Từ quan điểm và chính cuộc sống gia đình riêng cùng người vợ thông minh, đầy năng lực Kha Ngọc Chi, ông Lý Quang Diệu hiểu rõ rằng, chỉ có thể tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển thì mới có được thế hệ trẻ mạnh mẽ và “giàu có” cả về kiến thức lẫn nhân sinh quan. Ông Lý Quang Diệu từng có phát biểu để đời: “Nếu thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong phát triển kinh tế”. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong nỗ lực đẩy mạnh tiến trình phát triển đất nước là trao quyền bình đẳng cho mọi người tiếp cận việc học, bất chấp địa vị, chủng tộc, tôn giáo, giới tính. Với ông Lý, điều phải làm là: “Trao cho họ cơ hội tốt nhất để tự hoàn thiện, tận dụng năng lực bản thân”.
Đào tạo người tài và giữ chân người tài là hai nhiệm vụ mà không phải chính phủ nào cũng hoàn thành xuất sắc. Với sự lèo lái của ông Lý Quang Diệu, Singapore đã làm được điều này. Cuối thập niên 1970, Singapore bắt đầu có sự dịch chuyển nhân lực. Ông nhanh chóng thành lập hai ủy ban để giúp những người có năng lực làm đúng nghề và kết nối nhân tài thành sức mạnh xã hội. Đề nghị việc làm cho sinh viên trước khi họ tốt nghiệp là cách khiến nhân tài không muốn rời bỏ Singapore. Ngoài ra, Singapore còn lập hai cơ quan, trải thảm mời gọi nhân tài từ Ấn Độ và các nước trong khu vực. Ông Lý Quang Diệu khiêm tốn thừa nhận: “Nếu không lấp vào chỗ trống bằng những tài năng nước ngoài, chúng tôi không làm cho đất nước vươn lên hàng đầu được”.
Gia đình nhỏ của ông Lý Quang Diệu
Trong tiến trình hội nhập quốc tế, ông xác định không chỉ có kỹ thuật mà phải tìm tiếng nói chung với thế giới để rút ngắn khoảng cách trình độ, tạo không gian tương tác. Từ năm 1959, khi nhậm chức thủ tướng, ông Lý Quang Diệu đã chọn tiếng Anh là ngôn ngữ chính của quốc gia này. Ông không ngừng thúc đẩy việc học tiếng Anh. Năm 2011, ông Lý Quang Diệu còn sáng lập một quỹ mang tên mình nhằm khuyến khích việc học song ngữ ở trẻ nhỏ, từ tuổi mẫu giáo.
Quả ngọt của tiến trình cải cách và phát triển giáo dục qua nhiều thập niên là Singapore trở thành quốc gia được xếp hàng đầu cả hai lĩnh vực khoa học và toán học trong nhiều cuộc nghiên cứu quốc tế, tập trung ở bậc tiểu học và trung học, hai bậc học nền tảng nhất. Nhiều năm nay, Đại học Kỹ thuật Nanyang (NTU) luôn có tên trong danh sách những trường đào tạo thạc sĩ quản trị hàng đầu thế giới. Trong khi đó, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) được xếp hạng ba trong 15 trường đại học châu Á tốt nhất thế giới. Singapore cũng là nơi nhiều trường đại học quốc tế từ các quốc gia có nền giáo dục phát triển chọn để đặt trụ sở, như Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) với tên Singapore MIT Alliance hay Trường Đại học Stanford với tên Singapore Stanford Partnership.
Hiểu rõ cội rễ sức mạnh dân tộc phải xuất phát từ ý chí toàn dân, cố Thủ tướng Singapore đã tô đậm những mảng màu, trong đó có vai trò phụ nữ và sức mạnh giáo dục, trong nỗ lực thay đổi diện mạo đất nước. Lựa chọn đúng đắn đã đưa Singapore vào nhóm quốc gia phát triển, có thu nhập bình quân đầu người cao thứ ba trên thế giới. Bài học chiến lược của ông Lý Quang Diệu vẫn còn cần thiết với nhiều quốc gia đang khát khao vươn lên trong cuộc đua toàn cầu hóa.
THIÊN ANH
(Theo AP, Real Singapore, Singaporeseen)
Được tin ngài Lý Quang Diệu, cựu Thủ tướng nước Cộng hòa Singapore từ trần, ngày 23/3, Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã gửi điện chia buồn tới ngài Lý Hiển Long, Tổng thư ký Đảng Hành động Nhân dân Singapore. Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi điện chia buồn tới ngài Tony Tan, Tổng thống Singapore; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gửi điện chia buồn tới ngài Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã gửi điện chia buồn tới ngài Shanmugam, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore. Ngày 23/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội và viết vào sổ tang chia buồn: “Sự ra đi của ngài Lý Quang Diệu là một mất mát vô cùng to lớn, không chỉ đối với Singapore mà còn đối với cộng đồng ASEAN nói chung. Những cống hiến to lớn của ngài Lý Quang Diệu cho Singapore cùng những tư tưởng của ngài về xây dựng, phát triển quốc gia sẽ luôn là nguồn cổ vũ to lớn cho các thế hệ mai sau. Nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi nhớ tình cảm và sự giúp đỡ quý báu của ngài Lý Quang Diệu dành cho Việt Nam. Tôi mong Chính phủ và nhân dân Singapore sớm vượt qua thời khắc đau thương này”. (Theo TTXVN) |