Ly hôn xanh: Từ thù ghét đến cởi mở, chia sẻ

26/08/2022 - 05:23

PNO - Ngày ra tòa ly hôn, chị Nguyễn T.X., (SN 1973) ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM, vui mừng vì "được giải thoát" khỏi người chồng gia trưởng, vô tâm.

 

Anh chị làm cùng cơ quan và cùng quê xứ Huế. Cả hai vui vẻ, siêng năng, trách nhiệm với công việc nên đồng nghiệp vun vào. Sau bốn tháng hẹn hò, anh chị kết hôn năm 2008, rồi chung tiền mua một ngôi nhà khá khang trang. 

Thời gian đầu chung sống anh chị rất vui. Sáng sớm, chị dậy nấu ăn cho hai vợ chồng, rồi mang theo cơm ăn trưa.

Cuối tuần, chị làm bánh, nấu chè... Cuộc sống của anh chị êm đềm cho đến khi chị mang thai con đầu lòng. 

Lúc thai kỳ tháng thứ ba, chị bị sốt, đau đầu nên nghỉ làm. Nằm mệt đến khi bụng cồn cào mới dậy, chị đinh ninh sẽ có cháo, nước cam, vì tối qua chị đã dặn chồng mua. Nhưng không có gì cả. Chị nhắn hỏi thì chồng trả lời cụt ngủn "quên rồi".

Anh không một lời hỏi thăm vợ bệnh thế nào, hay ăn uống ra sao, trong khi mỗi lần chồng bệnh, hay nhậu say là chị thuốc men, nấu cháo, chăm sóc anh tận tình. Chị nhận ra: trước giờ chỉ có chị quan tâm, phục vụ cho chồng, còn anh chưa bao giờ chăm sóc chị. 

Ảnh mang tính minh họa - JCOMP
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP

Chị nhớ lại lần chị về trễ nhờ chồng cắm cơm, anh bảo bận. Chị nhờ chồng mua thức ăn sẵn, anh viện cớ "hôm nay ăn cơm nhà đi". Chị nhờ anh chở chị đi khám bệnh, anh nói sợ mùi bệnh viện... Những ngày chị đi làm về, vào bếp tất bật nấu nướng, dọn dẹp, còn chồng thì xem ti vi, bấm điện thoại chơi game. Chị dọn cơm, chồng ngồi vào bàn, ăn xong lại đứng dậy như đi ăn nhà hàng. Anh quan niệm "bếp núc, dọn dẹp nhà cửa là chuyện của đàn bà". 

Chuyện tiền bạc, chị nghĩ tiền là của chung vợ chồng nên chợ búa, chi tiêu trong gia đình chị lo, để chồng lo những chuyện lớn - như chồng nói. Nhưng rồi tất cả đều là chuyện nhỏ - cũng theo lời chồng, nên mọi thứ vẫn là chị chi.

Chị góp ý với chồng, anh sửng cồ: "Tính tôi vậy, sống được thì sống, không thì biến". 

Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz

 

Anh hay gọi vợ bằng mày xưng tao, lớn tiếng đuổi chị ra khỏi nhà (dù là nhà chung) và đòi ly hôn. Có lần anh chửi vợ: "Mày là thứ đàn bà không ra gì. Tao không cưới mày thì mày đã là bà cô già, làm gì có gia đình đẹp đẽ thế này, tao cho mày hai đứa con, mày không biết mang ơn mà còn muốn sai khiến tao, bắt tao nấu ăn, lau nhà…". 

Chị cố duy trì hôn nhân đến khi con trai học lớp Sáu, con gái học lớp Một. Chị tự lập kinh tế, con cái cũng không gắn bó với cha, chị cũng không còn tình cảm hay có ký ức đẹp với chồng nên hai người chia tay nhanh chóng. Căn nhà chung bán chia đôi, còn hai con sống với mẹ. 

Hậu chia tay, chị sớm ổn định cuộc sống, hai con cũng không có biểu hiện xáo trộn. Hai ngày cuối tuần, anh T. đón con về nhà anh. 

Anh T. vẫn nghĩ chị là người hay chấp nhặt, để bụng và không biết điều. Vì vậy, mỗi khi đón con hay trả con về anh đều vội vàng để không chạm mặt vợ cũ. Chị cũng muốn xóa hẳn khỏi tâm trí người chồng vô tâm, vô trách nhiệm, gia trưởng nên tránh mặt. 

Thế nhưng, sau đợt dịch COVID-19 căng thẳng, chị X. về quê, đến thăm cha mẹ chồng cũ và vẫn lễ phép, hiếu hỉ như ngày còn làm dâu. Vài ngày sau, chị nhận được tin nhắn của chồng cũ: "Cảm ơn em đã dành thời gian đến thăm ba mẹ anh". Chị bất ngờ vì thái độ lịch sự, nhã nhặn của chồng cũ nên nhắn lại: "Em vẫn luôn yêu kính ba mẹ". 

Sau hai tin nhắn này, hai người trở nên cởi mở. Khi đưa đón con đã có thể chạm mặt, cười chào nhau, trao đổi chuyện học hành của con. Chị phân vân không biết nên chích vắc-xin ngừa COVID-19 cho con không, anh T. giải thích rất kỹ về nên - không nên, thậm chí anh còn gửi cho chị link các bài báo bàn về việc này.

Có lần con nằm viện vì bị viêm phổi, chị X. nhắn cho chồng cũ vì quá lo lắng, chứ không trông đợi anh vào thăm nuôi. Vậy mà, 30 phút sau, anh T. đã xuất hiện ở bệnh viện và mua cho chị ổ bánh mì. Cầm ổ bánh mì mà chị muốn khóc, chị không khỏi so sánh "nếu ngày sống chung mà anh chỉ cần quan tâm chị thế này thì đâu tới nỗi phải ly hôn".

Tối đó, chồng cũ bảo chị về nghỉ ngơi, để anh ở lại chăm con. 

Sau đó, anh chị nói chuyện với nhau nhiều hơn và thỉnh thoảng anh còn mời ba mẹ con đi ăn tiệm. Cả nhà vừa ăn, vừa nói cười vui vẻ - điều mà ngày trước chị nằm mơ cũng không thấy. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Họ đã ly hôn bốn năm. Trước đây, chuyện học của con hai bên luôn bất đồng ý kiến. Còn bây giờ, anh lắng nghe khi vợ cũ thông báo việc học hành của con và đưa ra nhiều ý kiến, chứ không áp đặt, chỉ trích như ngày trước". 

Vui nhất là hai đứa con, chúng không còn phải chứng kiến cảnh ba mẹ gây gổ.  Cả nhà còn đi du lịch cùng nhau. 

Chị X. chia sẻ: “Tôi nghĩ, ly hôn không phải là chấm hết và càng không phải là cắt đứt mọi mối quan hệ, nhất là ông bà ngoại, ông bà nội của các con. Tôn trọng nhau và tôn trọng gia đình của nhau là nền tảng giúp chúng tôi trở thành bạn bè tốt sau ly hôn". 

Thùy Dương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI