Sau ly hôn, hầu hết phụ nữ phải trải qua một quãng thời gian chống chọi với những chống chếnh, mất thăng bằng, suy sụp rồi sau đó mới có thể hồi phục và tiếp tục cuộc sống.
Theo một số thông tin thì đàn ông mất 1 đến 2 năm để phục hồi nhưng phụ nữ cần 3, 4 năm cho quá trình này. Tuy vậy, một số nghiên cứu tâm lý chỉ ra rằng, khi biến cố lớn của cuộc đời xảy ra, về lý thuyết, sau hai tháng một người bình thường phải vượt qua được tâm lý mất mát đó và trở về trạng thái gần như cân bằng.
Nếu nhiều hơn hai tháng quá lâu, người ta cần phải được trị liệu.
|
Ảnh: Internet |
Vậy vì sao có rất nhiều phụ nữ sau ly hôn thường sợ gắn kết, không dám hoặc do dự hơn trước bước vào một mối quan hệ mới. Họ chần chừ, lưỡng lự thậm chí hoài nghi và đề phòng đến mức bỏ lỡ một số các cơ hội để hạnh phúc. Hoặc cũng có nhiều trường hợp, người phụ nữ khép chặt trái tim và tìm niềm vui sống trong sự nghiệp, con cái.
Có nhiều ý kiến cho rằng, lí do chính là bởi vì quyết định ly hôn của họ trước đó đã được đưa ra không đúng thời điểm.
Đúng thời điểm, với những người được phỏng vấn dưới đây, chính là từ khóa quan trọng để đóng lại một mối quan hệ này và mở ra một cơ hội mới.
Chị Phương Trinh, 35 tuổi, giáo viên văn chia sẻ chị đã cân nhắc về việc chia tay trong ba năm sau đó mới quyết định.
Chị Trinh cho biết, năm 30 tuổi, sau khi con thứ hai được gần 1 tuổi chị phát hiện chồng qua lại với một người phụ nữ khác. Giống như những người đàn bà khác, chị ghen tuông, xù lông xù cánh để bảo vệ gia đình và các con. Giống như phần lớn đàn ông ra ngoài trăng gió, chồng chị vừa không muốn mất gia đình vừa không thể từ bỏ thói quen vụng trộm trai gái nên cả hai cứ dằng hắt, giận dỗi, gây gổ rồi lại làm hòa, lại quấn quýt và chỉ sau đó một vài tháng, chu kỳ mới bắt đầu.
|
Ảnh: Internet |
Có những lần phát hiện chồng nói dối, phát hiện ra tình cảm của chồng dành cho người khác, vậy nhưng chỉ sau khi các con đã tắm táp, ăn uống no nê rồi lên giường chị mới vào phòng lấy bút và nức nở ghi ra giấy tất cả những cuồng nộ, đau đớn. Viết ra được mọi điều mọi lẽ trong tâm trạng thì hai tờ giấy cũng ướt đẫm vì nước mắt. Không thể nói cùng ai, không thể chia sẻ. Cứ nghĩ đến hai đứa trẻ là nước mắt lại rơi.
Một khoảng thời gian dài chị liên tục tự hỏi, cảm giác một ngày nào đó sẽ không còn tiếng hai con bi bô gọi ba, gọi mẹ, ánh mắt lấp lánh, nét mặt rạng ngời và cả những cười đùa những khi cả gia đình bên nhau hay cảm giác bị chồng phản bội, cái nào là không thể chịu đựng nổi.
Không muốn mất gì là suy nghĩ của chị lúc đấy. Chị muốn giữ một gia đình đầm ấm, vui vẻ. Là thứ chị đã gầy dựng bao năm nay. Chị muốn hai con có cha mẹ đầy đủ, chúng có cô dì chú bác hai bên. Tuy anh cũng muốn giống chị, nhưng anh cũng không muốn phải từ bỏ những vui thích của mình.
Dù nỗ lực cứu vãn cuộc hôn nhân bằng cách che giấu những bất hạnh mất mát và cả nỗi cô đơn của mình với tất cả mọi người nhưng đồng thời mỗi ngày lại nhìn tình cảm cứ thế ra đi mà không thể làm gì. Không như một số đàn bà khác, chị chưa bao giờ tìm cách theo dõi hay bắt quả tang bằng chứng ngoại tình của chồng hay đối diện với người đàn bà kia, bởi chị không đủ sức.
Chỉ nỗi tiếc nuối gia đình của những ngày tươi đẹp thôi, tiếc nuối anh của những ngày chưa lạc lòng với người đàn bà khác cũng đã khiến chị không còn sức để làm gì.
Cho đến khi chị cảm thấy những tình cảm của mình ảnh hưởng đến hai con. Sự im lặng triền miên u uất hoặc những cuộc cãi vã chuyển sang hướng chỉ trích và miệt thị, hằn thù, không khí ngột ngạt, hình ảnh của ngôi nhà vang tiếng cười đùa cũng ngày một lùi xa, chị quyết định ra đi. Tuy vậy, chị đã đề nghị chuyển sang trạng thái ly thân để các con và mình có thời gian thích nghi trước khi thực sự chia tay.
Đấy là một cuộc chia tay thành công, chị Trinh chia sẻ. Bởi vì trước khi chia tay chị đã nỗ lực hết mình, đã cố gắng để không bỏ cuộc dễ dàng. Chị ly hôn vì không còn tìm được tiếng nói chung với chồng chứ không phải vì tự ái hay oán ghét. Sau đó nửa năm chị gặp người chồng bây giờ. Một năm của cuộc hôn nhân thứ hai đã qua đi, chị cảm thấy mình bây giờ đã sẵn sàng để hạnh phúc và chỉ hạnh phúc cho đến lúc nhắm mắt.
|
Ảnh: Internet |
Đồng quan điểm với chị Trinh, chị Thái Hà, 38 tuổi, nhân viên hành chính, rút kinh nghiệm từ chính quyết định ly hôn của mình cho biết, chị không đồng tình với những người đàn bà đã ly hôn rồi mà chưa quên được cuộc hôn nhân cũ hay cuộc sống của chồng cũ. Ly hôn mà chỉ mong người người cũ không hạnh phúc, không lấy ai hơn mình và nếu mình lấy chồng thì phải lấy người hơn chồng cũ, nếu không thì không thể hạnh phúc.
Bạn bè chị đều bất ngờ khi chi chia tay chồng cũ. Mọi người không nghe ai nói gì về những trục trặc trong hôn nhân của chị. Chị giấu, bởi quan niệm hôn nhân là việc của hai vợ chồng. Mọi tính toán hay đổ vỡ người khác đều không thể hiểu mà can thiệp.
Nỗi buồn trong hôn nhân của chị khá khác với mọi người. Sau mười năm chung sống chị mới nhận ra chồng mình không phải là người phù hợp cho cuộc sống hôn nhân. Anh đã làm việc thì chỉ có tập trung làm việc, anh không quan tâm đến bất cứ vấn đề gì quanh các con hay vợ. Nếu có, cũng là do chị phải đề xuất, hướng cho anh. Bản thân anh hoàn toàn thụ động.
Đưa đón con đi học, anh cũng luôn trì hoãn cho đến sát giờ vào lớp, không bao giờ chủ động hỏi han xem con ở trường như thế nào, việc học ra sao. Khi con cần hỏi bài, anh cũng làm việc đó cho xong, dễ nổi cáu với con, thường xuyên chỉ trích, không bao giờ động viên. Đứa lớn rất xa cách với bố. Bữa cơm gia đình không nằm trong lịch trình sống của anh. Ăn vì đến bữa. Anh thường xuyên àm việc ở phòng riêng đến 4 giờ sáng. Sau 10 năm, chị đã quen với việc đi ngủ một mình. Bây giờ, chỉ cần anh vào nằm cạnh từ sớm là chị không thể ngủ, hoặc cần thời gian mới có thể ngủ.
Đến lúc các con lớn, chị bắt đầu muốn cả gia đình dành thời gian cho nhau nhiều hơn, quan tâm đến nhau nhiều hơn thì bắt đầu những lỗ hổng mới hiện ra rõ hơn. Vì đó là lối sống, mọi hành xử đã thành thói quen nên sẽ rất khó để thay đổi. Bọn trẻ bước vào tuổi thiếu niên, để trưởng thành chúng cần một mái ấm thực sự ấm áp. Cuối cùng cả hai chọn cách dễ hơn, đó là quyết định chia tay.
Chị vẫn thương anh, chỉ không còn yêu vì không có chung mục đích trong hôn nhân. Đến bây giờ, sau hai năm độc thân chị vẫn còn đang tiếp tục nỗ lực ổn định cuộc sống với hai con. Tự sự độc lập kinh tế của mình, chị thực lòng mong chồng cũ cũng nhanh ổn định cuộc sống mới để có thể cùng hợp tác lo cho con cái trưởng thành.
PT