- Hu… hu… chị ơi, mở cửa đi chị… chị cứu em với… đưa giùm em ra bác sĩ đi chị? Em chóng mặt và mắc ói quá!
Tiếng cô hàng xóm trẻ vừa gọi cổng, tôi bước ra nhìn khuôn mặt bầm tím và một bên mắt sưng vù là biết ngay sự việc. Vì tôi cũng đã từng trải qua nhưng tháng ngày như vậy.
Tôi lấy xe, không kịp mang cả dép, đỡ cô lên xe, tôi xiết ga vì biết có thể muộn chục phút là ảnh hưởng cả đời người.
|
Chúng tôi hay gây nhau vì tiền. Ảnh minh họa |
Tôi muộn duyên nhưng đường công danh thăng tiến lắm. Mới bốn năm làm việc mà đã thành kế toán trưởng của một doanh nghiệp hàng tiêu dùng với chuỗi cửa hàng liên tỉnh.
Ba mươi lăm tuổi, tôi có nhà cửa, xe riêng, tài khoản “chín chữ số” nhưng mỗi việc có chồng là chưa. Thế rồi trời run đất rủi, tôi cũng quen một anh chàng rất điển trai vừa xin vào làm tài xế của doanh nghiệp. Chàng thua tôi ba tuổi nhưng về độ bụi bặm, hiểu biết và ga lăng thì khỏi phải nói.
Khi thân nhau rồi, hàng ngày chàng tới nhà tôi, bỏ chiếc xe máy trành ở đó, lái xe đưa tôi tới chỗ làm, xong lại ôm chiếc xe tải mà đi giao hàng khắp tỉnh. Thương chàng vất vả nên tôi hay "có tiếng nói” để chàng ít đi tỉnh, ít cực và dịp chúng tôi gần nhau cũng nhiều hơn. Chàng cảm ơn tôi rối rít vì những khoản thù lao mà tôi hay dúi vào tay chàng gọi là "mua chút quà cho hai bác”.
Đi ăn với nhau, chàng tỉ mỉ lấy từng miếng chanh lau đũa, muỗng cho tôi dù nhà hàng vật dụng cứ sạch như gương. Tôi cho đó là do chàng quá quan tâm mình nên ngày sau tám tháng quen nhau, chàng ngỏ ý cầu hôn, tôi đã gật đầu ngay.
Cưới xong, tôi cấn bầu liền, chàng bảo do hai đứa đều đi làm, nhà cửa chẳng ai trông, bà bầu cần bồi dưỡng nên chàng sẽ mời mẹ chàng lên coi nhà và nấu nướng. Chả biết tôi u mê gì mà không biết so sánh rằng ngày xưa chưa có chồng, nhà tôi vẫn khóa cửa mỗi sáng và mở cửa mỗi chiều cũng chẳng sao. Bên kia đường là quán ăn đồng quê, bao năm rồi tôi vẫn đặt cơm ở đó. Sao giờ lại đồng ý đón mẹ chàng lên dù hàng tháng phải chi sinh hoạt phí gấp ba lần lúc trước.
Chẳng may tôi sinh non khi thai kỳ vào tháng thứ tám. Con nằm lồng hấp xong thì mẹ… mất sữa. Con bú sữa ngoài rất mắc tiền nhưng vẫn nay sình bụng, mai ọc sữa không tiêu, các chứng về hô hấp cũng hay bị nhiễm lúc trở mùa. Lương tôi không có thêm hoa hồng hoa huệ gì nhưng sinh hoạt phí vẫn chi như lúc trước. Tôi bảo chồng, từ nay hãy đưa lương anh cho mẹ chợ búa, lương em sẽ lo cho con. Thế là chồng…vung nắm đấm lên, bảo rằng tôi “quen thói chỉ huy”, trong công ty tôi trên trăm người nhưng ở nhà tôi phải “dưới cơ” anh, tại sao chưa bàn bạc mà dám bảo anh đưa tiền sinh hoạt? Tôi… đớ lưỡi vì cho rằng chồng nuôi vợ con là tất nhiên, sở dĩ lâu nay tôi không yêu cầu anh đóng góp là vì thương anh lương ít hơn em.
Chồng quắc mắt “Trước sao, sau vậy đi”.
|
Hôn nhân chìm vào hoàng hôn sau những gây gỗ. Ảnh minh họa |
Con hay yếu bệnh, khóc đêm ngằn ngặt. Người ta sau sinh béo như thổi bong bóng, còn tôi tuột cân như xe tuột dốc đứt thắng. Từ 50kg trước sinh, khi con được bốn tháng tôi chỉ còn 40kg rồi tuột xuống 38kg.
Tiền tôi đưa mẹ chồng ít hơn vì phải lo nhiều việc. Cơm áo trong nhà và tã sữa, thuốc men… cho con. Vậy là mẹ chồng kêu ca, còn mách với con trai bà rằng chắc tôi “tuồn” tiền đi đâu đó chứ có ai lương không tăng lên mà tụt xuống là sao.
Đôi bàn tay khỏe mạnh đó đã giáng và mặt tôi hai cái tát đến xây xẩm mặt mày vì lý do “Tiền để đâu mà đưa mẹ tao ít vậy?”. Tôi chùi máu từ khóe miệng mà nghe uất ức dâng tràn. Tôi bèn làm cái list chi dùng hàng tháng trong nhà trưng ra ngay bữa cơm tối hôm đó thì chồng vo tròn tờ giấy ném vào mặt tôi và bảo “Mày tính mày biết, tao có cầm đồng nào mà biết?”. Mẹ anh thì lu loa khóc, rằng con dâu chẳng cảm ơn thì chớ, có đâu bà làm ô sin không công mà giờ còn bị kêu tốn nọ hao kia… Con coi kìa, trong cái “lít” gì của nó, mua cho mẹ lo thực phẩm chức năng triệu bạc cũng ghi vô, cái áo đầm bà già có tám trăm mấy cũng tính vào, gửi về biếu ba mày triệu sáu cũng viết vô… Nhục này sao tao sống nổi nè con ơi là con!
Anh lại vung nấm đấm lên. Tôi đang ôm con nên không né hay thụp xuống được. Vậy là một bên mắt tím bầm.
Sáng hôm sau tôi ôm con và các vết tích trên mặt ra công an phường trình báo rồi làm đơn gửi thẳng tòa án.
Trước tòa, anh ta bảo tôi phải trả công… làm chồng hai năm qua cho anh trị giá… hai trăm triệu. Trả công làm “ô sin” tám tháng qua cho mẹ anh, mỗi tháng tám triệu.
- Tổng cộng là hai trăm sáu mươi bốn triệu, nhưng thương tình cô ta còn còn nhỏ nên tôi lấy gọn hai trăm sáu mươi triệu. Yêu cầu chồng tiền ngay tại tòa, mẹ con tôi sẽ dọn ra khỏi nhà cô ta ngay lập tức.
Cả phiên tòa cười ồ, chỉ mình tôi là khóc ngất.
Cuối cùng, luật pháp phân minh nên tôi chả phải trả đồng nào cho anh ta hết. Còn ngôi nhà, mẹ con anh ta muốn ở thì cứ ở, tôi sẽ bán cho chủ mới nay mai. Thế là họ sợ, cũng dọn đi ngay chiều hôm đó.
Thế nhưng sau đó một năm, con tôi bị chứng xoắn ruột cần phẩu thuật và cần một vài đơn vị máu. Khổ thay, bệnh viện không giải quyết kịp vì con tôi thuộc dạng máu hiếm. Vậy là tôi bỏ ngay những đau thương oán hờn ngày trước để gọi cho anh, mong anh hiến máu cứu con mình.
Bên kia đầu dây cả tràng mắng mỏ, rằng tôi làm mẹ kiểu gì mà để con bệnh đau đến phẫu thuật, rằng chỉ có bà mẹ hư đốn mới để con phải đi viện… Tôi lặng im nghe tất cả cả, rồi nhỏ giọng van xin anh tới bệnh viện cho máu cứu con.
|
Ảnh minh họa |
Rồi anh ta cũng đến, khi chưa kịp mặc chiếc quần dài, gặp tôi ngay cửa phòng cấp cứu, anh ta đã nắm tóc tôi dộng đầu vào tường kèm câu “Mày nuôi con tao vậy hả?”. Những âm thanh “binh... binh…” do đầu tôi va vào tường nhanh và bất ngờ đến nỗi chẳng ai kịp can ngăn. Tôi không giữ được nhẫn nhục nữa, trước khi khụy xuống, tôi còn kịp nắm lấy hạ bộ anh ta bóp chặt. Tiếng anh ta thét lên cũng là lúc tôi chìm vào màn tối mênh mông.
Tôi tỉnh dậy trên màn ra giường trắng muốt kèm chai nước biển lủng lẳng còn cái đầu thì nặng như treo đá. Bác sĩ bảo tôi yên tâm, con tôi đã được đưa đi phẫu thuật, một vài người tốt có cùng nhóm máu với cháu đã đến bệnh viện kịp thời để giúp cháu.
Bây giờ con tôi đã 25 tuổi, cháu khôn lớn khỏe mạnh và ngoan ngoãn, học hành cũng thành đạt và đã có việc làm. Chồng cũ của tôi thì nghe đâu qua ba đời vợ, bốn đời bồ nhưng chẳng ai ở nổi. Thảng hoặc bà nội của con tôi gọi cháu, xin ít tiền gọi là “thuốc men bồi dưỡng cho cha cháu bệnh tật”. Con hỏi ý tôi, tôi nói tùy con, mẹ con mình không túng thiếu, dù sao cũng là người tạo ra con. Cháu miễn cưỡng "Con nghe lời mẹ", dù trong lòng chẳng có ý niệm gì về người cha.
Trang Thảo