Ly hôn hợp tác thay cho kiện tụng, được không?

27/09/2024 - 20:19

PNO - Lý thuyết pháp lý nữ quyền giúp hiểu vai trò của phụ nữ trong luật pháp, liệu quan điểm của phụ nữ có được xem xét trong luật pháp và chính sách.

Hội thảo quốc tế về Nữ quyền, giới và pháp luật năm 2024 (ICFGL 2024) do Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM (UEL) được tổ chức ngày 27/9. Đây là hoạt động trọng tâm thuộc Dự án “Tích hợp lý thuyết pháp luật về nữ quyền vào giáo dục, nghiên cứu và thực hành pháp luật” do UEL và Quỹ Rosa - Luxemburg - Stiftung phối hợp thực hiện.

Phó giáo sư tiến sĩ Lê Vũ Nam – Phó hiệu trưởng UEL phát biểu khai mạc hội thảo quốc tế về Nữ quyền, Giới và Pháp luật năm 2024
Phó giáo sư tiến sĩ Lê Vũ Nam - Phó hiệu trưởng UEL - phát biểu khai mạc hội thảo quốc tế về Nữ quyền, giới và pháp luật năm 2024

Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Vũ Nam - Phó hiệu trưởng UEL - cho biết: “Lý thuyết pháp lý nữ quyền giúp chúng ta hiểu vai trò của phụ nữ trong luật pháp và đặt câu hỏi liệu quan điểm của phụ nữ có được xem xét trong luật pháp và chính sách hay không. Nó thúc đẩy sự cân bằng giữa các giới và góp phần vào công lý xã hội".

Các diễn giả chính của hội thảo gồm: giáo sư Rosemary Hunter từ Đại học Kent (Vương quốc Anh), tiến sĩ Emma Palmer từ Đại học Griffith (Úc), phó giáo sư Puja Kapai từ Đại học Hồng Kông, tiến sĩ Trịnh Thục Hiền từ UEL (Việt Nam)... Những chủ đề nổi bật được trao đổi, thảo luận như: Cơ sở lý luận của lý luận pháp luật nữ quyền; tác động của pháp luật đối với phụ nữ và bình đẳng giới; lý luận pháp luật về nữ quyền và ứng dụng của nó trong thực tế; pháp luật hiệu quả nhằm đạt được bình đẳng giới và công bằng xã hội; những thách thức và quan điểm đối với cải cách pháp luật về nữ quyền...

Nhiều thảo luận thú vị, sôi nổi xoay quanh các chủ đề chuyển đổi giới tính, quyền chấm dứt thai kỳ, quấy rối tình dục, độ vênh của pháp lý các nước về hôn nhân, “mẫu hệ” có gắn với “mẫu quyền”?...

Giảng viên Nguyễn Thị Vy Quý mạnh dạn đặt vấn đề ly hôn có thể không thông qua tòa án tại Việt Nam
Giảng viên Nguyễn Thị Vy Quý mạnh dạn đặt vấn đề ly hôn có thể không thông qua tòa án tại Việt Nam

Giảng viên Nguyễn Thị Vy Quý (UEL) đặt vấn đề về ly hôn hợp tác thay cho ly hôn thương lượng hoặc kiện tụng. Ở nhiều nước trên thế giới, ly hôn có thể không thông qua tòa án mà các cặp vợ chồng có thể nộp đơn yêu cầu tại cơ quan hành chính địa phương, ly hôn với sự có mặt của luật sư hai bên. Ở Việt Nam bao giờ có thể áp dụng thủ tục này? Chúng ta cần cân nhắc, học hỏi mô hình này để áp dụng và cần xem xét dưới lý thuyết pháp luật nữ quyền để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mọi người liên quan, không chỉ riêng giới nữ.

Tiến sĩ Trịnh Thục Hiền chia sẻ tại hội thảo
Tiến sĩ Trịnh Thục Hiền chia sẻ tại hội thảo

Tiến sĩ Trịnh Thục Hiền đề xuất: nghiên cứu về giới, bao gồm cả lý thuyết pháp lý về nữ quyền, phải là một khóa học bắt buộc trong chương trình giảng dạy đại học của trường luật ở Việt Nam. Các học giả pháp lý có trách nhiệm trả lời câu hỏi làm thế nào để lồng ghép lý thuyết pháp lý nữ quyền trong khi vẫn tôn trọng những chuẩn mực văn hóa, giá trị và truyền thống pháp luật của người Việt Nam...

Được biết, dự án Lý thuyết pháp luật nữ quyền được khởi xướng với niềm cảm hứng từ di sản của nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa, nhà nữ quyền người Đức Rosa Luxemburg.

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI