PNO - PNCN - Tôi ngồi dựa lưng vào tường, nức nở như đứa trẻ bị đòn. Càng khóc càng có trớn, nước mắt nước mũi cứ tuôn ra ròng ròng. Bao nỗi giận hờn, tức tưởi, tủi thân, chán chường, mỏi mệt như gom lại, đầy ứ. Trong đầu...
edf40wrjww2tblPage:Content
Đây không phải là lần đầu tôi nghĩ đến việc đạp đổ mái gia đình vốn đã lỏng lẻo, tạm bợ từ lâu của mình. Chúng tôi thật sự không hợp nhau. Không phải là lỗi do ai, mà đơn giản, vì cả hai khác biệt nhau nhiều quá, từ lối sống, suy nghĩ, tính cách, mọi thứ… Chúng tôi không (hoặc chưa phát hiện ra) có người thứ ba xen vào. Nhưng, sự chịu đựng nhau thì có lẽ đã đến đỉnh điểm mất rồi.
Chồng tôi hay nhậu, đã nhậu vào là quên hết mọi thứ. Anh chậm chạp, sống đại khái, ít có kế hoạch, dù chỉ là những dự định sát sườn kiểu như sáng mai cần thức dậy lúc mấy giờ, chiều nay ai sẽ đón con, rồi đi đâu làm gì; nói chi tới những chuyện xa xôi hơn như sửa nhà, sắm xe này nọ. Tôi lại là một phụ nữ khá chỉn chu, không chịu nổi sự bừa bãi, tùy tiện. Tôi ghét mùi rượu bia, thuốc lá nồng nặc từ chồng. Còn anh, chắc cũng vô số lần phát điên với cái tính nóng như lửa, luôn quát nạt la lối của vợ…
Chúng tôi có hai đứa con đang học cấp I. Nhà ở một quận ngoại thành. Tôi luôn ao ước dời nhà về gần cơ quan để tiện đi làm, đi chơi, cho con học hành, nhưng giờ ly hôn, bán cái nhà đang ở ra chia nhau, thì tiền của mỗi người đều không đủ để mua một căn nhà khác, dù nhỏ; nói gì đến lựa chọn xa gần. Chỉ còn cách đi ở thuê. Mười năm đi làm, giờ trở lại cái thời túc tắc dọn nhà, chủ trọ lúc vui cho ở, lúc buồn đuổi đi, thật là… Tiền thuê nhà cũng là một khoản không nhỏ, nếu mang tiền bán nhà đi gửi tiết kiệm, lãi suất không thể đủ trả tiền trọ.
Ai sẽ nuôi con? Cô bạn thân từng cười cợt bảo, cái lợi duy nhất của việc sinh hai con là khi chia tay sẽ dễ… chia. Mỗi người một đứa ư? Con gái lớn sắp tới tuổi dậy thì, hay tủi thân, buồn bã, bình thường đã sống khá khép kín, nếu bỏ mặc nó cho ông bố hay đi nhậu đến khuya mới về, thường xuyên quên giờ đón con, nó sẽ ra sao giữa cuộc sống đầy bất trắc? Thằng con trai nhỏ luôn bám mẹ như sam, đêm không có mẹ xoa lưng là trằn trọc mãi, tôi nỡ nào… Mà nuôi đứa nhỏ, buông đứa lớn, thằng con trai trưởng thành không có bố bên cạnh, cũng không phải là ý hay. Tôi sẽ nuôi hai đứa luôn, bố chúng phụ cấp? Cũng được, đó là giải pháp hay nhất lúc này. Tôi sẽ sáng sáng dậy sớm, quát đứa lớn, la đứa nhỏ, túi bụi với cặp sách, hối hả cho kịp giờ quẹt thẻ ở công ty. Chắc chắn tình hình sẽ còn bi đát hơn hiện tại. Chiều hớt hải về đón con, lo cho chúng ăn, tắm rửa, học bài, là đã tối khuya. Tôi sẽ sống cho mình vào lúc nào, liệu cầm cự được bao lâu trước khi trầm cảm mà chết?
Nhỏ bạn thủng thẳng, tính ra ly hôn vẫn đâu có lợi? Bạn sẽ phải làm quần quật để kiếm tiền trang trải, túi bụi vì một mình chăm lũ nhóc. Hai người chung tay vẫn hơn chứ, đúng không nào? Suy nghĩ kỹ đi. Sao không bơ đi mà sống, hở? Thực sự bạn muốn gì? Một người đàn ông tối tối về nhà ăn cơm với vợ con, đêm đêm thủ thỉ trò chuyện, sáng sớm cùng đón bình minh lên ư? Cũng có đấy thôi. Nhưng, một gã như thế, chắc chắn sẽ lười lao động, chỉ được cái… đĩ miệng (xin lỗi!) như thằng chồng mình đây này!
Tôi nắm tay bạn sau câu nói cười ra nước mắt ấy. Bạn lấy chồng khá lâu, nhưng chẳng dám sinh con. Chồng bạn đẹp trai, chu đáo, ga lăng, lãng mạn. Đủ cả, còn đòi hỏi gì nữa! Bạn cười chua chát. Ngoài cái việc ăn rồi… nằm ngửa, hắn chẳng buồn nhấc thân đi làm. Ly hôn với mình dễ và đơn giản hơn bạn nhiều, vì mình không có gì để tiếc nuối hay lo lắng. Chẳng vướng bận con cái. Tiền bạc cũng rủng rẻng. Nhưng, để rồi được gì?
Không ly hôn thì được gì? Bạn phân tích, lúc đau ốm, hư xe ngoài đường, hoặc nổi máu giang hồ cãi lộn với ai đó, bạn vẫn có một người đàn ông “chính chủ” để gọi điện thoại, kêu ra ứng cứu. Đi làm cũng không lo bị quấy rối, vì bạn đang là gái có chồng. Lúc nào cần đi xa, làm biếng, có ngay tài xế không công để sai bảo. Đêm hôm trong nhà có đàn ông vẫn yên tâm hơn là thui thủi ra vào. Chẳng phải có người đàn bà còn mua dép, sắm quần đùi của nam giới về, giả vờ bỏ rơi rớt ngoài sân, để đánh động cho kẻ xấu là nhà mình cũng có đàn ông như ai đấy nhé, đừng manh nha trộm cướp, hiếp đáp đó sao? Đàn bà thiếu hơi đàn ông không phải là nhuận sắc, tình dục đều đặn cũng tốt cho sức khỏe đấy. Đừng cứ nặng nề lên rằng, phải yêu đương rung cảm mới có thể làm chuyện ấy. Lăn tăn làm gì cho mau già, mau xấu, hở bồ!
"Thử nhìn mà xem, sau ly hôn, chông chênh, yếu đuối, bạn sẽ dễ sa vào tay một gã chẳng ra gì, đời càng thêm bi kịch. Chi bằng tìm cách cải thiện mối quan hệ đang có sẵn. Hắn dù sao vẫn là cha của con mình, không ai thay thế tốt hơn đâu. Chưa cần tỏ vẻ là “vì con”, nhưng một khi đã làm mẹ rồi, thì cuộc sống của mình không phải chỉ do bản thân mình quyết là được".
Tôi lùng bùng cắt ngang, thôi thôi, lúc khác bàn tiếp, mình phải vô công ty, trễ rồi. Cảm giác hăng hái muốn dứt khoát cho xong đã vơi bớt ít nhiều theo những phân tích trắng trợn, trần trụi của bạn. Soi gương cái, xem mắt còn sưng hum húp không đã. Cuộc sống mà vui quá, hạnh phúc quá thì sẽ bị người ta ganh ghét. Nhưng buồn bã thất bại, thì người ta cũng sẽ xem thường, soi mói, xét nét. Rùng mình bởi ý nghĩ, đàn bà ra đường, không chồng không con, chẳng phải là chuyện tốt đáng khoe. Gia nhập vào cái hội “bỏ chồng” của công ty, thật ra cũng là việc chẳng đặng đừng… Thử ra ngoài làm ăn, giao thiệp, sau câu giới thiệu tôi đã ly hôn, đang nuôi hai con nhỏ mà xem. Cái nhìn của xã hội, tưởng văn minh lắm, nhưng vẫn đầy thành kiến khốn khổ đấy thôi!
Nhưng thời buổi nào rồi mà phải cam chịu như thế nhỉ? Đó là suy nghĩ thường trực của tôi, khi cuộc sống đầy những mỏi mệt cãi cọ liên miên. Mình sống chỉ một lần và sống cho mình, chứ không phải cho những điều tiếng phù phiếm kia. Không thử, sao biết phía trước chẳng có gì tốt đẹp hơn. Tôi đã hèn nhát, nhu nhược, sợ thay đổi. An phận với sự ổn định tạm bợ, giả tạo quá lâu, đến mức không dám đối mặt với xáo trộn. Nhìn người ta ly hôn chớp nhoáng, dễ dàng, thấy mà ham và... ngưỡng mộ! Bạn nghe xong lại bảo, là do chúng ta đã… già rồi, cái gì cũng đặt lên bàn cân đong đo đếm, cân nhắc thiệt hơn nhiều quá, nên không dám quyết một lần cho xong. Chứ bọn trẻ thì khác, chỉ cần mâu thuẫn chút đỉnh là bỏ nhau cái rụp, thấy không. Mà càng cố nắm níu, thì khi đến mức phải buông, người ta hầu như đã không còn gì để có thể coi nhau như bạn bè, bởi những tổn thương đã ở mức “cận đỉnh”. Ly hôn, coi dễ mà khó lắm, không đùa được đâu bạn à…
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.