Cho đến khi cuộc sống đủ đầy, cơ ngơi được nhiều người ngưỡng vọng, nhìn về giá trị của đồng tiền, anh vẫn giữ ước mơ nho nhỏ - có công việc đủ ăn, đủ lo cho vợ con và dành được một phần phụng dưỡng mẹ, người thân ở quê. Bấy nhiêu đã đủ mãn nguyện.
Từng một đêm chạy cả chục tụ điểm ca nhạc, bầu sô phải nài nỉ nhận lịch cho đến khi bị gắn với 2 chữ “hết thời”, Lý Hải nói anh chưa bao giờ oán trách số phận. Bởi theo anh, đời sống nghệ thuật giống như dòng nước đang chảy. Nếu bạn đứng lại, có nghĩa phải rời cuộc chơi.
Giữ nguyên tinh thần nỗ lực hết sức hoặc chấp nhận bị khai trừ, Lý Hải đến với điện ảnh. Anh làm việc hùng hục trên phim trường bằng sức của 2, 3 người cộng lại chỉ để thuyết phục mọi người rằng anh đến với điện ảnh không phải dạo chơi hay học đòi lấn sân, mà vì muốn làm nghề một cách thực thụ. Để rồi, giữa thời điểm thị trường phim Việt hiếm hoi điểm sáng, nhiều thất bại về doanh thu, phim của Lý Hải vẫn liên tục “đánh đâu, thắng đó”. Tổng doanh thu từ các phần phim Lật mặt đạt hơn 700 tỉ đồng - con số được nhận định là khá lý tưởng với thương hiệu phim do một đạo diễn tay ngang sản xuất.
Người Việt vẫn yêu phim Việt
Phóng viên: Ngày anh mới bắt đầu, thật lòng, tôi không nghĩ ca sĩ Lý Hải có thể đi xa đến vậy trong điện ảnh. Nếu gọi 8 năm qua là hành trình làm nghề trong mơ của anh thì liệu có đúng?
Đạo diễn Lý Hải: Đúng là trong mơ với tôi nhưng giấc mơ đó không chỉ màu hồng. Thường khi mơ, người ta hay thấy những điều tốt đẹp, nhiệm màu, ít khi chứng kiến những điều không vui, thử thách. Tôi không thuộc nhóm người hay mơ mộng, chờ đợi một cơ may như trúng số để đổi đời hay tự nhiên có ai đó tặng mình tiền bạc, xe sang, nhà phố... Với tôi, mọi thứ đều phải từ lao động mà nên. Bạn không thể cứ chây ì, lười biếng rồi mong có tiền lo cho gia đình hay đáp ứng nhu cầu tiêu xài cá nhân. Nên gọi 8 năm qua là hành trình trong mơ cũng đúng, vì tôi không nghĩ tác phẩm của mình được khán giả yêu thương nhiều như thế. Nhưng phải thú thật rằng hành trình đó không dễ dàng, nhất là giai đoạn đầu vô cùng khó khăn để gầy dựng lòng tin với đồng nghiệp và khán giả. Về sau, mọi thứ bắt đầu dễ dàng hơn nhưng lúc này, tôi cũng đối mặt với nhiều áp lực khác khi cuộc chơi không còn đơn giản, kỳ vọng từ người xem và ở chính tôi với tác phẩm của mình cũng cao hơn.
|
Bối cảnh làng chiếu xuất hiện trong phim Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh |
* Ở 1, 2 phần đầu, có thể gọi chiến thắng về doanh thu của Lật mặt là may mắn nhưng tới phần 6, yếu tố ăn may không còn được nhắc mà lúc này, nhiều người cho rằng Lý Hải đã tìm ra công thức làm phim của riêng mình. Điều đó có đúng?
- Không đạo diễn nào có thể tự tin nói mình tìm được công thức làm phim mà trăm phim, trăm thắng. Thị hiếu của người xem bây giờ vô cùng khó đoán. Có những phim ra rạp, tôi nghĩ phim đó phải thắng lớn nhưng thực tế không phải. Ngược lại, có nhiều phim tôi nghĩ doanh thu sẽ dừng ở mức này nhưng cuối cùng lại vượt hơn nhiều.
Lý do chính giúp Lật mặt thắng, tôi nghĩ do phim mình làm gần gũi với người xem từ bối cảnh, câu chuyện, nhân vật. Tôi phải cảm ơn vì các diễn viên diễn rất thật và ê kíp làm phim đã cùng nhau thực hiện được một bộ phim chỉn chu. Còn lại, chắc vì khán giả thương Lý Hải, thương ê kíp nên dành nhiều tình cảm. Thật lòng, tôi không biết lý giải thế nào về chuyện doanh thu phần phim sau luôn vượt phần trước nhưng tôi biết khán giả vẫn dành tình cảm cho phim Việt.
Nhưng, có một điểm tôi muốn làm rõ là với điện ảnh Việt nói chung, phim thắng chưa chắc tốt và phim tốt cũng chưa chắc thắng, quan trọng là “điểm rơi” - tức thời điểm phát hành - và kinh phí dành cho quảng bá. Nếu phim có kinh phí sản xuất 20 tỉ đồng mà dồn toàn bộ chỉ để làm phim, đến khi phát hành không còn đủ tiền để vận hành thì phim sẽ “gãy”. Phim rạp bây giờ chỉ có thể “sống” trong 3 ngày, nếu trong 3 ngày kể từ lúc phát hành mà phim không thu hút khán giả thì gần như sẽ thất bại. Rất hiếm phim đủ sức tồn tại, lật ngược tình thế.
|
Lý Hải (giữa) tham gia Lật mặt 4 cùng dàn diễn viên từng cộng tác nhiều lần với anh |
* Đầu năm 2023 đến nay, doanh thu phim Việt tại rạp rất khả quan và những con số đó cho anh có quyền lạc quan rằng người Việt vẫn yêu phim Việt. Nhưng dù vậy, tôi thấy nhiều khán giả vẫn giữ tâm lý không muốn xem phim trong nước. Có thể lý giải điều này như thế nào, thưa anh?
- Rất tiếc khi nhiều khán giả không đặt niềm tin vào phim Việt. Dù vậy, họ không đáng trách. Đồng tiền bây giờ kiếm ra khó, bất kỳ ai khi chi tiêu vào một sản phẩm nào cũng cân nhắc nhiều hơn trước. Ngoài ra, có thể trong qua khứ, khán giả đó từng có những trải nghiệm không thật sự tốt ngoài rạp nên họ giữ tâm lý e dè với các phim do đội ngũ sản xuất trong nước thực hiện.
Thêm một lý do khiến khán giả thích phim ngoại hơn là bởi các đơn vị nhập phim đã có sự chọn lọc, nên giảm bớt số lượng phim chưa hay. Do đó, phim ngoại ngoài rạp phần nào đáp ứng được yêu cầu từ người xem.
Tuy nhiên, khiến khán giả Việt e dè phim Việt hoặc không muốn ra rạp xem phim Việt, một phần do các nhà làm phim trong nước chưa làm được các tác phẩm thuyết phục. Đây là trách nhiệm, cũng là thách thức cho các nhà làm phim trong đó có tôi: cần nỗ lực hơn để khán giả đến rạp, ủng hộ phim Việt.
|
Cảnh sông nước miền Tây xuất hiện liên tục trong Lật mặt: 48H (Lật mặt 5) |
* Từ thời đi hát, anh từng nói âm nhạc của mình bình dân nên không “chen chân” vào được Làn sóng xanh, con đường ca hát gần như túng quẫn. Cho đến khi bỏ túi vài trăm tỉ đồng nhờ làm phim, 2 chữ “bình dân” vẫn gắn chặt. Chữ “bình dân” gợi cho anh điều gì?
- Tôi không nghĩ khi gắn 2 chữ bình dân cho tôi là mọi người đang chê những gì tôi làm ra. Tôi thấy khán giả nhận xét đúng. Từ thời đi hát, âm nhạc của tôi thường xuất hiện ở các sân khấu hội chợ, hát nhảy sôi động, phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa. Sau này, khi âm nhạc Làn sóng xanh trở nên thịnh hành, nhạc của tôi không còn phù hợp vì mang màu sắc khác.
Còn với điện ảnh, chắc phim tôi chân chất, câu chuyện gần gũi nên mọi người gọi là bình dân. Nói thẳng ra là tôi không nghĩ mình có thể làm tốt những chủ đề không quen thuộc với bản thân từ nhỏ đến lớn. Thỉnh thoảng bị nhận xét là nông dân, quê mùa, tôi không cảm thấy buồn vì bản chất con người mình là thế, vốn lớn lên trong nghèo khó, thích cách sống dân dã. Nếu một ngày, ai đó bảo Lý Hải nay sang trọng, nhìn giàu có thì tôi mới ngại còn bảo Lý Hải sao quê quê, bình dân thì tôi quen rồi, vui là đằng khác.
* Đưa hình ảnh sông nước Nam Bộ, làng chiếu truyền thống Định Yên, xe lôi đặc trưng của miền Tây... lên phim là cách anh giới thiệu Việt Nam với bạn bè quốc tế. Đến nay, cách làm này mang lại hiệu quả thế nào?
- Thật khó để nói về hiệu quả vì điều này không có định lượng cụ thể. Thế nhưng, từ khi bắt đầu với điện ảnh, tôi luôn tâm niệm bản thân chỉ có thể khai thác từ những gì thân thuộc, gần gũi nhất. Cho đến khi mang những cuốn phim đầu tiên giới thiệu với các nhà phát hành quốc tế, tôi thấy họ hào hứng với những gì mang đặc trưng của xứ sở mình. Khi tôi đưa cho những nhà làm phim Hàn Quốc xem Lật mặt 5, họ rất thích. Họ muốn thưởng thức những nét riêng biệt chẳng hạn như những chiếc phà, những chiếc xe lôi đặc trưng miền Tây... mà hiếm khi xuất hiện trên phim ảnh.
Sau quá trình đưa phim chinh phục những nhà phát hành quốc tế, tôi nhận ra công việc này không hề dễ dàng vì các bên đòi hỏi âm thanh, chất lượng hình ảnh, câu chuyện... phải đạt chuẩn. Đến Lật mặt 4, tôi mới thuyết phục được các nhà phát hành quốc tế chọn chiếu phim. Sang phần 5, mọi chuyện bắt đầu dễ hơn và đến phần 6, các bên đã đặt hàng trước, một phần cũng nhờ uy tín của mình.
Tôi thấy điện ảnh Việt khó có đủ kinh phí để tạo ra những pha nổ xe hàng loạt như bom tấn Hollywood, cũng không đủ tiền hay kỹ xảo để tái hiện nhiều câu chuyện vượt xa trí tưởng tượng của con người thì tập trung vào khai thác những nét văn hóa đặc trưng, câu chuyện riêng có của Việt Nam cũng là cách hay để tạo ấn tượng.
Nếu tiền vạn năng, con người đâu day dứt
* Trong lần chuyện trò với đạo diễn, nhà sản xuất Đồng Đăng Giao - một trong những đồng nghiệp lâu năm của anh, chúng tôi nhắc về anh và thời còn gom góp từng đồng, vay nợ để làm loạt Trọn đời bên em. Những lúc khó khăn như thế, anh có bị ám ảnh về tiền?
- Nhiều đồng nghiệp, các anh em trong nghề nói tôi liều bởi ngay thời không có đồng tiền nào, tôi mượn nợ để làm loạt Trọn đời bên em. Đến lúc chưa biết gì nhiều về phim điện ảnh thì tôi nhảy đi làm, cũng tự đánh cược thắng - mừng, lỗ - chịu. May mắn là tôi chưa thất bại đến mức không gượng dậy nổi mà luôn có điểm sáng, niềm tin nào đó để mình tựa vào, đi tiếp. Ám ảnh về tiền thì tôi không có vì tôi luôn tin nếu mình có sức, có ý chí thì thua keo này, ta bày keo khác.
* Năm 1993-1994, giai đoạn bị gắn với 2 chữ “hết thời” trong âm nhạc, có phải là thời điểm khó khăn nhất của anh?
- Đúng, đó là giai đoạn khó khăn nhất vì tôi chưa chuẩn bị tinh thần. Trước đó, tôi vẫn chạy sô, vẫn nhận lời tham gia các sự kiện, được các bầu sô săn đón. Đến khi âm nhạc mình không còn phù hợp với xu hướng nghe nhạc chung, mọi thứ thay đổi chóng mặt. Bầu sô không còn liên hệ. Từ có tất cả, hưởng trọn vẹn vinh quang trên sân khấu, tôi như không còn gì trong tay, trở về con số 0. Giai đoạn đó vô cùng khủng khiếp nhưng cũng giúp tôi nhận ra rằng nếu mình không linh hoạt thích ứng, không sáng tạo thì không bao giờ trụ lại được trước thị trường giải trí liên tục thay đổi. Giai đoạn đó tôi cũng xác định dừng luôn sự nghiệp ca hát, cũng đã đi học may để có cái nghề kiếm cơm. Nhưng, khi Trọn đời bên em ra mắt, mọi thứ lại mở ra một hành trình mới.
Trailer phim Lật mặt 6:
* Đi học may khi đã nổi tiếng, luôn quan niệm phải lao động mới hưởng thụ - những tư tưởng này ở anh có phải từ giáo dục mà thành?
- Giáo dục gia đình cực kỳ quan trọng để hình thành tính cách một con người. Má tôi không khó tính nhưng khi dạy con thì rất kỹ. Nếu muốn con nhớ chuyện gì, bà thường xuyên nhắc đi nhắc lại chuyện đó. Cho đến khi tôi lớn, có nhà ở thành phố, mỗi lần tôi về quê, má vẫn dặn dò những chuyện nhỏ xíu, đã nói hoài mấy chục năm qua: “Đi đâu thì nhớ đóng cửa phòng ăn trộm nha con”, “Nhớ tắt đèn, tắt quạt kẻo tốn điện”, “Nhớ kéo rèm kẻo người khác nhìn vào nhà mình”...
Má hay nói má không thể ở bên các con cả đời để chỉ dạy nên chuyện gì má dặn thì phải nhớ cho má yên tâm. Giờ thì má lẫn, không nhớ thằng Lý Hải là con của má nữa rồi. Tôi hiểu má không còn nhiều thời gian, có thể chia tay bất cứ lúc nào nên bản thân cũng chuẩn bị tâm lý, luôn tranh thủ về với má khi có dịp.
* Anh có dạy lại cho con cái những bài học từ má mình?
- Qua thời gian, có những điều không còn phù hợp nhưng riêng với những gì má dạy, tôi vẫn thấy đúng, vẫn muốn con mình được học. Tôi dạy con phải biết quý trọng công sức lao động của bản thân và người khác, nếu muốn có cái ăn phải biết làm việc, không được làm hại ai dù chỉ bằng lời nói, biết cảm ơn và xin lỗi, sống tiết kiệm, không khoe khoang...
Tôi không muốn các con thấy đồng tiền dễ có, chỉ cần xin ba mẹ là được nên từ môi trường học tập, vui chơi... đến các dịch vụ khác, vợ chồng tôi đều không tạo ra đặc quyền. Các con đều sớm biết ba mẹ là người nổi tiếng nhưng mọi thứ chỉ dừng lại ở đó, không vì ba mẹ được chú ý mà các con được quyền xem nhẹ công việc của người khác. Chúng tôi cũng không tạo áp lực là con phải học thật giỏi để không làm ảnh hưởng đến ba mẹ mà chỉ mong con phát triển bình thường, biết nỗ lực hơn, biết hoàn thiện... là được.
|
Bên gia đình nhỏ |
* Anh có phải là người cha tốt?
- Không đâu, hoàn toàn không. Công việc của tôi chiếm nhiều thời gian nên không ít ngày, tôi có cố cũng không thể về sớm để chơi cùng các con. Đến lúc tôi rảnh thì các con phải học bài hoặc đã lên giường ngủ. Quỹ thời gian dành cho con bị công việc chiếm lấy là điều khiến tôi áy náy nhất trong vai trò làm cha. Nhiều lúc, tôi cảm thấy xấu hổ với con vì có làm ra núi tiền cũng không mua được 1-2 tiếng đồng hồ bên con. Thường ngày, nếu không có công việc, mỗi chiều khi con tan học, tôi đều đạp xe hay chơi bóng, trượt patin, sau đó tắm rửa cho các con, ăn cơm cùng. Đến giờ học và ngủ thì con có bà, có mẹ.
Bây giờ, tôi mới thấm thía là làm cha mẹ không hề dễ dàng, không phải kiếm nhiều tiền là được mà cần đồng hành cùng con. Con có làm sai thì không được đòn roi mà phải giảng giải cho con hiểu. Thời buổi bây giờ nuôi con khó lắm nên tôi không tự tin mình là người cha tốt vì có rất nhiều điều bản thân cần phải học.
* Anh đang ở thời điểm viên mãn nhất khi gia đình hạnh phúc, sự nghiệp thăng hoa, được công chúng yêu mến... Còn điều gì anh muốn thực hiện?
- Tôi biết đời vô thường nên khi càng có được nhiều thứ, bản thân lại càng trân trọng. Từ nhỏ đến giờ, tôi không hay mơ mộng cao xa nhưng nếu lúc trước, bản thân muốn làm gì sẽ làm ngay thì bây giờ, tôi suy nghĩ nhiều hơn. Các con càng lớn, mình càng phải có trách nhiệm. Khán giả càng yêu thích, mình càng phải làm thế nào để xứng đáng với tình cảm đó. Nếu càng làm phim thì phim sau phải có gì đó mới hơn, đặc biệt hơn phim trước. Nhiều người hỏi về các phần tiếp theo trong loạt Lật mặt, tôi nói đó là điều tôi mơ ước vì tôi biết giờ đây, khán giả đặt kỳ vọng nhiều hơn và chính tôi cũng vậy.
Thời gian qua, tôi nhận được nhiều lời mời làm đạo diễn, cũng có những lời mời hợp tác từ bạn bè làm phim ở một số nước nhưng tôi thấy hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp. Tôi cần thêm thời gian trải nghiệm, học hỏi. Nếu tôi không kỹ lưỡng mà vội vàng ở những cơ hội này, có thể mọi chuyện sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Diễm Mi (thực hiện)- Ảnh: Nhân vật cung cấp