Ly hôn ở chặng cuối vì bạn đời chỉ chăm lo cháu ngoại

27/06/2022 - 12:51

PNO - Có lẽ hai đứa con gái của ông bà quá ích kỷ. Chúng dường như lên kế hoạch chặt chẽ để lợi dụng cha mẹ già, biến ông bà thành người ở không công. Lẽ ra, chúng phải hiểu được nỗi cô đơn của bố, và “nhường mẹ” cho bố, để họ chăm nom quây quần bên nhau.

Tháng trước, thấy cán bộ địa chính xã đến nhà ông Phượng hàng xóm đo đạc, ghi chép, tôi nghĩ chắc ông Phượng chuẩn bị bán đất. Hôm qua, thấy bà Phượng về, tất tả thu dọn hành lý cho một chiếc xe tải nhỏ chở đi, tôi và cả xóm mới hay ông bà đã hoàn tất thủ tục ly hôn.

Tài sản cũng đã phân chia xong. Mảnh đất của gia đình ông chia 4. Ông, bà, 2 cô con gái - mỗi người một suất. Bà đang làm thủ tục bán suất đất của mình để chia cho 2 con gái, rồi dọn đi sống cùng 1 trong 2 cô ấy.

Tin tức loang ra quanh xóm nhanh chóng. Một cuộc ly hôn khi cả hai vợ chồng đã ở tuổi sáu, bảy mươi ư?

Thật ra cũng không quá lạ. Nhiều cặp vợ chồng già đã chia tay nhau ở chặng cuối cuộc đời, vì nhiều nguyên nhân. Nhưng nguyên nhân ông bà Phượng ly hôn thì tôi vô cùng ngạc nhiên: Ông không thể chịu đựng được cái tình yêu quá lớn lao mà bà Phượng dành cho hai cô con gái cùng đám cháu ngoại. Cái tình yêu khiến nghĩa vợ chồng của ông bà bị đẩy sang bên lề.

Chìm đắm vào việc yêu thương con cháu, bà đã lãng quên ông, người cùng bà xây tổ ấm (Ảnh minh họa).

Xưa các cụ vẫn bảo "Con chăm cha không bằng bà chăm ông". Chính vì cái nghĩa tình của các cặp vợ chồng khi về già với nhau mà hiếm có người con nào thay thế được đó, nên nhiều cụ ông góa vợ, nhiều cụ bà góa chồng khi tuổi đã chấp chới thế giới bên kia đã tìm kiếm gá nghĩa. Còn gì tốt đẹp hơn việc hai người già tựa nương vào nhau lúc cô đơn, đau ốm cuối đời. Thế mà vợ chồng ông bà Phượng lại rời xa nhau, mỗi người một ngả.

Cay đắng với cuộc hôn nhân đứt gánh cuối đường đời, ông chia sẻ: Ông bà yêu thương và đến với nhau là tự nguyện, không ai cấm cản, cuộc sống cũng đủ đầy, hạnh phúc. Chỉ là, từ khi có con, bản năng yêu thương con cái của một người mẹ trong bà quá lớn, khiến cho ông ngay lập tức bị gạt ra bên lề.

Mọi ưu tiên cả về vật chất và tình cảm đều phải dành cho con trước hết. Ban đầu ông nghĩ các con còn nhỏ nên bà dồn hết tình yêu cho chúng là dễ hiểu. Khi chúng trưởng thành, có cuộc sống mới, bà không phải lo toan cho chúng, ông nghĩ tình cảm và thời gian của bà sẽ lại dồn cho ông.

Nhưng ông đã nhầm. Các con càng lớn lên, ông càng lép vế. Con gái lớn không thích nuôi chó, con gái nhỏ không thích nuôi mèo, thế là ông không bao giờ được nuôi và bầu bạn với hai loài vật mà ông rất yêu thích. Ngay cả khi chúng đã rời khỏi gia đình và có cuộc sống riêng, bà cũng không cho ông được thỏa mãn mong muốn nuôi chó mèo của mình.

Khi cô con gái lớn lập gia đình riêng, bà vẫn không ngừng chăm lo cho gia đình nhỏ của cô. Từ con gà, quả trứng, mớ rau sạch mà tự trồng tự nuôi được gửi cho con, cho cháu, đến những cuộc điện thoại dài hàng tiếng đồng hồ kể lể những chuyện chẳng đâu vào đâu. 

Con gái út kết hôn cũng vậy, bà bắt đầu trường kỳ đi chăm sóc cháu ngoại thứ nhất, cháu ngoại thứ 2, rồi cháu ngoại... thứ 4. Gần 10 năm trời ông vò võ một mình, vì quanh năm ngày tháng bà ở hết nhà con gái lớn lại ở nhà con gái nhỏ.

Nhiều khi ông vờ ốm để mong bà về với ông vài ngày, vài tuần. Nhưng lần nào, kể cả khi ông ốm giả vờ hay ốm thật, bà cũng chỉ về thăm qua quýt một đôi ngày, rồi lấy cớ sốt ruột không có ai lo cho “nhà chúng nó” bà lại tất tả bỏ đi.

Ông mang một con chó về nuôi, hy vọng nó bầu bạn cùng ông những ngày cô đơn cuối đời (Ảnh minh họa)
Ông mang một con chó về nuôi, hy vọng nó bầu bạn cùng ông những ngày cô đơn cuối đời (Ảnh minh họa)

Nhiều ông bà bạn hiến kế, rằng ông cứ thử dọa ly hôn xem bà có sợ không, mấy đứa con có cuống lên không. Ông đã dọa, và cuối cùng là ly hôn thật.

Khi bà ký vào đơn ly hôn, ông choáng váng và hụt hẫng. Mấy chục năm cùng bà xây tổ ấm, để rồi cuối đời ông mới nhận ra đó là cái tổ lạnh, một cái tổ rỗng.

Những người bạn già của ông bảo, có lẽ hai cô con gái của ông bà đã quá ích kỷ. Chúng dường như lên kế hoạch rất chặt chẽ để lợi dụng cha mẹ già chăm lo, biến thành người ở không công cho chúng. Lẽ ra, chúng phải hiểu được nỗi cô đơn của bố, và “nhường mẹ”cho bố, để họ chăm nom quây quần bên nhau.

Dù thế nào, ai sai, ai đúng, thì bà cũng đã dọn đi rồi. Sáng nay tôi thấy ông vui vẻ bế một con cún nhỏ lông vàng trong tay. Có lẽ ông hy vọng từ nay nó sẽ bầu bạn cùng ông trong những ngày cô đơn cuối đời...

An Cư 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
  • Trịnh Yến 01-07-2022 13:14:01

    Mình nghĩ bà có tình yêu thương con cháu như thế là tốt và tình yêu thương đó cần mở rộng hơn với cả ông. Với ông nếu nội lực và tình thương trong ông dồi dào trong trường hợp này ông càng thương bà và các con nhiều hơn. Đại gia đình sẽ rất hạnh phúc. Nếu ta luôn nghĩ cho mọi người với tâm cống hiến thì dù già hay trẻ dù sống một mình cũng không thấy cô đơn thật đấy bạn ơi

  • Hoa Nguyễn 30-06-2022 18:48:35

    Lỗi tại mẹ vì quá thương con, nên chúng trở thành ích kỷ, chỉ biết mình. Tiếc rằng điều này không phải hiếm. Chúng nó lợi dụng cha mẹ, nhất là mẹ, riết bà mẹ trở thành osin. Muốn đi du lịch cùng bạn bè phái hỏi ý kiến nó, chờ nó thu xếp. Y như phải được nó cho phép mới được đi. Còn đi với chúng thì coi như đi theo giữ cháu. Chúng tôi thường nói vui với nhau là về hưu có nghề mới là nghề " lái xe bồn". ( Người trung nói bồng con thành bồn con).

  • Nguyễn Thị Phương 29-06-2022 06:40:36

    Chưa chắc vì con gái và cháu ngoại , có lẽ chắc tại ông nhạt và vô tích sự , bà đã chán từ thời trẻ , bây giờ là lúc chia tay hợp lý thôi !

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI