Để trị “tâm bệnh”, Hai Tâm nhậu hết sáu ngày, hòng trút bầu tâm sự với chiến hữu. Câu chuyện của Hai Tâm như thước phim chiếu chậm từng cảnh bi hài. Hai Tâm vốn mồ côi cha từ bé, nhà đông con nên phải ra đời sớm phụ mẹ kiếm tiền nuôi các em. Anh Hai Tâm gặp chị Hai Phượng trong hoàn cảnh anh bồi bàn gặp cô phụ bếp khi cùng làm cho một nhà hàng nho nhỏ tại Sài Gòn.
|
Ảnh minh họa |
Qua tiếp xúc, Hai Tâm biết Hai Phượng đến từ mảnh đất miền Trung khô cằn sỏi đá, mồ côi mẹ từ lúc lên mười, đồng cảnh ngộ nên Hai Tâm lân la làm quen để rồi sau đó không lâu, anh ngỏ lời yêu chị. Cái gật đầu của Hai Phượng đã giúp Hai Tâm “rước tình về với quê hương” miền Tây nên duyên vợ chồng.
Vốn có nghề phụ hồ, lại sáng ý, chịu khó nên Hai Tâm nhanh chóng trở thành ông chủ thầu nho nhỏ ở miền quê, còn Hai Phượng thì nội trợ, chăm con và lo hai công vườn. Bạn bè ai cũng ngưỡng mộ vợ chồng anh.
Gặp lúc cao hứng với bạn bè, anh hay khoe: “Với tao, vợ luôn là số một. Kiếm được bao nhiêu tiền tao đưa vợ giữ hết cho khỏe. Cần thì xin vợ chi, bởi đàn ông không khéo và cũng không nên giữ tiền”. Trong đám bạn bè của Hai Tâm có Trí Sún - nghe xong thì cười nham nhở: “Có ngày mày hối hận đó Tâm ơi!”.
Chị Hai Phượng theo nhận xét nhiều người thì chịu khó nổi bật, còn ki bo thì nổi tiếng. Tiền đã vào túi chị thì khó mà chạy ra. Nhiều năm gần đây, vợ siết chặt thu - chi nên Hai Tâm bắt đầu thấy khó chịu. Mỗi sáng đi làm vợ phát 50.000 đồng, với thái độ của “gấu mẹ”: “Ăn sáng 20.000 đồng, cà phê 15.000 đồng, thuốc lá hai điếu là đủ”. Hai Tâm hỏi vặn: “Vậy tiền uống cà phê với bạn bè thì sao?”. Chị Phượng đốp nhanh như… bắn súng: “Anh là sếp thì nếu uống cà phê có lính tráng lo”.
Nghe xong Hai Tâm cũng bực mình nhưng không cãi lại. Rồi anh tự an ủi: vợ ki bo nhưng lo gia đình cũng hơn khối thằng. Và bởi nhịn vợ nên sáng nào đi làm dù được mời gọi, nhưng Hai Tâm vẫn chạy như bay không dám dừng lại uống cà phê với bạn bè. Còn tiền chủ nhà đưa để trả lương cho thợ thì chị Phượng quản lý, chi trả, và cách hành xử ki bo của chị Phượng có khuynh hướng gia tăng tiêu cực, cho đến một hôm…
Đôi dép đi làm bị đứt, Hai Tâm xin tiền mua thì chị Phượng gắt: “Chưa đứt lìa mà mua mới làm chi!”. Câu trả lời của vợ như mở van ức chế trong lòng Hai Tâm. Anh rút dép dưới chân ném về phía vợ thì chị Phượng né kịp. Điên tiết, Hai Tâm xông đến táng vợ một bạt tai rồi chửi: “Bà là đứa “Trùm Sò”, chiếc dép giá trị bao nhiêu? Mua dép tui mang đi làm chứ có phải đi chơi?”.
Cú ném dép hụt và cái tát của Hai Tâm khiến hai vợ chồng “chiến tranh lạnh” suốt một tháng trời. Sau đó, họ quyết định ly hôn. Ngặt nỗi phần tài sản chung của hai vợ chồng vẫn chưa thỏa thuận được, trong khi đó vợ chồng thống nhất để con gái ở với mẹ, Hai Tâm cấp dưỡng.
Hoàng Triều
Chia tài sản khi ly hôn thế nào?
Nhiều chị vợ vẫn tư duy “quản lý két sắt gia đình” tốt đến mức thành bủn xỉn mà không nghĩ đến sự cực khổ, các mối quan hệ công việc của chồng, thì đúng là không hợp lý mà cũng chẳng hợp tình. Ở chiều ngược lại, nếu anh chồng chẳng may lấy cô vợ ki bo mà tuyệt đối giao “đối tác” tay hòm chìa khóa, thì công việc đối ngoại sẽ khó trăm đường.
Trong quan hệ hôn nhân rất cần thái độ tôn trọng, công khai, minh bạch giữa hai vợ chồng, chứ không phải ai giữ chìa khóa tài chính gia đình thì đương nhiên sẽ giữ chìa khóa hạnh phúc. Vợ chồng không đồng lòng, thống nhất với nhau trong vấn đề chi tiêu, hưởng thụ vật chất, quản lý tiền bạc hay giao tế họ hàng, bạn bè, cộng đồng xã hội… trong thời gian dài dễ sinh ra những ức chế ngấm ngầm và hao mòn tình cảm, không cảm nhận được hạnh phúc.
Thái độ trước đồng tiền phản ánh phần nào thái độ với cuộc sống, cũng như cách mà mình hiểu bạn đời. Nếu không kịp thời lắng nghe, điều chỉnh, có thể đưa đến những kết cục đáng tiếc trong bối cảnh “giọt nước tràn ly”, mà câu chuyện người chồng bị đứt dép ở phần trên là một ví dụ.
Khi ly hôn, nếu vợ chồng không thỏa thuận được vấn đề chia tài sản chung, thì một trong hai vợ chồng hoặc cả hai vợ chồng có quyền yêu cầu tòa án phân chia. Về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn, tại Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 nêu: “Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố: hoàn cảnh của gia đình của vợ, chồng; công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của luật này. Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác”.
Thạc sĩ - luật sư TRẦN HOÀI NHÂN (Đoàn Luật sư TP.HCM)
|