Ly hôn rồi anh trở thành người khác, người em từng mong muốn

02/06/2017 - 18:00

PNO - Vì sao lại như vậy? Khi sống chung anh "hư" bao nhiêu, chia tay em, sánh vai với người khác anh lại "ngoan" như thế? Có phải sau đổ vỡ người ta mới lớn lên được?

Cô bạn kể, chị biết không, thỉnh thoảng em nhận được vài tin nhắn kiểu vu vơ nhưng ý đồ dường như muốn xé lòng xé dạ em ra: “Vừa gặp người cũ của bà đi với cô bồ trẻ, nghe đồn dạo này ngoan lắm, không hư hỏng như xưa”. Mà hình như đúng là thế chị ơi, khi chia tay rồi anh ấy trở thành một người khác, người có những tính cách em mong muốn, mà trong thời gian chung sống với em, anh ta hoàn toàn không thể hiện được như vậy.

Ly hon roi anh tro thanh nguoi khac, nguoi em tung mong muon
Anh ta có thể làm những việc với người đến sau mà trước đây đến mơ em cũng không thấy. Ảnh minh họa

Ngẫm đến chuyện mình. Đàn bà có mấy ai là chưa một lần đổ vỡ tình cảm chứ. Có khi là mối tình học trò thơ dại tưởng mọi thứ sẽ là mãi mãi, nhưng chỉ cần một mùa hè đi qua, một mùa nắng ngọt thấm da, một mùa mưa rào chưa kịp ướt lá là thấy mình đã lớn lên và “mãi mãi” sẽ mang tên một người khác nữa. Có lúc là hẹn hò đôi lứa vài năm trời, đã mộng mơ thửa đất căn nhà, gần đến ngày cưới hỏi lại hóa ra mình chưa yêu bao giờ. Và cũng có khi đã về với nhau, có mấy mặt con, yêu đương hòa lẫn với bổn phận, trách nhiệm, rồi vợ chồng cũng chỉ như y phục dễ cởi dễ bỏ.

Ai cũng thay đổi sau một hay vài lần đổ vỡ. Đàn bà hay đàn ông đều như thế. Để đi qua thời khủng hoảng, người ta sẽ phải tự điều chỉnh chính mình. Tự vấn. Tự dằn vặt. Tự chữa lành vết thương bằng nhiều cách khác nhau. Có những người cho rằng, đàn ông sau khi tái hôn, sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn vì họ đã nhận ra lỗi lầm của mình, đã rút được kinh nghiệm và không muốn làm tổn thương người đang chung sống với mình.

Cũng có người nghĩ rằng, tính cách con người không bao giờ thay đổi, nếu chồng cũ xử tệ với mình nhưng lại tử tế với người vợ sau, nhất định là vì mình không “tạo điều kiện và hoàn cảnh” để anh ta làm người tử tế. Tôi nhớ một trong những lý do chúng tôi chia tay, là vì người chồng cũ luôn nghĩ rằng tôi bản lĩnh, tài giỏi, mạnh mẽ, không cần dựa dẫm vào đàn ông, trong khi chung quanh anh ta có quá nhiều phụ nữ yếu đuối luôn cần một bàn tay dìu dắt, nâng đỡ.

Ly hon roi anh tro thanh nguoi khac, nguoi em tung mong muon
Ảnh minh họa

Nhưng thật ra, sự thay đổi của đàn ông còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Tuổi tác chẳng hạn. Đàn ông chỉ thực sự (có thể) trưởng thành sau 26 tuổi, lúc ấy họ đã phát triển đầy đủ, biết phân biệt đúng sai phải trái, biết suy nghĩ chín chắn hơn. Nếu đổ vỡ trước độ tuổi đấy, đàn ông có thể bay từ thái cực tính cách này sang một thái cực tính cách đối lập mà chẳng hề có chút liên quan gì đến người phụ nữ của họ.

Hoặc căn bản nghề nghiệp, sau 40 tuổi, đàn ông thường xác định rõ ràng họ cần gì, muốn gì và có thể làm được gì, giới hạn khả năng đến đâu. Ở độ tuổi này, khi tái hôn, đàn ông biết thay đổi để đạt được những gì họ mong muốn. Và vì sức khỏe, có những trường hợp sau 50 tuổi, tái hôn chắc chắn là muốn tìm kiếm một mối quan hệ lâu dài vững bền để có thể “lớn lên khôn lên già đi” cùng nhau, lúc này, đàn ông biết nhịn nhục, biết chiều chuộng và chấp nhận những gì không như ý muốn, để có được những gì họ cần.

Nhưng cuộc đời luôn có những trường hợp cá biệt. Ông chồng cũ đã trải qua ngưỡng bướng bỉnh bất ngờ căng tràn nhiệt huyết tuổi 20, đã qua trưởng thành đĩnh đạc tuổi 40, vừa bước qua ngũ thập tri thiên mệnh, tưởng như đã rút nhiều kinh nghiệm, đã học hỏi qua nhiều lần nâng đỡ đàn bà yếu đuối, có thể là một case study cho giả thuyết đàn ông thay đổi theo chiều hướng tốt hơn sau khi tái hôn. 

Vậy mà không phải, mới đây lại nghe tin người sau này cũng đã thành người cũ. Tính cách con người thật ra không thay đổi, cũng như phụ nữ thật sự chỉ yếu đuối khi họ có người nâng đỡ mà thôi.

Chị Đẹp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI