Diễn đàn: Hôn nhân “mắc kẹt” - đâu là lối thoát?

Ly hôn sau mười mấy năm nuôi... giang hồ

13/09/2024 - 18:12

PNO - Chị cũng không đếm được bao nhiêu lần chồng trộm tiền của chị, lén lấy vàng cưới đi cầm. Chị cố tìm cách, hết ngọt nhạt tỉ tê đến làm căng, gây áp lực mong anh nói thật, nhưng đều vô vọng.

Hôn nhân bế tắc là thực trạng khá phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay. Hay nói cách khác, nhiều cặp vợ chồng đang “mắc kẹt” trong hôn nhân ở nhiều mức độ, tính chất riêng. Chất lượng hôn nhân xấu không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của vợ chồng mà cả con cái.

Báo Phụ nữ TPHCM mở diễn đàn Hôn nhân “mắc kẹt” - đâu là lối thoát? nhằm chia sẻ đến bạn đọc những bài viết của người trong cuộc, qua trải nghiệm, mỗi người có cái nhìn, cách xử lý để tìm lối ra cho hôn nhân, cho cuộc đời mình.

Bài viết cho diễn đàn xin bạn đọc gửi đến email: toasoan@baophunu.org.vn.

Ba đột ngột ngã bệnh, chị K.L. (quận 7, TPHCM) xin công ty cho đem laptop vào bệnh viện, vừa làm việc online vừa nuôi ba. Đang lúc dầu sôi lửa bỏng, con trai chị học lớp Bốn, gọi điện thoại khóc: “Mẹ ơi, có mấy chú tới nhà tìm ba. Mấy chú nhìn dữ tợn lắm, đập cửa rầm rầm, chửi tục om sòm. Con sợ lắm, mẹ gần về chưa?”.

Từ giã "tên trộm" chung giường

Bấn loạn tinh thần song chị cố trấn tĩnh, không để ba biết chuyện. Chị K.L. không nhớ nổi bao nhiêu lần chồng mình âm thầm gây nợ khiến người ta tìm tới nhà đòi hoặc gây áp lực cho chị qua điện thoại. Chủ nợ có thể là ngân hàng, là hàng xóm, là bà con, là khách mua đặc sản Tây Bắc do chồng bán và cả “giang hồ” - như trường hợp này.

Chị cũng không đếm được bao nhiêu lần chồng trộm tiền của chị, lén lấy vàng cưới đi cầm. “Tôi từng mất tiền, mất vàng, nhưng nào có ai lấy của tôi ngoài “tên trộm” chung giường” - chị cay đắng nói.

Chiều mát, mẹ con chị K.L. thường cùng nhau dạo chơi, tập thể thao, đi nhà sách, cà phê thư giãn, tận hưởng cuộc sống bình yên - ẢNH: NGỌC DUNG
Chiều mát, mẹ con chị K.L. thường cùng nhau dạo chơi, tập thể thao, đi nhà sách, cà phê thư giãn, tận hưởng cuộc sống bình yên - Ảnh: Ngọc Dung

Trước đây, chồng chị K.L. cũng có việc làm ổn định, nhưng lại đột ngột xin nghỉ để lãnh tiền bảo hiểm xã hội “một cục” vào năm 2018. Cú sốc lớn như giọt nước tràn ly khiến chị viết đơn ly hôn. Nhưng rồi chị lưỡng lự khi 2 con còn quá nhỏ, con trai lại èo uột. Rồi khi chồng xuống nước năn nỉ, vô bếp nấu cơm, dạy con học hành thì ý định ly hôn của chị tan biến.

Rồi khi nhìn cọc tiền mặt mệnh giá 500.000 đồng rút từ bảo hiểm xã hội nhanh chóng bay biến trong tay chồng, trong khi các con không hề được anh mua cho cục kẹo, cái bánh hay đôi dép, lòng chị dâng trào cảm giác uất hận người chồng đổ đốn, vô trách nhiệm. Chị không biết vì sao anh mang nợ. Chị cố tìm cách, hết ngọt nhạt tỉ tê đến làm căng, gây áp lực mong anh nói thật, nhưng đều vô vọng.

Rồi chồng cố tình dọn ra ngủ riêng, để mặc chị bị vây hãm bởi những câu hỏi: chồng có bồ, chồng làm việc mờ ám, chồng đồng tính? Hương lửa đã nhạt, nợ bao tứ phía, chị căng thẳng, hoang mang tột độ.

Sau đợt chồng chị liên tiếp gặp xui rủi: gây tai nạn phải đền tiền cho nạn nhân, bị máy ATM nuốt thẻ ngân hàng, bị mất xe máy... chồng chị vọt về quê ở ẩn, bỏ số điện thoại. Thì ra tất cả chỉ là kịch bản do anh dựng lên để lừa tiền vợ. Họa vô đơn chí, ba chị bệnh nặng, chồng thì mất dạng. Khoảng trống đáng sợ ấy khiến chị bật khóc trong nhà vệ sinh bệnh viện. Chị nhận ra: kéo dài cuộc hôn nhân này chỉ là gia hạn cho bi kịch gia đình.

Chủ động đón bắt hạnh phúc khi độc thân lần nữa

Chị quyết định ly hôn và chua chát nói với anh: “Em xin lỗi, em bất tài vô dụng, không nuôi nổi... đám giang hồ của anh”.

Chị tuyên bố với những chủ nợ rằng, căn nhà đang ở là tài sản riêng có trước hôn nhân của chị, chị quyết giữ nó để 3 mẹ con có chỗ tránh mưa tránh nắng. Đừng ai nhìn vào cái nhà để hy vọng xiết nợ.

Biến cố ly hôn là hồi chuông báo hiệu cho chồng chị thức tỉnh. Nửa năm sau khi chia tay, anh bắt đầu xin việc làm, đỡ ngông nghênh tự phụ, giảm nói chuyện viển vông và mơ tưởng những món tiền trên trời rơi xuống. Anh chị tôn trọng nhau, giữ văn hóa ly hôn, luôn thăm gặp nhau trong các dịp giỗ, tết.

Lúc nào về thăm nhà, 3 mẹ con chị cũng mang về một giỏ đầy trái cây, rau vườn do anh chuẩn bị. Đặc biệt, chị không kể hết những điều anh đã gây ra cho chị và gia đình để các con còn lưu giữ hình ảnh đẹp về ba.

Độc thân lần nữa, chị dành nhiều thời gian và tiền bạc để chăm chút bản thân. Chị học thêm bậc đại học chuyên ngành yêu thích từ hồi trẻ và bổ ích cho công việc hiện tại. Trong mắt con, chị không còn là người mẹ u sầu, gắt gỏng, có thể nổi điên bất cứ lúc nào.

Thay vào đó là một người mẹ bình an, vui vẻ. Kiến thức và kỹ năng học được ở các lớp phát triển bản thân, tư duy tích cực giúp chị bỏ lại những ám ảnh quá khứ và giữ văn hóa ly hôn với chồng. Có lúc con nói: “Nếu biết ly hôn xong khỏe như vậy, mẹ có giải quyết sớm không?”. Chị chỉ mỉm cười, nhìn con không nói.

Trong mắt con chị không còn là người mẹ u sầu, gắt gỏng (Ảnh minh họa)
Trong mắt con chị không còn là người mẹ u sầu, gắt gỏng (Ảnh minh họa)

Ly hôn là chuyện chẳng đặng đừng, nhưng nhờ ly hôn mà chị hé mở được cánh cửa tương lai cho cả 4 người. Không còn chồng nhưng chị có thêm một người bạn, một người anh cùng quan tâm giáo dục các con.

Chị K.L. chia sẻ: “Điều tôi tâm đắc nhất sau khi mạnh dạn chia tay chồng là các con tôi không phải ngày ngày sống trong cảnh bị đòi nợ - hoang mang, sợ hãi, ra đường không dám ngẩng mặt nhìn ai. Con đỡ bị ảnh hưởng bởi tấm gương xấu của ba. Con cũng nhìn thấy mẹ chúng là người phụ nữ dám thay đổi, dám chủ động tìm sự bình yên và an toàn cho cuộc đời mình”.

Tô Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI