edf40wrjww2tblPage:Content
Nhưng hình như trong cái rủi lại có cái may, bởi nhờ vậy mà ba năm sau, anh bỗng dưng xuất hiện như một ngôi sao sáng trong cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu (SK) toàn quốc lần thứ nhất, khi đoạt ngay giải A với vở kịch đầu tay 270gr (SK 5B). Mức độ thành công ở tay nghề dựng kịch của anh còn vang dội hơn nữa vào năm kế tiếp 2008, khi vở Trong hào quang bóng tối anh tái dựng cho nhà hát 5B, đã gần như “hốt trọn” các HCV trong Liên hoan SK thử nghiệm toàn quốc lần 1 dành cho các hạng mục: vở diễn, đạo diễn, thiết kế mỹ thuật, diễn viên (ba HCV). Có lẽ nhờ ánh “hào quang” rực sáng bất ngờ này, ngay trong năm 2008, Lý Khắc Lynh đã được mời trở lại với nghề tay phải là làm “ông vua” trên sân quay. Do bận làm phim, anh dựng kịch ở SK không nhiều, vài ba năm mới “ló” ra một vở, nhưng vở nào cũng làm người xem… rạo rực bởi sự khác lạ trong cách bài trí, cùng sự truyền tải những tư duy sâu sắc một cách duyên dáng và kín đáo. Đúng với tính cách của mình, anh luôn táo bạo trong việc chọn từ đặt tên cho các vở kịch, tỉ như 270gr, Cực yêu, và bây giờ là Rạo rực, vở vừa ra mắt tại Nhà hát SK nhỏ 5B.
* Các vở kịch của Lý Khắc Lynh luôn có tên dễ gây sốc, đó là chiêu để anh câu khách?
- Hiểu như vậy cũng không sai và câu khách trong trường hợp này cũng chẳng xấu. Bởi tôi luôn muốn những sản phẩm của mình phải độc đáo, ngay từ cái tên. Song, dù tên gọi có gây sốc mấy thì cũng không thể xa rời ý nghĩa của nội dung. Như 270gr trước đây là trọng lượng của một quả tim con người, còn Rạo rực bây giờ thì đa nghĩa, hiểu tốt cũng được mà hiểu không tốt cũng không sao. Chữ rạo rực tôi dùng mang ý nghĩa tích cực, là trạng thái không dừng lại. Người ta sống lúc nào cũng cần sự rạo rực. Thiếu rạo rực, con người sẽ trở nên thụ động, làm mất đi sức tranh đua để tiếp tục tồn tại và tiến lên.
* Dựng kịch SK với anh chỉ là “xuân thu nhị kỳ”, vậy duyên cớ nào bây giờ lại có Rạo rực?
- Kể từ vở Cực yêu, đã bốn năm rồi tôi mới trở lại SK. Lý do duy nhất là vì tình cảm đặc biệt của tôi dành cho Nhà hát 5B, nơi trước đây đã... liều lĩnh cho tôi cơ hội được thử sức với vở đầu tay 270gr. Tôi đã định dựng vở Rạo rực từ lâu, song gặp quá nhiều trắc trở về diễn viên (DV). Nay, nhờ ban giám đốc nhà hát động viên, biết là khó khăn, nhưng tôi thấy hưng phấn, nên bắt tay làm.
Chỉ đạo diễn xuất cho DV Kim Hiền trong phim Kẻ bội tình
* Vở này có sự góp mặt của nhiều người nổi tiếng. Làm thế nào anh “gom” được họ?
- Bản thân Lý Khắc Lynh cũng có một phần uy tín nhất định với các DV. Mặt khác, Nhà hát 5B là nơi bắt đầu của nhiều DV trẻ, cũng như nhiều “sao” trẻ ở phim truyền hình, nên khi được nhà hát kêu gọi, họ đều ý thức để trở về. Dựng kịch bây giờ khó khăn nhất là con người. Người ta có nhiều chuyện phải lo, cái gì cũng được đặt lên bàn cân xem có đem lại cơm áo hay không. Vả lại, ở SK 5B, tuổi thọ của vở diễn thường không cao, nên chỉ có khơi gợi lòng yêu nghề, sự đam mê cộng với một chút tinh thần hy sinh mới kéo được người ta vào. Những DV tên tuổi đều bận rất nhiều việc nên thời gian họ dành cho vở thật quý báu. Vở lên sàn tập bây giờ không như ngày xưa, cứ sáng đến là tập cho đến tối, mà phải tính toán, lấy lịch của từng người để chọn giờ giấc cho phù hợp. Họ rảnh lúc nào tập lúc đó. Điều này làm cho việc sáng tạo gặp nhiều hạn chế, bởi những mảng miếng của đạo diễn cần phải có thời gian để thực hiện và thẩm thấu. Tôi cứ luôn tự an ủi rằng, tập hợp được DV là mừng rồi. Mặc dù đã rất “kỳ công” với giờ giấc của DV, nhưng lịch tập của chúng tôi cũng không tránh khỏi bị “bể” vì lịch quay phim của họ thay đổi đột xuất. Tôi là người làm phim nên rất thông cảm điều này, đành phải chịu thôi!
* Nói như anh thì tội nghiệp cho SK quá, như thể sân khấu đang “ăn mày” lòng thương hại của DV! Nhưng ở góc độ chuyên môn, phải có sự nhìn nhận ngược lại, DV “nhận” nhiều hơn “cho” khi sàn diễn SK mới chính là nơi rèn nghề hiệu quả nhất?
- Đúng vậy, SK là nơi tôi luyện nghề diễn vì làm SK không thể dễ dãi, mà phải tập tành nghiêm túc, có mảng miếng đàng hoàng mới ra được một vở tốt. SK cho nghệ sĩ cảm xúc tươi rói mà phim ảnh không có được. Tức là làm cho nghệ sĩ rạo rực, lo lắng, hồi hộp, không ù lì. Làm nghệ thuật mà thụ động sẽ không thể hiện được cá tính của nhân vật. DV của tôi trong Rạo rực rất yêu SK, có đầu tư cho vai diễn, nhưng vì có quá nhiều việc khác chi phối nên chưa thể đạt tới sự thăng hoa như mong muốn. Mỗi người thiếu một chút sẽ cho ra một tác phẩm không hoàn hảo. Vì vậy, đêm diễn nào tôi cũng hồi hộp, căng mắt nhìn để điều chỉnh kịp thời những phút giây “lơ đãng” của DV.
* Kịch của anh thường có kết cấu như phim, chuyện “méo mó nghề nghiệp” này, theo anh là tốt hay xấu cho nghệ thuật SK? Điều gì thúc giục anh luôn “phá cách” trong dàn dựng?
- Tôi viết, biên tập và dàn dựng kịch truyền hình liên tục từ năm 2004 đến nay, mỗi năm khoảng 10 vở, chưa kể những vở dựng cho nhà hát, xét về số lượng cũng gọi là kha khá. Thế nhưng tôi vẫn chưa thấy hài lòng với tác phẩm nào. Điều đó cho tôi động lực đi tìm cái mới để đạt được cái mình muốn. Mỗi năm mình thêm tuổi, thêm kinh nghiệm thì không thể lặp lại chính mình. Tôi luôn “rạo rực” với cuộc sống, luôn hướng về phía trước nên rất ghét sự lặp lại. Nhìn chung, các vở kịch của tôi có tính điện ảnh rất cao vì đó là sở trường; tính trẻ cũng rất cao vì cái gì cũng vừa đủ, không dư. Có lẽ do tư duy điện ảnh ở trong máu nên đã đem lại cho tôi cái nhìn về SK không giống những người khác chăng?
Với DV Bảo Anh phim Cha và con
* Trở lại với SK sau một thời gian dài đến bốn năm, cảm xúc của anh thế nào?
- Mỗi lần trở về là trong tôi dội lên một cảm xúc mới, động lực mới. Nhà hát 5B là nơi mình gắn bó, “nhào vào” biết chắc sẽ khó khăn vất vả nhưng lại là nơi tôi có thể nhìn lại được nhiều mảnh đời để thấy thương, thấy đau vì đời sống của họ bao năm vẫn vậy. Mọi người thường lo ngại rằng SK sẽ chết. Nhưng theo tôi, SK sống hay chết là do con người, do nghệ sĩ. SK là bộ môn kén khán giả, không phải ai cũng biết xem nên cần phải có cách “đào tạo” ra khán giả. Tôi nhìn xuống khán phòng, vẫn gặp lại những gương mặt khán giả cũ, có khác chăng là họ mỗi lúc một già đi. SK mang tính thẩm mỹ riêng của nó, có chiều sâu nhất định, trong khi các vở diễn hiện nay ra đời một cách quá dễ dãi, nghĩa là mình đang tự giết mình. Trình độ khán giả ngày càng cao trong khi chất lượng vở diễn ngày càng thấp, đó là điều rất đáng lo.
* Mở đầu sự nghiệp bằng một bộ phim truyện nhựa khá hoành tráng, nhưng 10 năm qua anh vẫn “lang thang” với kịch và phim truyền hình...
- Lúc nào tôi cũng mong muốn được làm phim truyện nhựa. Mấy năm qua, phim truyện điện ảnh nước nhà đã có sự trỗi dậy, là một tín hiệu vui. Làm gì cũng phải có cái duyên. Có duyên mới làm được một tác phẩm điện ảnh tốt. Không ít người đã thất bại vì “rạo rực” quá trong khi việc chuẩn bị chưa kỹ, thời cơ chưa chín muồi. Điều đó cho tôi kinh nghiệm, nếu biết trước thất bại mà vẫn cứ làm là không nên. Thấy người ta làm mình nóng ruột nhào ra khi chưa đủ sự chín chắn thì khó mà thành công.
* Đã hơn 5 năm làm phim truyền hình với hơn chục bộ phim, trong đó không ít phim được người xem yêu thích như Hiệp sĩ đường phố, Sắc đẹp và danh vọng, Một nửa yêu thương, Ngược dòng ký ức, Cha và con… Phim truyền hình đã “bồi bổ” gì về nghề cho anh khi mà dư luận vẫn xem làm phim truyền hình là kiểu ăn xổi ở thì?
- Không như trước kia, hiện nay, các nhà đài siết lại, đánh giá chất lượng phim rất gắt, thà phát phim cũ nếu không có phim mới, phim hay. Vì thế, không tồn tại cảnh một đạo diễn nhận cùng lúc hai, ba phim hay làm ăn gian dối. Phim truyền hình giúp các đạo diễn hoàn thiện mình hơn vì không bị nhàn rỗi. Nếu có nghề, kinh nghiệm, bản lĩnh sẽ làm ra được phim truyền hình tốt. Đạo diễn bây giờ phải chủ động nhiều thứ, nắm tiền của nhà sản xuất, làm hay nhưng phải biết gói ghém trong kinh phí đó, thời gian đó. Tài năng không chưa đủ, phải cộng thêm sự may mắn. Số lượng rating hay quảng cáo cũng chưa nói hết chất lượng thực sự của tác phẩm. Phim hay mà PR kém hoặc phát sóng vào thời điểm không tốt cũng không đến được với khán giả.
Cùng ê kíp trong vở Rạo rực
* Người ta nói, SK mất khán giả một phần do phim truyền hình. Vừa làm truyền hình vừa làm SK, vậy với anh, bên nào trọng bên nào khinh?
- SK xuống vì nhiều lý do, đâu chỉ vì phim truyền hình. Với tôi, phim truyền hình là nơi tạo công ăn việc làm, kiếm tiền để sống, rèn luyện nghề nghiệp nên phải gìn giữ nó. Nếu nó chết, mình cũng không còn đường sống.
* Lý Khắc Lynh hiện là một trong số ít đạo diễn đắt sô, phim nào ra cũng được xem là “tử tế”, hẳn anh rất rành về thị hiếu khán giả?
- Thị hiếu khán giả là một “thứ” rất mông lung, không ai có thể hiểu hết được. Khi họ thích cái này, lúc lại thích cái khác, nhìn nhận cho chính xác rất khó. Bây giờ truyền hình thực tế rất nhiều nên phim cũng mất khán giả. Đến phim Hàn bây giờ cũng bị coi là nhàm. Sự trải nghiệm giúp tôi rút ra một đúc kết: một bộ phim truyền hình phải có đầy đủ bốn thứ: tình cảm, hài, hành động, liêu trai. Trong công thức đó, đạo diễn có quyền gia giảm, nhưng phải đủ “bốn món” mới kéo được khán giả. Ngoài ra, phải được sự hỗ trợ tốt nhất của máy móc, kỹ thuật.
* Anh thường chọn DV theo tiêu chí nào?
- Nguyên tắc của tôi là hợp vai mới mời, thân cũng không mời. Nhờ đó mới có uy tín khi làm việc. Chọn DV kịch thì an toàn vì họ quen nghề, còn DV trẻ hay DV không chuyên thì sẽ đem lại yếu tố mới lạ. Tôi luôn cân đối giữa hai lực lượng này.
* Cái gì nuôi sống anh? Nhìn bộ dạng, hẳn anh không phải là người chăm kiếm tiền?
- Nghề nuôi tôi. Tôi sống tốt một phần nhờ vào lương cố định ở đài cộng thêm khả năng tự thân vận động. Tôi làm gì cũng cần được thoải mái thì đầu óc mới sáng tạo, nên vừa làm vừa chơi, một năm hai phim là đủ. Tôi không thích tối ngày tính toán chuyện lời lỗ nên không hợp với nghề kinh doanh!
* Anh sống độc thân có vẻ hơi… lâu. Chẳng lẽ anh chọn phụ nữ khó vậy sao?
- Tôi không thích sống độc thân. Nhưng khổ nỗi nghề này lại làm cho mình chậm có gia đình vì tập trung rất nhiều thời gian cho công việc. Tôi nghĩ có lẽ mình chưa tới duyên, nếu tới, chắc phải kết thúc cuộc sống độc thân này thôi. Sống cô độc là điều khủng khiếp với con người.
Cát Vũ (thực hiện)