Lý Hải “lật mặt” ra sao với phim "Lật mặt 7: Một điều ước"?

26/04/2024 - 16:29

PNO - 6 phần phim trước của "Lật mặt", đạo diễn Lý Hải nếu không tập trung vào yếu tố hài cũng khai thác nhiều chất hành động, kịch tính. Ở phần 7, 2 khía cạnh này gần như được bỏ qua, anh “lật mặt” với một tác phẩm tâm lý, tình cảm gia đình. Đặc biệt phù hợp cho cả nhà từ bé đến già cùng xem, điều mà trước giờ thương hiệu này không có.

Lật mặt 7: Một điều ước (khởi chiếu từ ngày 25/4) đem đến câu chuyện xúc động về tình mẫu tử. Nhân vật chính trong phim là bà Hai, mẹ của 5 người con. Cả 5 đều đã có gia đình riêng, sống tứ tán, chỉ có vợ chồng cô con gái Ba Lành ở cùng bà. Một lần, bà Hai bị tai nạn sinh hoạt phải bó bột và ngồi xe lăn. Đúng lúc con gái của Ba Lành cũng phải nhập viện vì bệnh nặng nên không còn ai ở nhà chăm mẹ. Rắc rối bắt đầu xảy đến với cả 5 gia đình.

Hơn chục phút đầu phim, diễn tiến Lật mặt 7: Một điều ước khá thong thả vì chủ yếu để giới thiệu các tuyến nhân vật. Đến đoạn 5 anh em gọi video call phân chia công việc chăm sóc mẹ, nhịp phim bắt đầu nhanh và hấp dẫn hơn vì góc khuất cuộc sống của mỗi gia đình lần lượt được phơi bày.

Nghệ sĩ Thanh Hiền (vai bà Hai) chiếm trọn cảm tình người xem với ngoại hình và lối diễn mộc mạc
Nghệ sĩ Thanh Hiền (vai bà Hai) chiếm trọn cảm tình người xem với ngoại hình và lối diễn mộc mạc

Đạo diễn kiêm biên kịch Lý Hải khéo léo quảng bá du lịch, văn hóa và giới thiệu những công việc đặc trưng của vùng miền thông qua việc xây dựng tình huống 5 người con thỏa thuận chăm sóc mẹ luân phiên mỗi tuần. Hành trình bà Hai đi “xuyên Việt” từ Bắc vào Nam, lên rừng xuống biển đến thăm nhà các con đưa người xem đến với lễ hội Nghinh Ông đặc sắc ở vùng biển miền Trung, hoạt động ca hát khiêu vũ dành cho người trung niên ở TPHCM, hiểu thêm nỗi vất vả hiểm nguy của nghề đánh cá, thầu xây dựng.

Điều người xem e ngại nhất ở những bộ phim gia đình, tôn vinh tình mẫu tử là phần thoại mang tính giáo huấn và những tình huống “ồn ào”. Nhưng Lật mặt 7: Một điều ước không đi vào lối mòn này. Nhân vật bà Hai không rao giảng đạo lý cho con cháu, cũng không áp đặt suy nghĩ lên các con mà nhẹ nhàng dùng hành động để bộc lộ tình yêu thương, quan tâm của mình. Cứ thế bà lần lượt gỡ rối cho từng nhà, giúp các thành viên xích lại gần nhau hơn.

Tấm ảnh gia đình chắp vá trong phim là chi tiết  đắt giá, gây xúc động
Tấm ảnh gia đình "chắp vá" trong phim là chi tiết đắt giá, gây xúc động

“Cảm ơn”, “Xin lỗi” là 2 câu thoại nhiều nhất của bà Hai nhưng có sức nặng chuyển tải hết thảy cảm xúc yêu thương, cảm thông, bao dung của một người mẹ, người bà. Hiếm phim nào để cho nhân vật luôn miệng nói những lời như vậy. Điều đó làm người xem thêm cảm tình với sự dung dị, mộc mạc, lễ phép của bà Hai và thấy được tính nhân văn mà đạo diễn - biên kịch Lý Hải hướng đến.

Đạo diễn - biên kịch Lý Hải cũng “lật mặt” khá tài tình trong cách dẫn dắt tình huống. Ban đầu người xem nhầm tưởng việc phân chia nuôi mẹ sẽ khiến các anh em trở mặt nhau. Nhưng không, các con của bà Hai đều là người có hiếu, chăm sóc mẹ tận tình chu đáo. Thậm chí, để mẹ an lòng, họ còn nói dối bà về hoàn cảnh thực của mình như trường hợp vợ chồng cô con gái thứ tư.

Trailer phim Lật mặt 7: Một điều ước:

Trong phim, ngoài các con của bà Hai cũng không có nhân vật xấu, phản diện. Nhân vật hai vợ chồng chủ trang trại cà phê hay bà chủ nhà có đất bị lấn cứ tưởng sẽ gây khó dễ trước những lỗi “động trời” của vợ chồng người con thứ tư và thứ năm của bà Hai nhưng rốt cuộc mọi nút thắt được tháo gỡ bằng cái tình. Các nhân vật đối đãi nhau bằng cái tâm là điểm sáng nhất ở phần 7, nhất là khi gần đây ngoài rạp khán giả đã bội thực với những bộ phim Việt có cốt truyện quá "đen tối", drama "kịch trần".

Lật mặt 7: Một điều ước chạm đến cảm xúc người xem bằng nội dung nhân văn, câu chuyện gần gũi nói về mâu thuẫn thế hệ cha mẹ - con cái, gánh nặng tuổi già. Ai rồi cũng sẽ già yếu bệnh tật, con cái trưởng thành rồi cũng đến lúc trở thành cha mẹ. Cuộc sống mưu sinh đưa đẩy gia đình tứ tán, muốn có một tấm hình đầy đủ các thành viên trong nhà cũng khó. Tấm hình gia đình bà Hai phải dùng ảnh cắt ghép từng thành viên trong nhà dán vào một khung hình do hiếm khi cả nhà quây quần bên nhau gợi lên nhiều cảm xúc cho người xem, bởi ai cũng thấy hoàn cảnh mình trong đó.

Nhân vật 2 vợ chồng người con trai do Quách Ngọc Tuyên và Tín Nguyễn đóng là tuyến vai gấn ấn tượng nhất phim vì sự chân chất, đáng yêu
Nhân vật hai vợ chồng người con trai do Quách Ngọc Tuyên và Tín Nguyễn đóng là tuyến vai gây ấn tượng nhất phim vì sự chân chất, đáng yêu

Góp phần vào thành công của phim còn có diễn xuất của dàn diễn viên. Từ vai chính đến phụ, từ diễn viên lão thành như nghệ sĩ Thanh Hiền, Tú Trinh, diễn viên người lớn như Tín Nguyễn, Quách Ngọc Tuyên, Tạ Lâm… đến diễn viên nhí như Ngân Chi đều hợp vai. Lý Hải một lần nữa chứng tỏ anh có con mắt tinh đời khi chọn diễn viên và biết cách kể chuyện để từng người tỏa sáng.

Nếu có điều đáng tiếc ở Lật mặt 7: Một điều ước thì là việc phim còn một vài tình tiết dài dòng không cần thiết như đoạn Hai Khôn bị sa thải, vài nhân vật thừa như vai Ba Dẹo của Lý Hải. Nhạc phim chưa ấn tượng, việc chọn ca khúc chủ đề có yếu tố rap không “ăn rơ” mấy với thể loại của phim, ca từ lẫn giai điệu cũng không bắt tai nên chưa hỗ trợ nhiều để đẩy cảm xúc người xem đến mức bùng nổ.

H.Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI