Ly hôn là hết vợ chồng, chứ con cái đâu có mất mẹ cha

09/01/2018 - 09:37

PNO - Đâu phải mọi cuộc ly hôn đều là kết thúc và đâu phải cứ cha mẹ ly hôn là cuộc đời trẻ sẽ chìm trong bất hạnh.

Có đến năm lần, chủ tọa Trần Thanh Minh (Tòa Gia đình và người chưa thành niên, TAND TP.HCM) nói với người cha: “Ông bàn với bà được không? Ông bàn lại với bà nhé! Cố gắng được không? Con của ông bà rất may mắn vì cả cha và mẹ đều có điều kiện, đều yêu thương và chăm sóc trẻ tốt. Giờ hãy cùng phối hợp để con được chăm sóc tốt hơn”.

Ly hon la het vo chong, chu con cai dau co mat me cha
Ảnh minh họa

Ngồi ở hàng ghế hội đồng xét xử của phiên tòa tranh chấp quyền nuôi con sau ly hôn, nhưng đâu đó trong từng lời phân tích, vị chủ tọa còn đứng ở góc độ một chuyên viên tâm lý, một người cha trong gia đình, người đồng hành của trẻ.

Không hiện diện tại phiên tòa, nhưng bé gái là tâm điểm để những người lớn suy xét, cân nhắc về điều kiện sinh sống, học tập, sự phát triển tâm sinh lý của bé khi cha mẹ chia đôi đường. Bé hiện vẫn còn ở tuổi mầm non, lại là con gái.

Những lập luận theo hướng giao bé cho người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng nhận được sự an tâm và đồng cảm nhiều hơn. Bước vào cái tuổi biết tò mò, thắc mắc về thế giới xung quanh, nhiều lần, bé hồn nhiên hỏi mẹ những câu kiểu như: “Mẹ ơi, sao ngực mẹ bự, còn ngực con lại nhỏ xíu vậy?”.

Phía sau câu trả lời tình thế lúc đó là bao mạch ngầm mà người lớn phải đón bắt, gợi mở, chia sẻ cùng trẻ và đặc biệt là dẫn dắt trẻ trên hành trình định hình nhân cách, tri thức. Sự quan tâm không chỉ ở chỗ có thể trả lời đúng size giày của con, ước mơ nghề nghiệp, điểm thi học kỳ, môn thi năng khiếu… mà cha mẹ là người bạn thân thiết, là “tổng đài” tin cậy, thân thiện để con trẻ thổ lộ mọi ngóc ngách tâm tư.

Những nỗi lo vô hình ở phía trước, được vị chủ tọa gói gọn: “Có những việc nếu đã lỡ sai, đâu sửa lại được”. Là người đã xử rất nhiều vụ con hư hỏng, phạm pháp bắt nguồn từ việc cha mẹ ly hôn mà không thống nhất cách giáo dục, quản lý, định hướng cho con; hơn ai hết, ông hiểu thấu hai chữ “hệ quả”. Riêng về quá trình phát triển tâm lý, giới tính của trẻ trên thực tế cũng đáng lo. Con trẻ giờ phát triển sớm.

Người cha chăm sóc con gái không tránh được những va chạm cơ học. Không va chạm sao chăm sóc? Người cha lại chăm sóc kỹ, tắm thật sạch, kỳ cọ… không khéo đẩy mạnh, vượt quá sự phát triển bình thường về giới ở trẻ. Không phủ nhận những trường hợp “gà trống nuôi con” tốt, nhưng hãy cân nhắc kỹ khi vẫn còn nhiều chọn lựa khác. Đó là dấu ấn nhân văn của phiên tòa đối với trẻ từ trang đời đầu tiên, tinh khôi.

Ly hon la het vo chong, chu con cai dau co mat me cha
Ảnh minh họa

Người cha cứ khăng khăng: khi cha mẹ ly hôn, con đã hoặc mất cha hoặc mất mẹ, ông không muốn con mất luôn cả tình anh em. Ông cho rằng, các con ông rất buồn khi bị chia tách - con gái theo mẹ, con trai ở với cha. Đó cũng là lý do chính để ông kháng cáo lên cấp phúc thẩm, yêu cầu được quyền nuôi cả hai con. Vị chủ tọa phủ nhận chữ “mất” ấy, bởi dù ly hôn, kết thúc mối quan hệ vợ chồng giữa ông với bà, con trẻ vẫn được quyền sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, anh em.

Hơn nữa, việc tạo điều kiện duy trì sự gắn bó cho hai trẻ là trong tầm tay của chúng ta. Hai đứa trẻ sống khác quận, nhưng cùng một thành phố thì cuối tuần hay dịp tết nhất, lễ lạt, quây quần, vui đùa bên nhau không phải chuyện gì quá khó khăn để người lớn không thể sắp xếp. Những viễn cảnh tươi sáng này là quà tặng vô giá và cũng là trách nhiệm của cha mẹ dành cho các con của mình.

Bản án phúc thẩm thay đổi quyền trực tiếp nuôi con với kết quả y án sơ thẩm - giao bé gái cho mẹ nuôi - được tuyên vào những ngày cuối năm 2017. Bản án tạm kết thúc “cuộc chiến” giành con của cha mẹ bé từ hơn một năm trước. 

Người mẹ đau lòng nhớ lại đôi lần thấy cảnh con gái nằm trọn trong lòng của chú nhân viên công ty của cha, văn phòng đặt tại nhà cha. Truyền thông đầy rẫy những vụ ấu dâm khiến người mẹ dù cố trấn an rằng chú ôm nựng chỉ là vì chú cưng bé và rằng chú không có ý gì xấu, cảnh tượng nguy cơ ấy vẫn không thôi ám ảnh chị.

Người mẹ liệu có thể vui vẻ, vô tư được không khi tòa giao con cho cha nuôi, để rồi cha bận công tác hoặc nhậu say, lại nhờ các chú nhân viên trông coi, đưa rước bé đi học, giúp bé đi vệ sinh?

Những ngày đầu năm mới, bé gái mặc chiếc đầm xinh tung tăng bên vườn hoa, tíu tít nói cười, chạy theo mẹ sang thăm cha và anh trai. Đâu phải mọi cuộc ly hôn đều là kết thúc và đâu phải cứ cha mẹ ly hôn là cuộc đời trẻ sẽ chìm trong bất hạnh.

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI