Lý giải việc "quái ngư thân trắng" xuất hiện ở hồ Tây

29/09/2015 - 15:48

PNO - Một cần thủ bất ngờ câu được con “quái ngư” ở Hồ Tây (Hà Nội), nặng 3kg. Cá lạ màu trắng, đầu giống cá heo.

Trước đó, như báo chí đã đưa, ngày 26/9, Anh Trần Lĩnh Huế (28 tuổi, ở phố Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội) đi tập thể dục ở ven hồ Tây thấy thợ câu được con "quái ngư" kỳ lạ, có hình dáng toàn thân màu trắng muốt, mõm dày, mắt màu đen, đầu gồ lên.

Ly giai viec 
Con “quái ngư” nặng 3kg câu được ở Hồ Tây, toàn thân màu trắng, đầu giống cá heo. (Ảnh Dân Việt)

Thấy con cá khác thường, anh Huế đã bỏ ra 500.000 đồng mua về thả trong bể. Tuy nhiên, con cá rất hung dữ, liên tục đuổi cắn những con cá khác trong bể khiến anh phải mang con cá lạ sang nhờ bạn nuôi nhờ". Sáng 28/9 anh Huế quyết định mang con cá thả lại hồ Tây.

Ly giai viec 
Anh Trần Lĩnh Huế (28 tuổi, ở phố Quán Thánh, quận Ba Đình, TP.Hà Nội) - người bỏ ra 500.000 đồng mua con “quái ngư”. (Ảnh Dân Việt)

Theo tìm hiểu, được biết, loài cá đó có tên khoa học là Osphronemus goramy  Lacepède, 1801. Loài này thuộc họ Cá tai tượng (Osphronemidae), Bộ Cá vược (Perciformes). Tên tiếng Việt: Cá tai tượng

Loài cá tượng này sống ở ao hồ, đầm, sông nước ngọt và cả ở các cửa sông (nước lợ). Đây là loài ăn tạp (ăn cả thực vật thủy sinh, cá, ếch, nhái, giun đất và xác chết động vật.

Về hiện tượng cá Tai tượng xuất hiện ở Hồ Tây, Tiến sĩ Đỗ Văn Tứ (Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật) lý giải: Loài cá này xuất hiện ở Hồ Tây có thể do được thả phóng sinh, hoặc do người nuôi sinh vật cảnh không thích nuôi nữa nên thả xuống hồ.

"Tuy nhiên, việc thả bất kỳ loài sinh vật thủy sinh mà không phải là loài bản địa ở Hồ Tây đều có thể gây ra những tác động bất lợi đối với khu hệ thủy sinh vật bản địa của Hồ Tây.

Điều đặc biệt cần lưu ý đây là loài ăn tạp và có kích thước lớn nên nó hoàn toàn có thể gây hại cho các loài thủy sinh vật khác đang sinh sống ở Hồ Tây"- Tiến sĩ Tứ nhấn mạnh.

Vũ Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI