Ly hôn văn minh - chuyện không dễ dàng

12/05/2023 - 06:31

PNO - Cha mẹ ly hôn là vết thương khó lành với những đứa trẻ. Nỗi đau đó có thể theo con cái suốt cuộc đời, nếu cha mẹ không biết cách xoa dịu.

Trong xã hội hiện nay, ly hôn không còn là chuyện hiếm. Nếu không thể đi chung đường, cả hai nên buông tay để sống một cuộc đời mới, không còn những đau khổ dằn vặt của một cuộc hôn nhân “đồng sàng dị mộng”. Đối với những cặp vợ chồng không có con chung, ly hôn chỉ là chuyện của hai người. Nhưng nếu giữa họ còn những đứa trẻ, chuyện ly hôn không hề đơn giản.

Ứng xử ra sao sau ly hôn? Làm thế nào để cùng “người cũ” nuôi dạy con cái, để lũ trẻ không cảm thấy bị bỏ rơi, nhưng lại không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của đôi bên... là câu chuyện khiến nhiều ông bố, bà mẹ đau đầu. Cuốn sách Chân dung của ly hôn của tác giả Chu Hồng Vân là những mảnh ghép đa sắc về cuộc sống hậu ly hôn của những người đã làm cha mẹ.

Sách Chân dung của ly hôn của tác giả Chu Hồng Vân. Ảnh: N.N

Sách "Chân dung của ly hôn" của tác giả Chu Hồng Vân. Ảnh: N.N

Không đi sâu tìm hiểu nguyên nhân của sự đổ vỡ, cũng không khuyên nhủ những cặp vợ chồng đã hết tình cảm gắng gượng sống bên nhau, để con cái có một gia đình hoàn chỉnh, có đủ cả bố lẫn mẹ. Tác giả chỉ đi sâu vào phân tích chuyện “cư xử với người cũ ra sao hậu ly hôn”. Những câu chuyện hậu ly hôn đó được kể từ nhiều góc nhìn khác nhau.

Đó là cái nhìn đầy khắc khoải của người mẹ hối hận vì đã đặt lòng tin nhầm chỗ, gắn bó cả đời với người đàn ông vũ phu, hay cái nhìn đầy yêu thương của một người cha, dù sống trong cảnh “gà trống nuôi con” vẫn đầy lạc quan để mang đến cho hai con tuổi thơ đầy ắp tiếng cười.

Ở đó còn có những tâm sự của các giáo viên, các chuyên gia tâm lý, và một số thẩm phán chuyên xét xử những vụ ly hôn. Họ đau đáu trước những ánh mắt ngây thơ, đầy sợ hãi của những đứa trẻ cùng cha mẹ đến tòa án. Chúng hoang mang khi được hỏi muốn ở với bố hay với mẹ? Thực lòng, con trẻ chỉ muốn có một gia đình chọn vẹn, chỉ tiếc là cuộc đời luôn có những biến số đáng buồn.

Có lẽ, câu chuyện được kể từ những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn khiến độc giả xúc động hơn cả. Đang sống trong một gia đình hạnh phúc, vài tháng trước còn cùng ba mẹ đi chơi, cả nhà cùng đón sinh nhật, vậy mà giờ đây gia đình bị chẻ đôi, khiến bọn trẻ cảm thấy sợ hãi, thậm chí là hoảng loạn.

Những cuộc cãi vã của người lớn, những lần bố nóng giận và hành hung mẹ... đã tạo nên những vết thương khó lành trong tâm hồn của những đứa trẻ. Từ khi hôn nhân của cha mẹ xuất hiện rạn nứt, những đứa con đã mường tượng được có chuyện chẳng lành. Chỉ có điều, khi người lớn chưa đưa ra quyết định, con trẻ vẫn nuôi hy vọng hàn gắn gia đình.

Khi có một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, một số bậc phụ huynh chỉ chú ý đến vấn đề của mình, mà quên mất việc chuẩn bị tâm lý cho con cái. Nếu quyết định ly hôn, cha mẹ nên thỏa thuận trước về việc nuôi dạy con cái. Ai sẽ là người nuôi con, người còn lại chu cấp, thăm nom sao cho hợp lý... bởi một gia đình có thể tan vỡ, nhưng những đứa trẻ vẫn phải lớn lên.

Đừng để con trẻ nhìn thấy ba mẹ cãi nhau tại tòa, xem ai sẽ là người nuôi chúng. Với một đứa trẻ, còn gì đau lòng hơn khi thấy cha mẹ xem mình như quả bóng, trách nhiệm nuôi dưỡng bị hai bên nhường qua, đẩy lại.

Vì những đau khổ mà đối phương đem lại trong quá trình chung sống, có những bậc cha mẹ cực đoan tới mức xem con cái là công cụ để trả thù người cũ. Thật đau lòng khi có những đứa trẻ bị bố ngăn cấm gặp mẹ sau ly hôn hoặc ngược lại.

Dù sống trong một gia đình tan vỡ, con trẻ vẫn có thể hạnh phúc, nếu người chăm sóc chúng vui vẻ, lạc quan mỗi ngày. Để xoa dịu nỗi đau của con cái sau đổ vỡ của cha mẹ, trước tiên bản thân những ông bố, bà mẹ phải lấy được sự cân bằng. Đừng sống trong tâm thế của kẻ thất bại, hãy coi đổ vỡ trong hôn nhân chỉ là một rủi ro như nhiều chuyện không may chúng ta vẫn gặp trong đời sống.

Trước mặt con cái, đừng chỉ trích người cũ hay gia đình bên nội, bên ngoại của con. Với bạn, chồng cũ, vợ cũ và người thân của họ, giờ chỉ như người quen, nhưng với con cái, đó vẫn là cha, là mẹ, là gia đình bên nội, bên ngoại. Hãy đặt mình vào vị trí của con để và học cách tha thứ cho những chuyện đã qua.

Tâm lý của bố mẹ sau ly hôn ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và khả năng đối diện của con các trước biến cố gia đình tan vỡ. Nhiều bậc cha mẹ luôn căng thẳng, cãi vã sau ly hôn, khiến con cái cảm thấy nặng nề, khủng hoảng tâm lý, thậm chí rơi vào trầm cảm. Ngược lại, nếu bạn đối xử hòa nhã với người cũ, có thể giữ mối quan hệ bạn bè để cùng chăm sóc con cái, những đứa trẻ sẽ dễ dàng lấy lại được sự cân bằng.

Đọc cuốn Chân dung của ly hôn của tác giả Chu Hồng Vân, người đọc nhận ra rằng, ly hôn không phải là dấu chấm hết cho một mối quan hệ. Vì những đứa con, cha mẹ chúng có thể đồng hành theo một cách khác để cùng con trưởng thành, nếu biết khoan dung và tha thứ cho nhau, hạnh phúc vẫn lấp lánh phía trước.

                                                                             Mai Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI