Lý giải nguyên nhân giáo viên mầm non về hưu khóc ròng với mức lương 1,3 triệu đồng/tháng

01/11/2017 - 15:53

PNO - Sau hàng chục năm cống hiến cho giáo dục, nữ giáo viên mầm non về hưu với mức lương hơn 1,3 triệu mỗi tháng không chỉ khiến bản thân mà nhiều người đều ngỡ ngàng.

Như báo Phụ Nữ đã đưa tin, năm 1980, cô Nguyễn Thị Vỹ (ở xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, Nghệ An) lên huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An) học sơ cấp mầm non. Vì thiếu giáo viên, cô Vỹ phải vừa học vừa đi dạy. Bốn năm sau, cô được phân công về quê nhà làm giáo viên mầm non xã Nam Xuân.

Sau khi đi học và tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, cô Vỹ được bầu làm tổ phó giáo viên mầm non và được biên chế Nhà nước và nhận lương 6,3 triệu đồng/tháng trước khi nghỉ hưu. Đầu tháng 6, nữ giáo viên này nhận quyết định nghỉ hưu. Lúc cầm quyết định trên tay, cô Vỹ không dám tin khi biết mức lương về hưu của mình chỉ 1.356.473 đồng/tháng.

Ly giai nguyen nhan giao vien mam non ve huu khoc rong voi muc luong 1,3 trieu dong/thang
Cô Vỹ buồn bã, khóc mướt khi nhận quyết định nghỉ hưu với mức lương hơn 1,3 triệu mỗi tháng.

“Thời điểm đó, chúng tôi được trả lương bằng công điểm, sau đó quy ra thóc. Có những thời điểm rất khó khăn, chúng tôi phải mượn nhà dân, kho hợp tác xã làm lớp dạy học cho các em. Dù khó khăn, vất vả, tôi chưa bao giờ nghĩ mình bỏ nghề, cố gắng bám trụ. Thế mà nay về già lại chỉ được hưởng mức lương hưu quá thấp, không đủ cho trang trải cuộc sống hiện tại”, cô Vỹ buồn bã cho biết.

Theo cô Vỹ, từ năm 1995, cô bắt đầu được đóng bảo hiểm xã hội và phải đóng truy thu bảo hiểm số tiền 2,6 triệu đồng. Để có số tiền truy đóng bảo hiểm, nữ giáo viên này đã phải bán đôi hoa tai một chỉ vàng 9999, hai con bê và hai con heo của gia đình.

“Khi cầm quyết định nghỉ hưu, đọc số lương được nhận hàng tháng, tôi không thể tin nổi, về nhà nằm khóc suốt mấy ngày liền”, cô Vỹ nói và cho biết không chỉ bản thân bất ngờ mà ngay cả người thân, hàng xóm cũng không tin, còn cho rằng cô nói dối. Để có tiền trang trải cuộc sống khi mức lương hưu quá ít, cô Vỹ phải làm thêm đủ thứ, từ chăn nuôi gà, vịt, trồng rau, chè xanh đem đi chợ bán…

Theo ông Nguyễn Quang Quyết - Trưởng phòng Chế độ Bảo hiểm xã hội BHXH tỉnh Nghệ An, việc xuất hiện lương 1,3 triệu đồng (tính ra lương hưu dưới 1,3 triệu đồng, được bù thêm cho đủ mức trên) chủ yếu là giáo viên mầm non nông thôn. Nếu cô giáo đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH thì tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.

Ly giai nguyen nhan giao vien mam non ve huu khoc rong voi muc luong 1,3 trieu dong/thang
Theo cô Vỹ, với mức lương hưu nhận được thì không đủ trang trải cho cuộc sống tối thiểu của bản thân.

Giáo viên mầm non trước năm 1995 được điều chỉnh bởi Quyết định 133 (năm 1982 của Hội đồng Bộ trưởng, nay là Chính phủ) và Thông tư 25 (ngày 16/8/1983) của Bộ GD&ĐT hướng dẫn quyết định trên. Điều chỉnh thứ hai là Thông tư 09 liên bộ GD&ĐT, Tài chính, NN&PTNT (ngày 21/5/1977).

Tại Quyết định 133, các trường mầm non chỉ có hiệu trưởng là vào biên chế nhà nước và thời gian công tác tính từ ngày bắt đầu đi dạy. Thông tư 09 lại quy định đối với giáo viên mầm non ở thành phố và thị xã thì mới có biên chế, còn ở khu vực nông thôn giáo viên mầm non không có biên chế nhà nước mà chỉ được ăn công điểm.

Các giáo viên mầm non ở nông thôn có thời gian giảng dạy rất dài nhưng không được công nhận thời gian công tác. Khi Chính phủ có nghị định 73 (ngày 19/8/1999) về xã hội hóa về ngành giáo dục, ngành văn hóa thể thao thì khi đó các đối tượng trên mới được đóng bảo hiểm xã hội.

Ngày 22/3/2004, Bộ GD&ĐT cùng Bảo hiểm xã hội Việt Nam có công văn 2150 thực hiện đối với ngành, cơ sở giáo dục thì các cô giáo mầm non nêu trên được truy đóng bảo hiểm xã hội từ 1/1/1995.

Do đó, một số giáo viên mầm non về hưu với mức lương 1,3 triệu là không sai, vì dù số năm công tác dài, nhưng bậc lương thấp, số tiền nộp bảo hiểm xã hội thấp, dẫn đến mức lương hưu cũng thấp theo.

Thành Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI