Mẹ vẫn thường động viên mỗi khi tôi gọi điện than phiền mệt mỏi về cuộc sống hôn nhân, những sự gò bó, vất vả và bao công việc không tên. Mẹ bảo tôi cố gắng lên, bởi đó là thiên chức của người đàn bà. Tôi tuy dạ vâng cho mẹ yên tâm, nhưng trong lòng vẫn luôn tự hỏi: “Thiên chức là cái gì, có mài ra để ăn được không?”.
Nếu nó chẳng là cái gì cụ thể, không mang lại một ích lợi nào cả. Thì sao tôi suốt ngày phải vì hai chữ ấy mà gồng mình gánh trăm hòn đá trên vai? Sao tôi phải vất vả ngược xuôi để lo cho gia đình, chăm sóc hai con nhỏ, còn phải chiều chuộng chồng, không được quên đối nội đối ngoại cho tốt và nhất là chẳng mấy khi được ra ngoài tung tẩy như những ngày xưa?
Ảnh minh họa.
|
Không ít lần tôi đã gào lên với chồng rằng tôi thực sự muốn thay đổi. Nhưng anh chỉ ậm ừ dù thậm chí chẳng rõ sự thay đổi nó có hình dáng ra sao.
Anh vẫn thế, vẫn là một người chồng vô tâm chẳng bao giờ hiểu nổi tôi nghĩ gì, muốn gì. Anh vẫn sáng cắp túi đi, tối mịt mới về. Tuần nào cũng 2-3 tối đi nhậu bí tỉ.
Tôi tan làm ra lại tất tả rước hai đứa con, về nhà là lao vào bếp nấu cơm, rồi dọn dẹp, rồi chỉ con học bài... Đến khi đặt lưng xuống người đã mỏi nhừ. Vậy mà, nhiều đêm lại chẳng thể ngủ, chập chờn với cái điện thoại để cạnh gối, chỉ bởi chồng giờ này còn lang thang ở quán xá. Tôi chán nản với anh và cái gia đình này lên tới óc!
Thế rồi một tối, anh đi nhậu rồi không về. Tôi đợi suốt đêm. Điện thoại không liên lạc được. 6h sáng anh vác cái thân nồng nặc mùi bia rượu lẫn nước hoa về nhà. Anh nằm vật ra giường ngủ ngáy váng trời. Tôi đứng nhìn. Bình thường tôi sẽ gào thét. Nhưng hôm nay, bỗng dưng, tôi chẳng còn chút hào hứng gì. Tôi như con diều đứt dây, hết mức chịu đựng, tôi đưa hai con đi học xong vòng về nhà viết giấy ly hôn. Tôi khao khát tự do, khao khát thoát khỏi cái thiên chức đàn bà và trở về là chính tôi.
“Anh cứ giữ con mà nuôi, không cần phân chia tài sản. Em sẽ đi, anh chỉ cần đưa em 300 triệu thôi!”, tôi lạnh lùng bảo với chồng. Chồng tôi giây phút đầu có ngạc nhiên, nhưng trước thái độ của tôi, anh cũng ậm ờ đồng ý: “Được, thứ 2 anh sẽ chuyển khoản cho em!”.
Tôi chỉ mất vài phút hẫng hụt vì thái độ nhanh gọn của chồng. Còn ngay sau đó, tôi đã vô cùng hào hứng với ý nghĩ sẽ được hoàn toàn thư giãn, thoải mái tận hưởng cuộc sống của riêng mình.
Ngày đầu tiên sau khi đưa ra đề nghị mang tính cách mạng ấy, là thứ Bảy, tôi mặc sức rong chơi từ sáng đến tối, hết đi café, mua sắm rồi lại hẹn lũ bạn nhậu nhẹt rất vui vẻ.
Nhưng đêm về, nằm một mình trong khách sạn, tôi lại thấy cô đơn và chênh vênh đến lạ. Tôi bỗng thèm cảm giác quay bên trái là con, bên phải là chồng. Tôi thèm được ôm ấp, hít hà cái mùi nồng ấm của hai bố con mà ngủ một giấc đến sáng. Tôi bỗng nhớ vô cùng những tiếng cười rộn rã khi cả nhà chơi đùa với nhau dưới ánh đèn vàng dịu của căn phòng ngủ, nhớ những câu nói đùa của chồng trong bữa cơm khi vợ nấu dở mà còn chẳng dám chê…
Cứ nằm suy nghĩ mông lung, nước mắt ướt gối, tôi chẳng thể ngủ được. Nhưng rồi tôi nghĩ, sự lựa chọn nào ban đầu cũng khó khăn. Quan trọng là tôi phải cố gắng vượt qua mới được. Tôi cố nghĩ về tương lai sáng lạn của mình. Và tôi tìm đến một chị bạn thân đang có nick facebook bật sáng để tâm sự cho khuây khỏa.
Ảnh minh họa.
|
Nhưng đắng cay thay, khi tôi vừa kể về chuyện của mình, chị lại dội cho tôi một gáo nước lạnh vào đầu: “Em có bị làm sao không thế? Em đã tưởng tượng cuộc sống về già ở trong phòng trọ thê thảm, nghèo kiết xác, lâu lâu mới tìm được đến căn nhà ba tầng khang trang của mình để thăm con chưa?”. Quả thật là chị khiến tôi hơi rùng mình về viễn cảnh đen tối ấy.
Chị còn bảo với tôi, rằng chỉ cần ly hôn rồi thì chồng tôi sẽ rất nhanh chóng tìm được một cô vợ khác. Cô vợ mới ấy sẽ sống trong nhà của tôi, là dì ghẻ của con tôi, có thể sẽ đối xử rất tệ bạc với con tôi. Còn người chồng vốn đầu kề gối ấp, rất tử tế của tôi thì cô ta sẽ mặc sức “xài”, sai khiến. Tôi nghe lời chị mà cảm giác tim gan mình như có ai vừa đâm kim vào, nhói đau. Nhưng chị nói đúng quá, đó là những điều mà tôi chưa từng nghĩ tới.
Tôi tỉnh ra. Sáng hôm sau vội vàng về nhà, tôi ngồi đối diện với chồng và lật ngược đề nghị của mình: “Em nghĩ lại rồi. Con là do em đẻ ra, nhà này cũng là em góp công xây dựng vào. Nên bây giờ em muốn hai mẹ con sống ở đây. Mình vẫn ly hôn, nhưng anh nhận 300 triệu rồi ra khỏi nhà!”. Chồng tôi lúc này mới thực là há hốc miệng, quyết tâm không đồng ý.
Sau cùng, anh còn đùa: “Thôi cứ sống chung với nhau, để khoảng dăm chục năm nữa rồi tính tiếp!”. Thì ra anh dù không để ý đến những tiểu tiết nhưng lại rất hiểu tính tình trẻ con, bốc đồng của tôi. Anh biết, tôi kiểu gì rồi cũng lại quay về. Và anh đồng ý ly hôn, chỉ vì muốn cho tôi một khoảng thời gian để ngẫm ra mọi điều.
Cuối cùng, hai vợ chồng tôi đành chấp nhận tiếp tục sống cùng nhau, bên cạnh đứa con và những tài sản chung. Nói là chấp nhận vậy thôi, nhưng dần dần tôi nhận ra mọi chuyện đang dần cải thiện theo chiều hướng tốt lên. Bởi tôi đã không còn hoài nhớ quá nhiều về quá khứ, biết trân trọng những giây phút tưởng như rất khổ cực, gò bó nhưng lại mang nét bình yên và hạnh phúc ở hiện tại.
Có lẽ, ở ngoài kia vẫn còn vô số những người đàn bà giống như tôi. Đôi lúc vẫn khao khát tự do và mang nỗi mong nhớ khôn nguôi về ngày xưa đến cháy bỏng, nhưng rồi vì trái tim quá yếu mềm, mong manh và tình cảm nên rốt cuộc vẫn giành lấy sự thiệt thòi cho mình. Là chịu mệt một chút, hi sinh một chút, nhưng chỉ cần quanh quẩn ở bên có sự hiện hữu của chồng, của con, của những người thương yêu là đã cảm thấy đủ đầy lắm rồi.
Cát Tường