Đã lâu mới gặp lại Uyên, tôi suýt không nhận ra bởi cách ăn mặc và kiểu tóc đều mới, xe cũng mới. Nghe em gọi: 'Chị, chị. Em nè!', tôi đã định hỏi 'em nào?', nhưng khi em cười tôi mới ngớ người vì… quá quen. 'Tóm' được tôi, em hào hứng khoe:
- Giờ em đã thoải mái lắm rồi. Khi tâm trạng không còn nặng nề, bế tắc nữa thì dễ thở ngay. Lương em tháng 10 triệu, tăng ca thì được thêm chút đỉnh. Bình Dương - Long An nhưng cứ cách tuần là em về. Thứ Bảy làm hết buổi sáng em xách xe về với con. Mẹ con bên nhau được hai ngày đêm em lại đi. Con em giờ đứa học lớp 3, đứa lớp 2, ngoan lắm chị. Học bán trú nên bà ngoại cũng không đến nỗi quá bận cháu. Thằng chồng cũ cũng hết theo quậy, mấy tháng nay còn 'xin' em cho phụ đóng góp nuôi con nữa!
Sao mà hay vậy? Mới hồi 2014 còn lên bờ xuống ruộng, còn bị hăm giết, dọa tạt axít…
Nhờ gặp luật sư có lòng đó chị. Chỉ còn mỗi chuyện là “chả” giữ giấy tờ cá nhân của em nên em khó đi làm lại thôi. Mà đàn ông lạ vậy đó, con tim người ta thì không biết giữ, giữ giấy tờ làm gì cho mắc công cất!
Uyên lấy chồng ở tuổi 25, cái tuổi mà ở nông thôn xem như bắt đầu ế, nên có người mai mối là ưng đại cho xong. Chồng Uyên làm tài xế xe nhà, xem như ổn định kinh tế, cũng không lo chồng có điều kiện 'nọ kia'. Nhưng, Uyên lầm. Uyên làm dâu làm mẹ bù đầu nhưng luôn bị nhà chồng la mắng vì không hợp ý. Đã vậy, còn bị vắt kiệt sức do phải 'bù đắp' chuyện làm vợ sau mỗi tua chồng về, vì bệnh phụ khoa luôn thường trực.
Đến việc đi khám bệnh cũng khó, vì Uyên không lúc nào có được một đồng trong túi, do mẹ chồng luôn bảo: 'Ăn chung, ở chung, thứ gì cũng có mẹ lo hết, con cần tiền làm chi!'. Con đầu lòng sáu tháng, Uyên xin mẹ chồng cho trở lại công việc ngày xưa: bán quần áo cũ ở chợ để có đồng ra đồng vào. Mẹ chồng không cho, vì con làm vậy người ta sẽ trách ba mẹ không nuôi nổi con dâu.
Vậy là Uyên tiếp tục… ở nhà làm dâu và 'bầu trộm' đứa thứ hai khi đứa lớn vừa giáp thôi nôi. Con chưa kịp sinh thì Uyên phát hiện chồng có… 'ghệ' nhí. Uyên cũng mấy chương khóc lóc đầm đìa, lại thêm mấy hồi vác bụng bầu đánh ghen ầm ĩ mà chẳng ăn thua gì.
Uyên quậy nên chồng và 'ghệ' lặn không sủi tăm, chỉ có mẹ chồng ra mặt 'xử'… ngược lại Uyên, vì cái tội dám làm nhục chồng. Vợ chồng có gì thì đóng cửa bảo nhau, sao lại đánh ghen rần rần, 'xấu chàng hổ ai'? Uyên nói, ghen là đã khùng lên rồi, còn đầu óc đâu nữa mà cân nhắc hơn thiệt. Sao mẹ không rầy con trai mẹ một câu, cứ mắng chửi con? Mẹ chồng nổi tam bành, kết tội Uyên dám cãi tay đôi với mình. Bây có biết chồng mà có bồ nhí là tại… vợ không? Bây làm vợ cách gì mà chồng phải kiếm người khác? Ngọt ngào ở đâu, chiều chuộng ở đâu, chồng gọi vợ thưa ở đâu?… Tại bây hết nên con trai tao mới phải như vậy. Bây không biết lỗi của mình à?
Nghe giáo huấn kiểu đó, Uyên… lăn ra xỉu. Cuối cùng là sinh non hai tuần. Mọi chuyện lúc đó ba mẹ Uyên phải một tay cáng đáng cho con gái. Những ngày Uyên ở cữ, chồng và cha mẹ chồng như không hề hiện diện trên thế gian. Con bi bô tập nói cũng chẳng thấy ai tới lui. Vậy mà Uyên vẫn chờ sự hối lỗi của con người bội bạc đó, tin con cái chính là sợi dây ràng buộc vợ chồng.
Thực tế, niềm tin của Uyên chỉ là ảo tưởng. Người ta đã không trở về, lại còn 'quậy tưng', nhắn tin chửi bới Uyên không thiếu thứ xấu xa nào. 'Đồ đàn bà hư nên chồng mới kiếm người khác'. 'Đồ đàn bà không biết thân biết phận nên mới dám bồng con ra khỏi nhà chồng'. 'Không có tao thì mẹ con mày cạp đất mà ăn'. 'Liệu hồn nếu không về là tao thuê giang hồ đánh gãy chân'. “Mày có biết một ca axít chỉ mấy ngàn không? Cái mạng mày chỉ một ca thôi'…
Hóa ra, chồng Uyên ép về vì 'bồ' đã 'xù'! Nhưng, bát nước đổ rồi làm sao hốt lại? Anh ta xuống nước năn nỉ họa may, đằng này lại chửi bới thì ai nghe? Uyên đã vịn vào mấy câu chửi của anh ấy để đứng lên.
Bước đầu Uyên lấy quần áo về bán. Sau bán đắt nên tìm tận nơi sản xuất mua sỉ về bỏ mối. Mối mang ngày một nhiều hơn, có khi cứ hai ngày là phải đi lấy hàng một lần. Bí quyết kinh doanh của Uyên rất đơn giản: luôn giữ chữ tín. Đã nhận đơn hàng rồi thì khi đi lấy hàng, giá có tăng bất chợt cũng phải chấp nhận lấy về giao cho khách.
Khách đặt trọn lô hàng nhưng khi nhận thì chỉ lấy nửa lô, vẫn vui vẻ giao. Công ty may mặc ấy thấy Uyên giỏi kinh doanh nên mời về làm ở bộ phận marketing. Uyên nhận lời, vì dù sao ngồi văn phòng cũng tốt hơn chạy rông ngoài đường. Nhưng đổi lại là phải xa con suốt tuần. May là có bà ngoại lo nên cũng đỡ. Uyên khoe, 'con' Vision này em mới sắm gần tám tháng nhưng công ty bảo nên thay 'con' SH , marketing là bộ mặt của công ty, phải “sang chảnh” một chút. Em đang cân nhắc.
Còn chồng em?
Chồng à? Sau ly hôn trời lại sáng, chị ơi! Anh ta giờ có cuộc sống của mình, em không quan tâm. Chỉ là em hơi cực vì lấn cấn chuyện con cái nên xử đi xử lại hoài. Anh ta nói thương con, đòi 'bắt' con vì lương anh ta gấp mấy lần lương em. Bà nội tụi nhỏ cũng tuyên bố nhà bà dư sức nuôi cháu. Em trình hết các bằng chứng, từ ngày làm dâu đến ngày sinh non bị chồng bỏ theo người khác; cuối cùng mới được nuôi hai con, anh ta cấp dưỡng.
Tiếng xe của Uyên êm ru trên con đường buổi sáng tấp nập. Uyên đi, để lại lời hẹn hai tuần nữa em về sẽ sang mời chị đến nhà mới của em chơi. Mấy mẹ con đang cất nhà, để không 'sống nhờ' ông bà ngoại nữa, nhỏ xíu thôi nhưng ấm áp. Em sẽ về gần con vì công ty em bên Bình Dương đã đặt văn phòng ở Long An.
Tôi như thấy những tia nắng mai lung linh trong mắt Uyên - người mẹ trẻ vừa bước qua được một khúc quanh gian khó.
Kim An