Tự do của mỗi người đàn bà thật khó định nghĩa. Có những người một đời rong ruổi, tưởng tự do - muốn đi đâu cũng được, về giờ nào cũng xong, nhưng họ đâu có tự do. Sợi dây ràng níu chính là sinh kế gia đình, là sự nghiệp.
Nhiều chị em tung tăng “đi mây về gió”, nước trong nước ngoài, nhưng những chuyến du lịch ấy cũng chẳng phải tự do. Đi đâu, làm gì cũng bị cái “mốt phây” chi phối, trong cuộc ganh đua mòn mỏi cho bằng chị bằng em. Ly hôn là tự do? Không hẳn. Một lá thư gửi Hạnh Dung đã nói về tâm thế ly hôn bằng chính trải nghiệm của bản thân:
Ảnh minh họa
“Em có một tâm sự muốn nói. Có thể sẽ không cùng quan điểm với chị, nhưng em nghĩ là một chút kinh nghiệm sống em muốn chia sẻ với những chị em khác. Em ly hôn năm 29 tuổi, khi con trai được 3 tuổi. Em nuôi con đến bây giờ đã 5 năm. Nguyên nhân ly hôn, xin cho em được giữ lại, chỉ nói đến quyết định của riêng em. Lúc mọi việc cho thấy chỉ có cách chia tay, em không hề có chút hoang mang, rất tự tin là mình không cần người đàn ông ấy nữa, không cần cái vỏ mang tên gia đình mà không có hạnh phúc. Em đã kiên quyết ly hôn, dù tòa nhiều lần hòa giải.
Ly hôn. Về kinh tế, em được sự chi viện của ba má. Bản thân em cũng lanh lẹ, xốc vác, có thể làm việc để gầy dựng sự nghiệp riêng. Về hình thức, em còn trẻ, còn chút nhan sắc, khiếu ăn nói; em cũng có người để ý, có người nói tiếng yêu thương chứ nào phải không. Có điều, lúc ấy em mới hiểu, khi người đàn bà ly hôn, một mình nuôi con, mất đi nhiều lắm. Gia đình không chỉ là chuyện người đàn ông và đàn bà sống với nhau mà còn là một tâm thế sống, một cách cư xử, một gốc rễ, như lớp móng của một ngôi nhà - dù nằm trong lòng đất không ai thấy, vẫn cho ngôi nhà một sự vững vàng. Người đàn bà ly hôn, dù có như ngôi nhà lớn và đẹp thì nền móng đã không còn vững chắc, có giấu được mọi người cũng không giấu được chính mình. Tiếp tục “tập 2”, nghĩa là đào móng lại, chứ khó mà sửa chữa, cắt ghép được nền nhà cũ.
Giá mà được quay lại, em sẽ cân nhắc thật kỹ trước khi kết hôn, chứ sẽ không coi ly hôn là giải pháp dự phòng cho bất trắc hôn nhân. Ngày nay, nhiều bạn gái trẻ coi giải pháp này quan trọng và dễ quá, nên em mong các bạn nhìn nhận lại, để đừng hối hận như em”.
Ảnh minh họa
Hạnh Dung đã đọc những trải nghiệm về hôn nhân của người chị em ấy, hoàn toàn không mâu thuẫn với những quan điểm của mình hay của phụ nữ nói chung. Khi mình nhầm lẫn, làm sai một việc nào đó, phải bỏ đi làm lại, mình mất mát nhiều chứ.
Hạnh Dung tâm đắc với người phụ nữ đã trải qua một lần đổ vỡ, để thấy rằng, gia đình không chỉ là chuyện đàn ông và đàn bà sống với nhau, mà còn là một tâm thế sống. Cái tâm thế ấy được xác lập trong cộng đồng xã hội một cách hệ thống. Chính vì tâm thế ấy mà các đôi lứa dắt nhau đi đăng ký kết hôn, có nghi lễ cưới gả, có quan hệ gia đình hai bên, có công nhận huyết thống, có cả… hòa giải tại tòa, dù lắm khi bất thành.
Chỉ có điều, quan niệm, đời sống gia đình ngày càng có những thay đổi, theo hướng để hạnh phúc của mỗi cá nhân đều được tôn trọng. Người ta không bị buộc chân trong một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Người ta được quyền tự quyết định ra đi nếu cảm thấy không hạnh phúc, không được tôn trọng, nếu thấy mục đích hôn nhân không đạt được. Điều này cũng thể hiện sự bình đẳng của phụ nữ trong hôn nhân.
Mỗi người có thể ở một mức độ bình đẳng khác nhau, nhưng điều cơ bản là quyền quyết định của họ đã được công nhận. Có khi mình chỉ nghĩ tới cái phần đã mất, đã vỡ trong nền móng của ngôi nhà, mà không nghĩ tới cái phần còn lại: nó nào đâu phải gạch đá vô tri, mà là phần của đời người, nó có thể tồn tại, phát sinh, tự hàn gắn, phát triển…
Ảnh minh họa
Còn lại thì, ai cũng có một “gót chân Asin” - một điểm yếu chết người nào đó, chứ không riêng gì những phụ nữ đã ly hôn hay những bà mẹ đơn thân mới có điểm yếu này. Những phụ nữ khác, những người đàn ông khác cũng có. Điểm yếu của ai như thế nào, chỉ người ấy biết. Có người che chắn được, có người không. Có người ý thức chuyện đã ly hôn như “nhược điểm” của mình, cũng đúng thôi; nhưng với nhiều phụ nữ khác, đó là một điểm mạnh, cũng đúng. Điểm gặp nhau là: trân trọng gia đình, tức là trân trọng từng cá nhân trong một thiết chế xã hội.
Mỗi cá nhân cần ý thức điều này, để tìm hiểu nhau, yêu thương nhau và khi đi đến quyết định gắn bó vợ chồng, các đôi đều xác định cùng chia sẻ hạnh phúc và tôn trọng lẫn nhau dài lâu trong cuộc sống. Nói theo “ngôn ngữ đương thời”, đó là cái “thần thái”, cái tâm thế mà gia đình mang lại.