​Ly hôn rồi mà không yên với bên nội

08/10/2019 - 11:30

PNO - Làm mẹ đơn thân, chị xác định sẽ làm hết sức vì con. Nếu kết hôn lần nữa, chị phải đặt lợi ích con gái chị lên đầu tiên mà cân nhắc. Đâu như chồng cũ của chị, bỏ con rồi giở giọng lo lắng.

Sau 8 năm sống chung, anh chị đồng tình ly hôn vì tính cách không hợp nhau. Không hợp nhau là nói cho văn vẻ bớt xấu hổ thôi, thật ra là anh có người khác bên ngoài, đi sớm về trễ bỏ con cái gia đình một mình chị lo liệu.

Ly hôn, cuộc sống của mẹ con chị thoải mái và vui vẻ hơn vì không bị “dằn mâm xáng chén” hay nơm nớp chờ đợi mỗi chiều.

Một tuần anh thăm con một lần, có tuần không đến, con gái không hỏi, chị cũng không giải thích. Khi con còn nhỏ, có thể chị lấp liếm bào chữa cho bố nó, nhưng giờ con đã lên 8, đã bắt đầu hiểu cuộc sống xung quanh, con sẽ thế nào khi biết chị nói dối. 

​Ly hon roi ma khong yen voi ben noi
Cuộc sống của mẹ con chị thoải mái và vui vẻ hơn vì không bị “dằn mâm xáng chén” hay nơm nớp chờ đợi mỗi chiều. Ảnh minh họa

Bố thờ ơ như từ khi sống chung, chị không trách móc hay nuối tiếc, nhưng con gái được bên nội quan tâm, cuối tuần đón về chơi, chị cũng thấy được an ủi. Ít ra con gái cũng không cảm thấy quá thiếu hụt tình cảm.

Từ nhà nội về, con gái thừ người trước hộp lego mới, nói là cô Ba cho. Con gái nhăn nhó, mẹ biết không, hổm rày cô Ba cô Út với bà nội hay hỏi này kia kỳ cục lắm.

Không đợi chị hỏi, con gái để hộp lego sang bên kể luôn: "Ban đầu bà nội hỏi, mẹ có nấu cơm cho con ăn không, con nói có nấu thường xuyên nhưng lâu lâu mẹ cho đi ăn ngoài, bà nội hỏi đi ăn ngoài ở đâu, đi với ai. Con nói có hai mẹ con thôi, nhưng bữa đó trời mưa mẹ đi nhờ xe chú Chính.

Rồi cô Ba, cô Út cứ hỏi chú Chính là ai. Con nói chú là hàng xóm chạy xe taxi, bữa đó chú chở con chú đi học thêm, sẵn cho mẹ con mình đi ké. Bà nội hỏi nhà chú Chính đó ở đâu, chú có tới nhà mình chơi không, có điện thoại nói chuyện với mẹ không. Cô Út còn bày con mở điện thoại mẹ xem có tin nhắn​ của chú Chính không. Cô Ba nói, con sắp có ba mới, mẹ ơi chú Chính có em Na, có cô sao chú lại làm ba mới của con?"

​Ly hon roi ma khong yen voi ben noi
Đi hỏi già về nhà hỏi trẻ... Ảnh minh họa

Đi hỏi già về nhà hỏi trẻ, một đứa trẻ 8 tuổi dù có khôn ranh cỡ nào cũng không thể dựng lên hết những chuyện như vậy. Hỏi ra mới biết nguyên ngày thứ Bảy, con gái chỉ loanh quanh trong nhà nội với hộp lego và để trả lời những câu "hỏi cung" của bà nội và hai cô. Sau đó họ còn bơm vào đầu óc con bé những ý nghĩ hoang đường.

Chị gọi cho anh nói chuyện, trái với suy nghĩ của chị, anh ta cười lạnh: "Chẳng nhẽ không có, là mẹ tôi và em tôi ăn không nói có hay sao?". Chị điên tiết: "Đừng nghĩ ai cũng giống anh, tham lam cơi nới. Mà giờ tôi là người tự do, tôi đi đứng nằm ngồi với ai là quyền của tôi. Anh về nói mẹ và đám em anh bớt vô duyên vô dáng đi. Và báo luôn với anh, từ giờ tôi sẽ không cho con tôi sang nhà đó nữa!"

Chị cúp máy, anh ta gọi lại vài lần nhưng chị không nghe. Anh ta nhắn tin: "Là mẹ lo lắng cháu nội bị cảnh cha dượng con riêng, giờ có biết bao vụ cha dượng hại đời con riêng đó thôi! Cô có lấy chồng cũng phải đề phòng cái nhà đang ở..."

Chị phì cười không thèm trả lời. Lúc ly hôn, tài sản được chia, chị vay mượn thêm anh em mua được căn nhà nhỏ trong hẻm, sau mấy lần sốt đất, căn nhà giờ cũng tạm gọi có giá. Hẳn đánh hơi được điều này, nhà nội cũ sợ chị sẽ "hớ hênh" làm mất tài sản của cháu nội họ.

​Ly hon roi ma khong yen voi ben noi
Họ hàng là quan trọng, tình cảm là quý nhưng thà không có còn hơn là có những tình cảm toan tính nhỏ nhen. Ảnh minh họa

Làm mẹ đơn thân, chị vẫn biết mình không phải là người mẹ tốt, nhưng chị xác định sẽ làm hết sức có thể vì con. Nếu có lấy chồng, chị phải đặt lợi ích con gái chị lên đầu tiên mà cân nhắc. Đâu như người con gái chị gọi là bố, vì ích kỷ mà bỏ bê con, bây giờ lại giở giọng lo lắng.

Giục con gái đi tắm, chị sắp xếp những chuyện cần nói, lát nữa sẽ nói chuyện với con. Họ hàng là quan trọng, tình cảm là quý nhưng thà không có còn hơn là có những tình cảm toan tính nhỏ nhen.

Ngọc Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI