Có việc làm và thu nhập ổn định, có nhà riêng ở TP.HCM nhưng khi sinh đứa con thứ hai, bà H. nghỉ việc để chăm sóc các con. Khi hôn nhân đổ vỡ, tòa đã quyết định giao quyền nuôi hai con cho chồng bà (một Việt kiều) và chồng bà đã đưa hai con sang Mỹ, cắt đứt liên lạc với bà.
Tháng 1/2009, bà Trần Thị Thanh H. - sinh năm 1978, ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM - và ông Lâm Hải T. - sinh năm 1962, Việt kiều Mỹ - kết hôn. Hai người con của họ đều có quốc tịch Việt Nam và Mỹ, lần lượt sinh năm 2009 và 2014.
Theo bà H., dù đang có công việc với thu nhập rất cao nhưng khi các con chào đời, bà đã nghỉ việc theo đề nghị của chồng. Ông T. là tổng giám đốc một công ty bảo hiểm nhân thọ nên rất bận, thường xuyên vắng nhà. Ông hứa đáp ứng đầy đủ tiền bạc để bà H. yên tâm chăm sóc gia đình.
Bà H. kể, khi bà nghỉ việc chưa được bao lâu thì ông T. liền có biểu hiện coi thường bà. Ban đầu, ông thường xuyên tra xét việc chi tiêu, cằn nhằn và kể công trong từng bữa cơm, sau đó chuyển sang bạo hành vợ. Bà kể: “Nhiều lần, ông T. kiếm chuyện, hất ngược chén cơm mà tôi đang ăn, đánh đập tôi. Các con tôi cũng chứng kiến cảnh cha chúng đánh mẹ. Thỉnh thoảng, ông cũng la mắng, đánh các con”.
Mâu thuẫn ngày càng trầm trọng khi ông T. không chỉ lạnh nhạt, ruồng rẫy vợ mà còn cản trở tình cảm mẹ con, không cho bà H. chăm sóc lúc các con đổ bệnh. Các con về ngoại chơi, chỉ một đốt muỗi cắn, ông cũng lên án cả gia đình vợ, ngăn cấm con về ngoại. Lúc này, bà H. muốn tự khẳng định lại mình nên đã lập công ty, đi làm để có thu nhập. Bà cũng được cha mẹ cho hai căn nhà để cho thuê, mỗi tháng thu 60 triệu đồng.
Đầu năm 2020, ông T. gửi đơn ly hôn, giành quyền nuôi con. Bản án sơ thẩm ngày 29/9/2020 của Tòa án nhân dân (TAND) Q.1 và phúc thẩm ngày 17/5/2021 của TAND TP.HCM tuyên ông T. và bà H. ly hôn; hai con chung do ông T. trực tiếp nuôi dưỡng, không cần bà H. cấp dưỡng. Tòa cũng bác yêu cầu của bà H. được chia 70 tỷ đồng - tức 50% thu nhập chịu thuế của ông T. theo văn bản của Cục Thuế TP.HCM - tính từ thời điểm kết hôn đến tháng 5/2020. Tòa ghi nhận ông T. hỗ trợ bà H. 3 tỷ đồng để bà ổn định cuộc sống.
Ngay sau phiên xử phúc thẩm, ông T. đưa các con ra khách sạn thuê trọ để ngăn cản bà H. gặp mặt, gần gũi các con. Ngày 28/5/2021, ông lặng lẽ đưa hai con xuất cảnh về Mỹ. Từ đó đến nay, ông T. cắt đứt toàn bộ liên lạc với bà H. nên bà không thể gặp được các con.
Bà H. kể: “Tôi gửi nhiều tin nhắn, email nhưng ông T. đều không trả lời. Cha mẹ tôi nhớ các cháu, đổ bệnh. Tôi năn nỉ lắm, ông T. mới gửi cho file ghi âm giọng nói của các con, nhưng nội dung đều là các con không muốn gặp, trò chuyện với mẹ và ông bà ngoại”.
Theo bà H., ngày còn ở Việt Nam, các con luôn bị ông T. đe dọa rằng, nếu không nghe lời ông, chúng sẽ không được đi học, chơi iPad, mất quốc tịch Mỹ… nên các con không dám giữ liên lạc với bà. Nhớ con và lo tình mẫu tử bị chia cắt, mới đây, bà H. đã sang Mỹ tìm các con. Sau nhiều ngày tìm kiếm, liên lạc, năn nỉ, bà H. được ông T. cho gặp con nhưng chỉ trò chuyện được một giờ dưới sự giám sát của người khác.
“Họ bắt chúng tôi phải nói bằng tiếng Anh. Hễ tôi nói “mẹ rất thương con” hoặc tôi hỏi con sống ra sao thì người giám sát lập tức ngắt cuộc trò chuyện, cho rằng nội dung không phù hợp. Con tôi cũng không dám thân thiết với tôi và không mạnh dạn trả lời các câu hỏi” - bà H. kể.
Sau cuộc hôn nhân, bà H. cho rằng, mình trở thành “tay trắng”. Với phán quyết của hai cấp tòa cùng sự ứng xử của chồng cũ, bà đã mất các con. Gửi đơn đến Báo Phụ Nữ TP.HCM, bà bày tỏ hy vọng về quyết định kháng nghị giám đốc thẩm toàn bộ vụ việc của Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại TP.HCM.
Theo đó, quyết định kháng nghị đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử vụ án theo trình tự giám đốc thẩm theo hướng hủy một phần bản án về con chung và chia tài sản chung để xét xử lại từ đầu.
Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin về vụ việc này đến bạn đọc.
|
Bà Trần Thị Thanh H. |
Tòa án hai cấp chưa xem xét đến yếu tố tinh thần
Theo Quyết định kháng nghị ngày 27/1/2022 của Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại TP.HCM, xét thấy, với vị trí việc làm của ông T. thì ông rất bận công việc, thường xuyên phải đi công tác, không đảm bảo thời gian chăm sóc các con. Trong khi đó, bà H. có việc làm, thu nhập ổn định, có nhà riêng tại TP.HCM. Bà H. là người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng các con. Từ khi sinh người con thứ hai, bà H. đã nghỉ việc để dành thời gian chăm sóc các con. Đồng thời, các trẻ đang chuẩn bị bước vào giai đoạn dậy thì, sẽ có nhiều thay đổi về tâm sinh lý nên rất cần sự quan tâm, chăm sóc của người mẹ.
Tuy nhiên, khi giải quyết vấn đề nuôi con chung, tòa án hai cấp chỉ xét đến điều kiện vật chất mà chưa xem xét yếu tố tinh thần cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ. Trong quá trình giải quyết vụ án, tòa chưa thu thập, đánh giá toàn diện các chứng cứ bởi người con thứ hai là con gái, gần đủ bảy tuổi nhưng tòa không tham khảo ý kiến của trẻ để xem xét, cân nhắc. Mặt khác, ông T. và các con có quốc tịch Mỹ, trong khi bà H. có quốc tịch Việt Nam. Việc tòa án hai cấp giao các con cho ông T. trực tiếp nuôi sẽ ảnh hưởng đến việc thăm nom, chăm sóc con chung của bà H. khi ông T. cùng các con sang Mỹ sinh sống.
Quyết định kháng nghị còn nêu việc tranh chấp tài sản sau ly hôn giữa ông T. và bà H. Theo đó, trong quá trình giải quyết vụ án, bà H. đã cung cấp văn bản của Cục Thuế TP.HCM có nội dung xác định tổng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của ông T. từ tháng 1/2009 đến tháng 5/2020 là hơn 138 tỷ đồng và theo xác nhận của công ty nơi ông T. làm việc thì tiền vé máy bay về thăm nhà, tiền thuê nhà, điện nước, chi phí đi lại bằng xe hơi và chi phí đi học của các con tại Việt Nam đều do công ty chi trả.
Cũng theo quyết định kháng nghị, điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định “tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân”. Do đó, tổng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của ông T. từ tháng 1/2009 đến tháng 5/2020 là tài sản chung của ông T. và bà H. trong thời kỳ hôn nhân.
Bà H. yêu cầu chia tài sản chung là thu nhập của ông T. được xác định trong văn bản của Cục Thuế TP.HCM chứ không yêu cầu chia theo văn bản này. Tòa án hai cấp cho rằng, văn bản của Cục Thuế TP.HCM không phải là giấy tờ có giá trị, không phải là tài sản để không chấp nhận yêu cầu chia tài sản chung của bà H., là nhận thức không đúng về đối tượng khởi kiện và áp dụng không đúng pháp luật. Trong quá trình giải quyết vụ án, ông T. không cung cấp được chứng cứ về việc sử dụng số tiền thu nhập trên nên có cơ sở để chấp nhận yêu cầu của bà H. về chia 50% thu nhập của ông T. trong thời kỳ hôn nhân.
Nhiều khả năng hủy hai bản án, xét xử lại từ đầu Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại TP.HCM ra quyết định kháng nghị do kết luận rằng, hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, đồng thời hai cấp tòa có sai lầm trong áp dụng pháp luật dẫn đến ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đã chỉ ra cái sai của hai cấp tòa, mở ra hy vọng cho bà H. Nhiều khả năng, cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm sẽ bị hủy và vụ án được xét xử lại lần nữa sau khi Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM xem xét lại vụ việc và ra quyết định. Theo tôi, với nội dung vụ việc và các căn cứ về nội dung sai của hai bản án thì khả năng vụ án được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm là cao. Tuy nhiên, việc này có lẽ sẽ rất mất thời gian và khó bởi đương sự hiện đang ở nước ngoài. Cùng với đó, việc cắt đứt liên lạc, ngăn cản, không tạo điều kiện cho người mẹ được thăm con của ông T. đã vi phạm điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình. Hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về lĩnh vực an toàn xã hội, an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình. Luật sư Đặng Đức Trí - Giám đốc Hãng luật Roma (TP.HCM) |
Tuyết Dân