Số phận đứa bé có hai bớt son đỏ
Chiều 18/7, thẩm phán Nguyễn Chế Linh, Phó Chánh án TAND quận Ninh Kiều TP.Cần Thơ cho biết, trong buổi chiều cùng ngày, TAND quận Ninh Kiều đã hòa giải thành công giữa Trung tâm công tác xã hội (Sở LĐ-TBXH Cần Thơ) và chị Nguyễn Thị Huyền Trân 35 tuổi, ngụ phường 6, TP.Sóc Trăng, giao con cho chị này nuôi dưỡng.
Trân và con gái là nạn nhân trực tiếp của một câu chuyện dở khóc dở cười, bởi tin lời thầy bói mà đứa con gái cô rứt ruột đẻ ra chưa đầy tháng phải lưu lạc hơn 7 tháng trời, còn gia đình cô vừa phải chạy tiền lo thủ tục tìm con, vừa lao đao vì nhớ con và ân hận
|
Mẹ con, bà cháu đoàn tụ trước toà ngày 18/7 |
Ôm con trong tay, Trân kể, chị kết hôn được 5 năm thì chồng bỏ theo người phụ nữ khác. Trân rời quê lên Bình Dương xin làm công nhân tìm lối thoát cho mình nhưng hồ sơ bị trả lại vì quá tuổi tuyển dụng. Chị mượn giấy chứng minh nhân dân của một người bạn tên Nguyễn Thị Thuý An, sinh năm 1987 rồi dán ảnh mình vào để đi làm.
Năm 2015, khi tuổi ngày càng lớn, muốn có một đứa con cho riêng mình, chị “xin”con của một người đàn ông. Ngày 12/10/2015, chị sinh một bé gái tại Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM với tên mẹ là Nguyễn Thị Thuý An. Tuy nhiên, khi bé được 1 tuần tuổi thì trên người bé bỗng dưng xuất hiện hai bớt son đỏ. Từ đó bé cũng quấy khóc, khó chịu. Thấy lạ, bà Hồng Thị Ửng, mẹ Trân đi hỏi thăm... thầy bói. Bà Ửng cho biết. “Thầy nói con nhỏ với mẹ nó kỵ mạng, cứ nuôi thì tai ương khó lường có thể mất mẹ hoặc mất con. Nhờ thầy tìm cách hoá giải, thầy khuyên, tốt nhất là đem đứa bé cho đỡ nhà người thân khoảng 1 tháng rồi nhận con về thì mọi chuyện sẽ êm, nhưng tuyệt đối không được nói lộ ra kế hoạch.
Suy nghĩ mãi, thấy em gái mình là Nguyễn Thị Ngọc Chi, 28 tuổi, tạm trú tại ấp Đông Lợi, xã Đông Phước, H.Châu Thành, Hậu Giang rất thích con gái, lại chưa biết chuyện nên mẹ con bà Ửng đưa bé gái về đó. Ngày 5/11/2015, Trân quấn con trong chiếc khăn xanh, để trong một giỏ đựng đồ mang đặt trước nhà em gái rồi len lén theo dõi cho đến khi Chi nghe tiếng khóc, mở cửa bồng đứa trẻ vào nhà. Trước sự chúng kiến của mọi người, Chi xin nhận nuôi đứa nhỏ trong khi chính quyền địa phương lúc đó cũng đang đi tìm người thân cho bé.
Chi cho biết: “Tôi dỗ cháu một hồi thì nó ngưng khóc. Lúc đó tôi bàn với chồng sẽ nhận nuôi đứa bé gái này vì vợ chồng tôi mới chỉ có một con trai. Nghe vậy, trưởng công an xã cũng đồng ý và nói nếu sau thời gian quy định mà không có mẹ ruột đứa bé đến nhận thì tôi sẽ được ưu tiên nuôi cháu bé”.
Nhưng một ngày sau, trong lúc các ngành chức năng đang làm biên bản và các thủ tục cần thiết thì có người đến xin Chi nhường lại cháu bé cho họ nuôi, họ sẽ cho gia đình Chi 10 triệu đồng. Nhưng vợ chồng Chi không đồng ý. Rồi thông tin đứa trẻ bỏ rơi có bớt son trên đầu lan nhanh, một đồn 10, 10 đồn trăm, cho rằng đứa bé có hai bớt son trên người là điềm tốt, thậm chí, có người tiên đoán, cháu bé sau này ắt phải là quý nhân, là tài năng hiếm có... “Sau đó có người còn ra giá 1 cây vàng thậm chí là 2 cây vàng để nuôi đứa bé... Nhưng tôi đều cự tuyệt vì vợ chồng tôi nghĩ phải có duyên dữ lắm thì người ta mới bỏ đứa bé trước căn nhà nơi hẻo lánh như nhà mình”, chị Chi cho biết.
Không dừng lại ở đó, một hôm, nhà Chi đón một chiếc ô tô biển số Hậu Giang dừng trước cửa. Vợ chồng Chi bất ngờ khi đại diện UBND xã Đông Phước và Phòng LĐ-TBXH huyện Châu Thành có quyết định không cho vợ chồng Chi được ưu tiên nhận cháu bé làm con nuôi. Cán bộ xã nói, có lệnh từ tỉnh xuống là phải đưa cháu bé về tỉnh giải quyết và buộc vợ chồng Chi ký vào biên bản bàn giao cháu bé. Biên bản của UBND xã Đông Phước nêu rõ: “Được sự chỉ đạo của Phòng LĐTB-XH huyện Châu Thành; Trung tâm dân số Kế hoạch hoá gia định huyện; Hội liên hiệp phụ nữ huyện giao cháu bé về Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Hậu Giang quản lý”. Tuy nhiên, sau đó đứa trẻ được gởi đến nhà của một cán bộ cấp tỉnh ở Hậu Giang cũng có nguyện vọng nhận nuôi.
|
Thời gian này, vì một mực tin lời “thầy” nên cả bà Ửng lẫn Trân đều không hỏi han gì đến đứa nhỏ. Ngày 19/11, khi Chi điện thoại cho bà Ửng và Trân hỏi thăm sức khoẻ và kể về đứa trẻ bỏ rơi đã bị đưa đi. Nghe chuyện, Trân hoảng hốt trở về Hậu Giang để liên hệ với địa phương nhận con. Rắc rối là tên mẹ của cháu bé trong giấy chứng sinh không khớp, từ đây, hành trình tìm lại con của Chi bắt đầu với bao gian nan, vất vả.
Đoàn tụ
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch xã Đông Phước cho biết, sau khi lập biên bản về đứa bé bị bỏ rơi trước nhà chị Nguyễn Thị Ngọc Chi, tạm trú tại địa phương, UBND xã đá báo về Phòng LĐ-TBXH huyện Châu Thành, Trung tâm dân số KHHGĐ huyện và Trung tâm Y tế huyện để giải quyết. “Nghe cấp trên chỉ đạo phải đưa cháu bé về tỉnh, chúng tôi buộc phải làm theo, nghe người ta giành nuôi đứa nhỏ với giá hàng chục triệu, chúng tôi lại càng phải thận trọng.”
Sau khi chuyển về huyện Châu Thành, đứa trẻ được đưa qua Trung tâm Y tế, rồi gửi tạm ở một nhà thuốc. Sau đó chuyển đến nhà bà Thái Thu Xương, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Hậu Giang nuôi tạm. Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Trưởng Phòng LĐ-TBXH huyện Châu Thành xác nhận, bà đã liên hệ với bà Xương vì biết bà Xương cũng đang muốn tìm con nuôi. Bà Oanh lý giải: “Tôi thấy vợ chồng Chi chỉ có số tạm trú ở xã Đông Phước, điều kiện kinh tế cũng không khá, lại có con nhỏ nên thấy đưa vào nhà bà Xương sẽ tốt hơn”
Khi vợ chồng bà Xương gần lo xong thủ tục nhận con nuôi thì Trân tìm tới. Từ đó, Trân nhiều lần đến nhà bà Xương khóc lóc để xin gặp con, nhận con nhưng bà Xương không dám giao vì giấy tờ chứng sinh và chứng minh nhân dân của Trân đưa ra không khớp. Sự việc càng lúc càng phức tạp bởi chính quyền địa phương không tìm hướng giải quyết dứt điểm. Trân gửi đơn thư cầu cứu khắp nơi rồi lặn lội ra cả Hà Nội gõ cửa Trung ương.
Cuối cùng vợ chồng bà Xương cũng xin trả lại cháu bé cho Trung tâm Y tế huyện và Phòng LĐ-TBXH huyện Châu Thành. Rời nhà bà Xương, đứa trẻ được đem xuống Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Hậu Giang nhưng ở đây không nhận trẻ từ 0 đên 6 tuổi. Cháu lại được gửi lên Trung tâm công tác xã hội Cần Thơ với hồ sơ trẻ bị bỏ rơi không nhận ai nuôi.
Tháng 4/ 2016, Trân gửi đơn khởi kiện Trung tâm công tác xã hội Cần Thơ ra Toà án quận Ninh Kiều để xác định mẹ cho con và quyền nuôi con. Lúc này, cơ quan pháp y tỉnh Hậu Giang mới lên hỗ trợ lấy mẫu thử ADN. Kết quả ADN có ngày 6/6 đã chứng minh Trân là mẹ ruột cháu bé. Tưởng như từ đây câu chuyện sẽ dễ dàng vì chỉ cần có đơn của người mẹ, chứng nhận của địa phương, Phòng LĐ-TBXH huyện Châu Thành cùng lên là có thể bàn giao cháu cho mẹ. Tuy nhiên, khi Trung tâm công tác xã hội Cần Thơ hướng dẫn Trân làm đơn về địa phương xác nhận thủ tục nhận con thì lại bị địa phương từ chối. Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Trưởng Phòng LĐ-TBXH huyện Châu Thành cho biết: “Do Trân thưa kiện ra Trung ương nên bây giờ dù có kết quả ADN cũng phải chờ Công an điều tra rồi tỉnh quyết định”. Sau đó, dưới sự hướng dẫn của Trung tâm công tác xã hội Cần Thơ, Trân làm các thủ tục nhận con và khởi kiện ra toà để có phán quyết cuối cùng.
Hiền Dung